NGUYỄN TRỌNG HIỀN
“Thầy Tâm ơi, Thầy có thể bỏ miếng vải che mắt cho em được không?”
Giọng nói của Kim Liên khiến chàng nhớ rằng nàng đang ngồi ngay bên cạnh mình ở giữa thuyền.
“Kim Liên, mình đợi thêm một ít nữa.”
Người phụ nữ chèo thuyền cho đến lúc đó không để ý đến hai hành khách. Mắt nàng vẫn nhìn chằm chằm về phía trước trong khi chèo và điều khiển con thuyền, nhưng nàng lên tiếng.
“Thầy đừng vội tháo khăn bịt mắt và dây trói của cô ấy cho tới khi nào tôi cho biết có thể.
Tâm hiểu rằng nàng đang tuân theo mệnh lệnh một cách kiên quyết. Tất cả đều im lặng từ đó trở đi. Cô bé con vẫn ở mũi tàu, thỉnh thoảng quay lại liếc nhìn hai người hành khách.
Vào giữa buổi sáng, họ đã đến một con sông lớn hơn, mà Tâm đoán là sông Hồng. Con thuyền nhỏ không ngần ngại đi vào con sông rộng lớn. Nước sông còn mạnh hơn, và chàng cảm thấy rằng người phụ nữ đang để con thuyền trôi theo, chỉ dùng mái chèo của mình để hướng thuyền về phía trước. Khi không còn nhìn thấy nhánh sông ở nơi khởi hành nữa, Tâm được phép cởi trói và tháo khăn bịt mắt cho Kim Liên.
“Cánh tay của em sẽ cảm thấy tê liệt trong một thời gian ngắn,” Tâm nói với nàng.
“Chúng ta đang ở đâu?” Kim Liên hỏi, mắt chớp nhanh trước ánh sáng ban ngày đột ngột.
“Chiều nay chúng ta sẽ đến gần Hà Nội,” chủ thuyền nói. “Từ đó, có thể đi bộ về nhà trong vòng chưa đầy một ngày.”
Sau khi được cởi trói, Kim Liên trở nên bớt hiếu chiến, ít nói hơn, có lẽ bị choáng váng bởi những chuyện xảy ra trong mấy ngày qua. Nàng liếc trộm Tâm vài lần, mấy lần định hỏi chuyện, nhưng suốt quãng đường còn lại nàng không nói một lời nào nữa.
Đến chiều, cô bé đã trở lại chỗ họ, mời họ uống trà và ăn bánh chưng gói bằng lá dong. Trong khi họ ăn, cô bé thay thế mẹ để cho bà có thể ăn và nghỉ ngơi một chút. Người mẹ đứng ở mũi thuyền, quan sát và thỉnh thoảng sửa những lỗi nhỏ để giúp con gái mình điều khiển.
Tâm đã quay lại nhìn cô bé và mẹ đang cùng nhau lèo lái hướng đi của con thuyền. Nét mặt của người đàn bà không có gì đặc biệt ngoại trừ vẻ tự tin và nghị lực. Chàng thấy trước khi ăn bà làm dấu thánh giá. Quan sát kỹ hơn, chàng thấy rằng bà ta đeo một cây thánh giá nhỏ bằng gỗ treo bằng một sợi dây chuyền kim loại quanh cổ, dưới chiếc áo dài tứ thân và cái yếm lót truyền thống bên trong.
“Chị theo đạo Thiên Chúa phải không?”
“Vâng, thưa thầy,” nàng trả lời, mắt vẫn tập trung vào con gái. “Cả gia đình tôi theo đạo đã lâu nay rồi.”
“Ngay cả dưới thời vua Minh Mạng?”
“Ngay cả trước đó, mặc dù tôi được biết ông nội tôi đã tử vì đạo và gia tộc chúng tôi đã mất hết đất đai và tài sản. Bây giờ chúng tôi kiếm sống trên sông, chuyên chở hành khách và hàng hóa.”
“Như vậy chồng chị cũng làm nghề chèo thuyền à?”
Nàng không trả lời ngay, và giọng nàng chứa đựng một cảm xúc tế nhị khi cuối cùng nàng thổ lộ.
