Thầy Giáo Làng – kỳ 9

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng Kỳ 9

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Quan Thượng Thư Toản biết rõ Kham. Ngài đã chỉ thị cho Kham, trước đó đang làm một chức nhỏ trong Bộ Lễ, xin vào làm thư ký cho Bonneau. Kham có nhiệm vụ lấy lòng Bonneau và báo cáo cho Toản tất cả những gì xảy ra trong chính quyền thuộc địa. Ngoài ra, Kham được lệnh phải học tiếng Pháp để nghe lén những cuộc nói chuyện giữa Bonneau và các người Pháp khác.

Việc học tiếng Pháp quá khó và Kham tiến bộ rất chậm. Tuy nhiên quan Thượng Thư sẵn sàng chờ đợi và tỏ vẻ hài lòng với những điều gì mà Kham đã báo cáo được cho đến nay.

Đó là một cách đối phó để chống lại một đối thủ mà Toản cho là xảo quyệt và nguy hiểm. Viên Đặc Sứ Pháp là một con người hiếm có vì hắn thông thạo tiếng Việt, một ngôn ngữ mà đa số người đồng hương của hắn không muốn học. Với vốn liếng đó, Bonneau phục vụ chính quyền thuộc địa thật hữu hiệu bằng cách cho cấp trên cái nhìn sâu sắc vào những sự phức tạp và các mối quanh co u uẩn của triều đình. Toản tin chắc Bonneau có gián điệp trong triều đình, và phải  biết khá nhiều về môi trường chính trị tại kinh đô, hơn ngay cả đa số triều thần.

“Thư ký Kham, gần đây mi có báo cáo cho ta biết tất cả mọi điều trong công việc của mi với tên Đặc Sứ không?”

“Thưa Ngài, dạ có.”

“Tất cả! Mi có chắc không? Còn về đời tư của nó thì cao. Có gì khác thường không?”

“Thưa Ngài, dạ không. Không có gì bê bối. Nó hoàn toàn chung thủy với bà vợ.”

Kham suy nghĩ điên cuồng để đoán xem Thượng Thư Toản đang ám chỉ việc gì. Hắn muốn làm hài lòng ông quan già đẵ cứu hắn ra khỏi bóng tối và cho hắn kiếm được một đồng lương khá giả trong khi vẫn tin tưởng rằng mình đang phụng sự cho tổ quốc. Đột nhiên, mồ hôi xuất hiện trên mặt khi hắn nhận ra mình chưa báo cáo về một chuyện.

“Thưa Ngài, cách đây khoảng một tuần cô con gái đầu lòng của tên Đặc Sứ, cùng với chị giúp việc, bị cướp giựt ở trên đường phố cách nhà không xa lắm.”

“Ta có nghe đến chuyện đó,” Toản nói, không để lộ ra cảm xúc nào.

“Một người đàn ông xông vào cứu hai người đàn bà và đuổi được hai kẻ cướp đi. Ngày hôm sau, con được lệnh đi mời người ấy đến nhà Đặc Sứ dùng cơm.”

Quan Thượng Thư có vẻ không hiểu Kham nhưng không nói gì.

“Người đó trông như là một người thường, với dáng điệu một nông dân. Nhưng không hiểu sao hắn trở nên thân thiện với gia đình đó, nhất là với cô con gái cả. Kể từ đó, gần như ngày nào hắn cũng đến học chữ Quốc Ngữ mới với cô ấy”.
“Mi có hỏi ra tông tích của hắn không?”

“Hắn là một thầy giáo làng từ miền Bắc, khoảng trên 20 tuổi, tên là Lê Duy Tâm, đến kinh thành để dự kỳ thi vừa rồi. Hắn chẳng có gì đáng nói, không có gì nổi bật. Theo những gì con biết, chắc chắn hắn sẽ thi hỏng.”

“Thư ký Kham, mi chỉ được báo cáo cho ta những điều gì mi nhìn hoặc nghe thấy, không hơn không kém. Khi nào ta cần biết ý kiến của mi ta sẽ hỏi.”