“Anh ấy đã bị giết trong một trận chiến vài năm trước đây.”
Tâm chìm đắm trong suy nghĩ một lúc sau đó, không biết phải nói gì. Người bạn đồng hành của chàng lại ngủ gật, chắc chắn là để ngủ bù cho những giấc ngủ mà nàng đã bỏ lỡ trong những ngày qua.
Chàng lấy sách ra và bắt đầu đọc. Người đàn bà chủ thuyền đã tiếp tục công việc của mình và cô bé con trở lại giữa thuyền, tò mò nhìn vào những gì anh ta đang đọc. Trước sự ngạc nhiên của Tâm, cô bé bắt đầu đọc to một câu tiếng Việt trong sách. Nói xong, cô bé cười khúc khích và nhìn chàng bằng đôi mắt thông minh và nụ cười thật thà. Tâm lớn tiếng hỏi mẹ cô bé.
“Cô con gái xinh đẹp này của chị tên gì, cháu bao nhiêu tuổi?”
“Cháu tên là Hồng, và nó năm nay lên bảy.”
Chàng ngạc nhiên về tuổi của cô bé, và cũng tự hỏi ai đã dạy cô ấy đọc giỏi như vậy.
“Ai đã dạy cho Hồng chữ quốc ngữ mới?”
“Cha Phan ở nhà thờ của chúng em đã dạy nó, và tôi cũng dạy kèm thêm ở nhà.”
“Hồng, cháu cũng viết được à?” Tâm hỏi. Hồng cười khúc khích và người mẹ phải trả lời hộ.
“Cháu mới bắt đầu học viết, và tôi viết không giỏi lắm để có thể dạy cháu đàng hoàng. Tôi muốn cho nó đi học, nhưng tất nhiên là chúng tôi không đủ khả năng. Giá như cha nó còn sống…”
Người thầy giáo làng im lặng một lúc, nghĩ rằng thật kỳ lạ làm sao lại có thể tìm thấy những đứa trẻ tài năng như vậy ở những nơi không ai ngờ chứ không chỉ trong các gia đình học giả hay trong những biệt thự lộng lẫy của kẻ giàu có. Ngủ gật bên cạnh chàng là cô con gái của một xã trưởng giàu có và quyền lực, có đủ mọi phương tiện và cơ hội để đi học nhưng lại không muốn học. Trong khi đó, đứa con của một người đàn bà nghèo khó nhưng chăm chỉ khao khát được đến trường nhưng có lẽ sẽ chẳng có cơ hội nào để làm điều đó.
***
Chiều hôm đó, thuyền rẽ sang một nhánh khác của sông Hồng. Sau một thời gian ngắn, thuyền rẽ vào bờ, cập bến gần một thân cây đổ xuống nước. Người phụ nữ buộc chiếc xuồng ba lá vào thân cây rồi dìu hai hành khách lên bờ. Trước khi lên bờ, Tâm thò tay vào túi lấy tiền đưa cho chị.
“Cảm ơn chị đã đưa chúng tôi về đây. Xin chị nhận số tiền này coi như giá vé của chúng tôi,” chàng nói.
Người phụ nữ nhanh chóng từ chối, đẩy tay chàng ra. “Thầy không phải trả tiền cho tôi. Cô Nhân đã lo liệu hết rồi.”
Cô chỉ về hướng bờ sông.
“Nếu thầy không biết mình đang ở đâu, hãy đi bộ lên đỉnh đường đê mà mình nhìn thấy từ đây. Khi đến đó, Thầy rẽ về hướng Bắc và tiếp tục đi bộ trên đê cho đến khi gặp một con đường. Tiếp tục đi theo con đường đó và sẽ đến làng của Thầy trước đêm nay.”
Tâm ngạc nhiên thấy nàng biết rõ các đường thủy và cả những con đường đất dẫn đến chúng, như đã mang theo bản đồ trong đầu.
“Còn chị thì sao, chị sẽ không vất vả đi ngược dòng từ đây về hay sao?”
“Sẽ khó hơn, nhưng thủy triều sẽ đảo ngược hướng trong một thời gian ngắn và sau đó chèo thuyền sẽ không quá khó khăn.”
“Liệu thủy triều có giúp chi về đến tận nhà không?”
“Có, mặc dù ảnh hưởng của thủy triều sẽ không còn mạnh lắm khi gần về đến nhà. Tất cả các chủ thuyền trên sông này đều biết điều này và lợi dụng sức của thủy triều bất cứ khi nào có thể làm được.”
Trước khi chia tay, Tâm nói cho nàng biết điều mà chàng đã cân nhắc trong suốt chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình.
“Nếu muốn, chị có thể cho con gái của chị đến học tại trường làng của tôi. Chị sẽ không phải trả khoản học phí nào, và mẹ tôi sẽ rất vui mừng tiếp đón Hồng đến ở nhà chúng tôi.”
Bà mối
Cả nhà reo mừng khi thấy Kim Liên dường như không bị khổ cực nhiều sau khi bị bắt và giam cầm trong mấy ngày liền. Xã Long cảm ơn thầy Tâm rối rít và mời chàng vào nhà giải khát rồi ăn tối. Chàng từ chối bữa tối nhưng đồng ý ngồi xuống để uống một ít nước dừa tươi. Trong khi chàng còn đang uống, những người hầu mang trái cây và đủ loại bánh kẹo ra, chất thành đống trước mặt hai người lữ khách mệt mỏi. Xã Long hỏi han con gái và người cứu nàng, cứ phút chốc lại ra lệnh cho những người hầu mang thêm thức giải khát ra.
Một khi tiếng ồn ào đã giảm xuống mức bình thường hơn, Tâm đứng dậy.
“Tôi xin cám ơn ông xã trưởng, nhưng bây giờ tôi cần phải về nhà cho mẹ tôi khỏi lo.” Chàng cũng biết mình phải đến gặp cha mẹ Chính để cho họ biết không cần phải lo lắng cho con trai mình nữa.
“Lẽ tất nhiên rồi, Thầy Tâm! Xin tha lỗi cho tôi đã không suy nghĩ đến chuyện đó và đã giữ thầy ở đây quá lâu. Nhưng thầy sẽ phải quay lại khi con trai tôi là quan Tuần Phủ… Trời ơi, tôi đã quên cử người đi báo tin cho quan Tuần Phủ.”
Xã Long chỉ vào một trong những người hầu và hét lên.
“Anh kia, chuẩn bị đi lên tỉnh ngay lập tức!”
Người hầu liếc nhanh ra ngoài nhìn ánh sáng ban ngày đang suy yếu dần, tuy biết rằng không thể nào từ chối ông xã trưởng. Xã Long không để ý và đã bắt đầu đưa ra những lời dặn dò cho người hầu.
“Hãy nói với quan tuần phủ là em gái của ngài đã được bọn cướp phóng thích và được thầy Tâm đưa về nhà. Nói với ngài rằng cô ấy không hề hấn gì. Nói với ngài …” Xã Long chưa nói hết đã quay sang hỏi Tâm. “Họ giam cầm Kim Liên ở đâu vậy, thầy Tâm?”
“Tôi thực sự không biết,” Tâm trả lời, nhận thấy sự thay đổi trong thái độ và giọng điệu của xã Long từ một người cha biết ơn sang một nhân vật quyền lực. “Họ để tôi đợi qua đêm và sáng hôm sau đưa cô ấy từ một nơi khác đến.”
Xã Long cau mày nhìn Tâm một lúc rồi nói.
“Tôi hy vọng thầy sau này sẽ cung cấp cho tôi và quan tuần phủ một bản tường trình đầy đủ về những gì thầy đã làm và đã nhìn thấy.”
Sau đó, hắn đối mặt với bà vợ, thay đổi cái cau mày thành một nụ cười tươi.
“Này bà, còn một điều nữa mà chúng ta không được quên. Bà đã liên lạc với bà mối chưa?”
“Vâng, tôi đã liên lạc với bà ấy ngay sau khi mình bàn bạc với Chí, nhưng mình phải đợi Kim Liên về nhà trước rồi mới bắt đầu bất cứ việc gì.”