Toản mạt sát người gián điệp của mình vì đã nhận ra tên mà Kham trình báo có trong danh sách sau cùng của những học giả có thể trúng cử kỳ thi Đình.

***    

Quan Lễ Bộ Thượng Thư là người giám sát toàn thể tiến trình thi cử. Chỉ có Vua là có quyền cao hơn Lễ Bộ Thượng Thư, nhưng với nhà Vua đương thời còn quá non nớt, Trịnh Toản là người có thực quyền trên tất cả các vân đề thi cử. Hắn đã triệu tập một phiên họp với năm vị giám khảo cuối cùng và yêu cầu họ đem theo những chồng bài thi mà họ đã chấm đỗ. Ở giai đoạn này, tất cả các bài thi đã được ráp lại với tên thí sinh. Ngoài sáu ông quan trong buồng với cửa đóng kín và có lính canh gác, không ai biết người nào có tên trong danh sách thí sinh trúng cử sẽ được đệ trình lên nhà Vua.

“Ai đây có thể cho tôi biết có bao nhiêu sĩ tử trong danh sách cuối cùng?” Toản hỏi. Hắn đã biết dữ kiện đó rồi, nhưng hắn muốn nghe một trong những quan giám khảo chính thức nói ra.

Một trong các giám khảo, một ông già đầu bạc, trả lời ngay.

“Thưa Ngài, chỉ có mười người xứng đáng được trúng cử trong kỳ thi này: hai từ miền Bắc, sáu từ miền Trung, và hai từ miền Nam.”

Toản nói: “Đó là một sự phân phối rất xác đáng. Điều này cho thấy vùng kinh đô và các tỉnh lân cận sở dĩ có nhiều khoa bảng hơn những miền khác cũng chỉ tại vì phẩm chất xuất chúng của những người sinh trưởng ở đây.”

Hắn thừa hiểu rằng tình trạng thiếu an ninh tại miền Bắc đã không cho phép một số học giả đáng kể đi vào kinh thành để dự thi. Còn tại miền Nam, một thuộc địa hoàn toàn của Pháp, tầng lớp lãnh đạo trong đó đã chuyển sang hệ thống giáo dục của Pháp, và không mấy ai muốn đến kinh thành để dự thi và cố đoạt được những bằng cấp không còn giá trị gì. Tuy nhiên, hắn không nỏi ra những ý nghĩ đó mà chỉ hỏi:

“Trong số mười thí sinh mà các Ngài cho là xuất sắc nhất, ai là người giỏi nhất?”

Quan giám khảo trả không do dự:

“Thưa Ngài, một trong hai người của miền Bắc là thí sinh giỏi hơn tất cả những người kia.”

Bốn giam khảo còn lại đều gật đầu tán thành. Toản không thích nghe những điều đó, nhưng đành phải tiếp tục cuộc điều tra của mình tuy rằng biết kết quả sẽ như thế nào.

“Tên thí sinh ấy là gì? Cho tôi biết tại sao thí sinh đó lại giỏi hơn tất cả các thí sinh kia?”

“Thưa Ngài, thí sinh ấy tên là Lê Duy Tâm. Cả năm người chúng tôi đã đọc các bài thi của anh này, cùng với bài của tất cả các thí sinh khác. Bài thi của Lê Duy Tâm trội hẳn lên không những vì sự uyên bác rõ ràng của tác giả. Không ai có thể nghi ngờ được sự hiểu biết của anh về Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nhưng tác giả còn tỏ ra rất súc tích trong lối hành văn, trong khi vẫn đề cập đầy đủ đến mọi đề mục cần thiết, gần như thể chính anh ta là một trong những học giả đã viết các lời bình thời nhà Tống.”

Toản thừa hiểu các thí sinh phải giải thích vài khía cạnh trong các sách trong Nho giáo. Những chủ đề mà hắn đã chọn lựa bao gồm một sổ được coi là bí truyền và ít ai biết, trừ phi đã đọc kỹ những lời bình của Chu Hi thời nhà Tống bên Tàu.