“Nó đã về nhà rồi. Vậy bà hãy nhắn bà mối đến làng mình để gặp gia đình Cả Nguyên về chuyện con gái của họ.”
Tâm đứng dậy ra về, mặc dầu bà vợ Xã Long cứ mời chàng ở lại lâu hơn nữa. Chàng đến gặp cha mẹ Chính và nói với họ rằng họ không cần phải lo lắng về hành động của con trai mình nữa. Xong xuôi chàng mới đi về trường làng.
***
Hai người phụ nữ đang đợi anh. Họ bận bịu nấu bữa cơm sớm đón chàng thầy giáo làng về. Thi cứ ra vào bếp mỗi khi có cơ hội để nhìn ra phía cổng trường với hy vọng thấy chàng xuất hiện. Tin tức lan truyền nhanh chóng trong ngôi làng nhỏ, và chỉ trong vài phút sau khi Tâm bước vào khu nhà của xã trưởng, nàng đã biết tin đó. Nàng lập tức chạy đến trường làng báo tin cho bà Lân, mẹ chàng.
Cuối cùng, Tâm bước qua cổng, nét mặt không biểu lộ chút gì là niềm vui được trở về nhà sau khi nhiệm vụ thành công. Có điều gì đó đang làm chàng lo lắng. Tuy nhiên, mặt chàng tươi hẳn lên khi trông thấy nàng.
“Thi, em làm gì ở đây vậy?”
Anh đi đến cửa sau nơi nàng đang đứng và dừng lại ngay trước mặt nàng. Đôi mắt Thi sáng lên, nàng mỉm cười và bước sang một bên để Tâm đi qua.
“Thầy ơi, cuối cùng thầy cũng về đến nhà rồi! Mẹ thầy và em cứ lo lắng cho thầy mãi.”
Thi muốn kể cho chàng biết bao nhiêu lần nàng đã đi đến chân đồi và nhìn lên con đường mòn, hy vọng có thể nhìn thấy chàng trước bất cứ ai khác. Tuy nhiên, khi Tâm nhìn nàng, Thi đỏ mặt và im lặng. Tâm nhận thấy sự thay đổi trên nét mặt của nàng và dừng lại như chàng muốn nói một điều gì đó. Tuy nhiên, mặc dầu là người thầy giáo làng thường ăn nói lưu loát trước mặt học trò, chàng không nói ra được lời nào. Giọng nói của mẹ chàng đã chấm dứt giây phút mê hoặc ấy.
“Thầy Tâm đứng ngoài cửa làm gì vậy? Hãy vào trong này để mẹ nhìn thấy con. Con xem đây những món gì Thi và mẹ đã nấu cho con.”
Nghe tiếng mẹ gọi, Tâm giật mình nhìn lại Thi rồi cười to.
“Mình đi vào trong để thầy kể cho cả hai người nghe cuộc phiêu lưu lần này của cô con gái xã trưởng.”
***
Vài ngày sau Thi đi học về, cho gà ăn và nhặt trứng mà gà đẻ trong ngày hôm đó. Nàng đặt vài quả vào một cái giỏ mà nàng sẽ mang đến cho mẹ của thầy Tâm. Mẹ của Thi đang chuẩn bị bữa tối và không nhìn lên khi cô con gái bước vào.
Thi lần đầu tiên nhìn thấy họ bước ra từ nhà bà hàng xóm. Bà Cảnh cùng với một người đàn bà lớn tuổi mặc áo dài lụa màu tím đậm, chậm rãi đi về phía cổng trước nhà của Thi. Người lớn tuổi là người mà nàng chưa từng gặp trong làng.
“Mẹ, mình có khách.”
Mẹ nàng vội vàng thái xong những củ su hào tím hái từ vườn rau.
“Họ là ai vậy Thi?”
“Hàng xóm của mình, bà Canh, và một bà khác, một người lạ.”
Bà Nguyên ngay lập tức ngừng công việc của mình, bỏ con dao xuống và đứng dậy. Bà vội vàng rửa tay, lau khô rồi chạy vào phòng ngủ lục lọi tìm một chiếc áo dài để khoác lên người và chuẩn bị tiếp khách.
“Bà Cả Nguyên, bà có nhà không? Có ai ở nhà không?”
“Tôi sẽ ra ngay,” bà Nguyên nói to. Hạ giọng xuống, bà quay đầu vào bếp dặn Thi.
“Con pha một ít trà và mang ra mời khách khi nào xong xuôi. Ôi, mẹ ước gì người ta báo trước cho mình để mình có thời giờ chuẩn bị. Mẹ trông như một mớ hỗn độn còn con thì… Con thì được.”
Thi không mấy khi thấy mẹ của mình hào hứng như vậy.
“Bà đó là ai vậy? Mẹ có biết bà ta không?”
“Bà Bí, bà mối đấy!” người mẹ thì thầm trước khi quay đi.
Hôm trước, bà Cả Nguyên đã nghe bà hàng xóm cho biết có một bà mối sẽ được xã trưởng cử đến để gặp mặt. Bà Cảnh nói tin đó với nụ cười và một giọng điệu thân thiện mà bà mẹ của Thi thấy hơi ngạc nhiên. Dù là hàng xóm tốt nhưng bà Cảnh luôn cư xử như bà là một người chị mà bà Nguyên phải nể nang trong mọi vấn đề.
Đã có nhiều tin đồn về triển vọng hôn nhân của người con trai của xã trưởng sau khi chàng trở về làng trong đám rước vinh quy. Tuy có lưu ý đến tin đồn ấy, bà Nguyên không mấy quan tâm vì chưa bao giờ nghĩ rằng cô con gái còn nhỏ tuổi của mình lại có thể trở thành con dâu của một gia đình quyền thế nhất làng. Tuy nhiên, khi bà hàng xóm đề cập đến chuyến thăm của bà mối, bà đã bị tràn ngập bởi những cảm xúc bất ngờ nhưng thú vị.
Cuộc hôn nhân có sẽ mang lại lợi ích cho gia đình bà Nguyên, nếu xã trưởng giảm một ít tiền thuê đất cho bên cha mẹ vợ. Bà nghĩ đến việc người chồng và các con trai siêng năng của mình sẽ có đời sống khá hơn, bớt vất vả và thanh nhàn hơn. Bà cũng có thể hình dung ra mình mặc một chiếc áo lụa đẹp và đi thăm những người như vợ xã trưởng và những đàn bà khá giả khác trong làng. Đó chỉ là một cách nếm một ít hương vị của những trái cây mọc trên cao mà bà Nguyên chưa dám nghĩ đến.
Mặt khác, bà biết chồng mình không coi trọng xã Long sau nhiều lần bị xã trưởng lấn át về vấn đề đất đai. Cả Nguyên và các con trai làm việc cực nhọc năm này qua năm khác và điều duy nhất họ mong là giữ được vùng đất mà họ đã có, trong khi xã Long tiếp tục mở rộng cả diện tích đất đai lẫn quyền lực mà hắn nắm giữ trong làng và các vùng lân cận. Bà cả Nguyên hy vọng rằng chồng mình sẽ kiềm chế lòng kiêu hãnh và đồng ý cho con gái kết hôn với quan Tuần Phủ mới, con trai của xã Long.
Còn Thi sẽ nghĩ sao? Mẹ nàng không biết, hay nói đúng hơn là không muốn đối diện với sự thật. Một mặt, bà hy vọng rằng Thi sẽ không phản đối lời cầu hôn. Mặt khác, bà phải thừa nhận rằng Thi sẽ tự quyết định và chồng bà sẽ hỗ trợ con gái dù thế nào đi chăng nữa.
Thi hiểu vì sao khi nghe tiếng khách gọi, mẹ nàng lại trở nên luống cuống như vậy. Nàng đi đun nước và pha trà. Sau khi rót nước vào ấm có chứa lá trà khô, cô đặt ấm lên khay với ba chiếc tách rồi mang tất cả lên phòng trên.
“Đây là con gái tôi,” mẹ nàng tự hào tuyên bố như thể không ai biết nàng là ai. “Thi, con rót trà mời khách.”
“Vậy đây là Lê Thi,” bà mối nói với giọng khàn khàn, chăm chú theo dõi đối tượng trong nhiệm vụ của mình. “Cô ấy đúng là một người xinh đẹp tuyệt vời.”
Giá như cô ấy làm tóc ngay ngắn thay vì để xõa tự nhiên như thế, và những chiếc răng kia lẽ ra phải được nhuộm đen, bà Bí nghĩ. Nàng vẫn trông như một đứa trẻ con! Ngắm nghía căn nhà mộc mạc với đồ đạc thô sơ kiểu quê mùa và người mẹ chất phác ngồi đối diện, bà mối cứ nghĩ đến câu nói trần tục mà bà ta không mấy khi có cơ hội và hoàn cảnh để sử dụng: thiếu nữ này là viên ngọc ngồi trên đống phân trâu.
Thị không cúi gằm mặt mà nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ lớn tuổi khi nàng dâng tách trà lên mời bà mối. Đôi mắt nhắm gần như hoàn toàn thành hai khe nhỏ hẹp, giống như một con thú nào đó đang phán đoán khi nào thì nên vồ lấy con mồi. Ngồi bên cạnh bà mai là bà Cảnh. Bà hàng xóm, như thường lệ, mỉm cười như một kẻ khờ khạo, vui mừng được tham gia vào một màn kịch có thể đem đến nhiều tin đồn thật là thú vị.
Làm xong bổn phận, Thi lui vào bếp. Nàng nhặt giỏ trứng của mình, lặng lẽ ra sau nhà bước về phía các cánh đồng trống và bắt đầu đi bộ về hướng trường làng. Những cánh đồng lúa nhấp nhô trong gió trông như những con sóng màu xanh lá cây vỗ vào bờ đê. Các đám mây đen và tím lớn treo thấp trên bầu trời, viền của chúng chuyển sang màu vàng bởi mặt trời đang lặn. Khi đến gần trường làng, gió bắt đầu gia tăng và Thi biết rằng mưa sắp kéo đến.
Nàng không thấy Thầy Tâm trong phòng học, mà thấy chàng đứng giữa khu vườn của trường làng. Chàng đang chăm chỉ cuốc đất và không thấy nàng đến. Chàng không có dáng vẻ của một nhà nho. Hình ảnh nàng trông thấy là một người nông dân làm việc cần cù, đôi vai và cánh tay nhịp nhàng cùng chiếc cuốc xới đất, áo ướt đẫm mồ hôi.
Thi lặng lẽ đi ra phía sau ngôi nhà của trường, nơi có một căn phòng lớn dành cho các chức năng đa dạng của nó: phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, phòng chứa đồ dùng học tập và một nhà bếp nửa kín ở phía sau. Nàng quen biết căn phòng vì đã nhiều lần đến đó làm những công việc lặt vặt từ pha trà đến cất và sắp xếp đồ dùng cho nhà trường. Mẹ chàng coi Thi như con gái ruột, và để nàng tự do đi lại và làm mọi chuyện trong nhà.
“Con mang cho bác ít trứng tươi,” Thi nói để thông báo sự hiện diện của mình.
Bà Lân từ cửa bếp ngó ra, vừa cười vừa nói.
“Thi, con thật tốt với chúng tôi, bao giờ cũng mang đến cho những món quà như thế này. Cám ơn con, nhưng con có chắc cha mẹ không phiền không?
Vừa bước vào bếp, Thi lắc đầu.
“Dĩ nhiên là không! Cha mẹ con muốn bác có những quả trứng này.”
Giọng điệu và nét mặt của nàng không thoát khỏi sự chú ý của mẹ thầy Tâm. Bà Lân đã quan sát và đối phó với nhiều thế hệ học trò đến học tại trường làng. Bà rất am hiểu với tâm trạng và những đam mê của họ.
“Có chuyện gì xảy ra hả, Thi?”
Thiếu nữ trẻ mà bà nhìn thấy lần đầu tiên khi còn là một đứa bé con đang đặt những quả trứng vào trong một cái bát to. Nàng mở tủ bếp, đặt bát trứng vào trong, và cuối cùng quay lại đối mặt với mẹ của thầy Tâm.
“Chiều hôm nay bà mối đến nhà con,” nàng nói.
(còn tiếp)
Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/a-to-h/nguyen-trong-hien/