“Các bài văn xuôi và văn vần của thí sinh này thật là mẫu mực,” quan giám khảo tiếp tục nói. “Anh ta không vi phạm bất cứ qui tắc nào và đã kết hợp những tục ngữ, thành ngữ và trích dẫn chính xác của các tác giả Trung Quốc. Mặc dầu vậy, anh ta đã truyền đạt được một cách không thể chối cãi được rằng anh ta là một nhà văn Việt Nam chứ không phải chỉ là một kẻ bắt chước các tác giả Trung Quốc. Không một ai trong số các thí sinh kia có thể làm được như vậy, Vì thế toàn thể ban giám khảo công nhận anh ấy trội hơn hẳn tất cả các thí sinh khác. Bài luận cuối cùng của anh ấy về những cải cách cần thiết cho hệ thống giáo dục của nước ta, tuy quá lý tưởng và không thực tế ở nhiều điểm, nên được trình lên Bệ Hạ để Ngài xem.”

À, thế ra mấy quan giám khảo thích thí sinh độc đáo này cùng với sự độc lập của hắn với truyền thống Trung Quốc, quan Thượng Thư thầm nghĩ. Rồi đây không biết họ sẽ tính sao nếu họ biết rằng thí sinh mà họ tuyển chọn đang liên lụy với một gia đình Pháp và rất có thể sẽ làm việc cho bọn Pháp trong tương lai.

Toản đã đoán rằng bài luận cuối cùng nội dung là bãi bỏ cái cũ để thay thế bằng những lề lối Tây phương để các thế hệ Việt Nam trong tương lai đi theo văn hóa và tôn giáo ngoại lai đồng thời bác bỏ tất cả luân lý lẫn phong tục cồ truyền. Lẽ dĩ nhiên, bài luận không nói hẳn ra như thế, nhưng đó là ý nghĩa bất thành văn của người viết.

Khốn nỗi, mấy ông quan giám khảo thiển cận đã không ý thức được mối nguy, chỉ vì tác giả của bài luận thông thạo với chữ nghĩa và có thể sản xuất những câu văn mẫu mực. Toản giận như phát điên nhưng cố đè nén nỗi cảm xúc của mình. Những bước đầu tiên của một kế hoạch đối phó với vấn đề này đã hiện ra trong trí óc hắn. Hắn ra lệnh cho quan giám khảo:

“Hãy đưa cho tôi tất cả bài thi của thí sinh này. Những điều gì tôi vừa được nghe thấy đang làm cho tôi muốn tìm hiểu thêm. Trong mấy ngày sắp tới tôi sẽ đọc tất cả những gì thí sinh đó đã viết để xem tôi có đi đến những kết luận tương tự như các quan giám khảo hay không.”

“Dạ, thưa Ngài. Chúng tôi hân hạnh được Ngài đọc cho các bài thi của thí sinh Tâm.”

Các giám khảo trước đó đang hy vọng kết quả kỳ thi sớm được công bố để họ có thể trở về nhà. Họ đã quá chán chế độ cách ly và ai cũng nhớ gia đình của mình. Tuy nhiên, họ không thể chống lại quyết định của quan Thượng Thư, và phải miễn cưỡng chấp nhận bị cách ly thêm một ít lâu nữa.

Toản bước ra khỏi phòng với xấp bài thi dấu kín trong tay áo.  Quy luật là không có bài thi nào được đem ra khỏi điện Cần Chánh cho đến khi kết quả được công bố và kỳ thi chính thức kết thúc, nhưng ai sẽ ngăn cản quan Thượng Thư Bộ Lễ?

Trong hai ngày liền, Toản đọc các bài thi của Tâm, có khi đọc đi đọc lại hai ba lần. Hắn nhớ đến thời hắn đi thi, khi còn là một sĩ tử trẻ tuổi ngồi trong túp lều dưới trời nắng chang chang hay dưới trận mưa đầu mùa, cố gắng viết bài thi. Hắn phải công nhận chữ nghĩa không đến một cách dễ dãi đối với hắn như đối với thí sinh Tâm. Hắn đã phải nặn ra từng chữ, từng câu, một cách chậm chạp, đau đớn.

Hắn đoán thí sinh này, tuy còn trẻ, chắc suy nghĩ thành từng câu, và có thể từng cả đoạn văn nữa. Thư pháp của Tâm, đẹp nhất trong các thư pháp mà Toản đã từng thấy trong một thời gian rất dài, chứng tỏ người viết có một bàn tay vững vàng và đều đặn không kém gì các nghệ sĩ danh tiếng. Các ký tự  thể hiện màu mực đồng đều, và tuy được viết  rất chính xác và không kiểu cọ, người đọc vẫn nhận thấy tính chất độc đáo mỗi khi nét bút bắt đầu và chấm dứt.

Toản có nghe đến chuyện Thầy Tâm dùng võ thuật để khuất phục và đánh đuổi những tên cướp đã tấn công cô con gái lai của Bonneau. Rất có thể sự luyện võ của anh chàng đã ảnh hưởng đến cách sử dụng bút lông để viết.

Vậy làm thế nào để đánh trượt thí sinh này? Toản suy nghĩ liên miên cả ngày từ lúc bình minh cho đến khi sao bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Hắn ăn uống rất ít và chỉ vào giường nằm trằn trọc suốt đêm trước sự ngạc nhiên của cô vợ trẻ nằm bên cạnh.
Nàng chăm chú nhìn hắn, không biết mình hay là điều gì khác làm cho chồng khó chịu. Sau khi vợ trước của hắn qua đời, hắn đã chọn nàng, một người đàn bà xuất thân tầm thường, để chung giường với hắn. Nàng xinh đẹp và trẻ hơn cả con trai hắn, nhưng một khi hắn đã để mắt đến nàng, gia đình nàng không có cách gì hơn là chiều theo ý muốn của một ông quan quyền lực như vậy.

Lúc ban đầu nàng còn nhút nhát và dễ bị dọa nạt, nhưng dần dần nàng cũng tìm hiểu hắn được và biết cách dự đoán tâm trạng và những nhu cầu của hắn. Lòng tự tin của nàng gia tăng theo thời gian, và hắn đã quen lệ thuộc vào nàng khi ở nhà, trong khi nàng cố gắng làm hài lòng hắn và chiều theo những ý thích và đòi hỏi nhỏ nhặt nhất của hắn.

Nhưng hắn đã không tâm sự với nàng chuyện gì đang làm hắn khó chịu, mà lại còn gầm gừ với nàng khi nàng hỏi. Nàng cũng có chuyện muốn giấu hắn, nhưng nàng tin chắc hắn sẽ không bao giờ khám phá ra chuyện đó. Bất cứ cái gì làm phiền hắn chỉ có thể có nguyên nhân từ công việc mà ra. Vậy nàng quyết định chờ đợi, biết rằng sớm muộn, bằng cách này hay cách khác, hắn sẽ nói cho nàng biết.

Sau một đêm mất ngủ, Toản thức dạy trước khi gà gáy và cho gọi người lính thân tín nhất của mình lên trình diện. Người lính trèo ra khỏi giường và chạy lên, vừa chạy vừa chỉnh lại bộ đồng phục.

“Mi đi tìm Thầy Xinh và đưa về đây ngay sáng nay,” Toản ra lệnh cho người lính.

Người lính kinh ngạc, mở mắt to hơn là bình thường để nhìn quan Thượng Thư. Hắn không biết Thầy Xinh là ai chứ đừng nói gì đến chuyện đi tìm ở đâu. Toản thấy mặt ngơ ngác của thuộc hạ và hét lên.

“Nó ở một làng gần lăng vua Minh Mạng. Mi đi ngay xuống bờ sông và gọi bất cứ đò nào đưa đi đến chỗ ấy! Đi đi! Ngay lập tức!”

(còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-8/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-7/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights