Thẻ căn cước

by Tim Bui
Thẻ căn cước

TÁM BÔN XA

Đã là người Sài Gòn, người Việt sống ở Việt Nam từ vĩ tuyến 17 tới mũi Cà Mau, thì ai cũng biết thẻ căn cước là cái gì. Trong quãng thời gian tươi đẹp ấy, hễ tới tuổi nào đó, hình như 15 tuổi, thì chúng ta phải làm thẻ căn cước. Đây là cái thẻ dùng để “chứng minh tư cách một cá nhân” và là một thứ giấy tùy thân không thể thiếu khi ra đường trong thời buổi thật giả lộn xộn.

Ở miền Nam, thẻ căn cước thay cho “giấy thuế thân” có thể xuất hiện từ sau năm 1945 cho đến tháng Tư năm 1975. Theo tác giả Trần Trung Chính viết trên trang Việt Nam Văn Hiến, thì từ năm 1968, để chống nạn làm căn cước giả, Tổng Nha Cảnh sát làm lại căn cước cho tất cả các công dân: “Thẻ căn cước mới của VNCH có bề mặt không trơn láng và không trong suốt như thẻ căn cước cũ trước 1968. Dùng ngón cái miết trên thẻ căn cước thật chúng ta thấy lớp plastic có vân tức là nó có bề mặt như hình răng cưa và cầm thẻ căn cước thật thì lắc nhẹ phía trước hay phía sau, người cảnh sát cũng thấy hình của người chủ tấm thẻ xuất hiện. Trong khi đó thẻ căn cước giả không có hình hoa văn trong plastic ép thẻ và chỉ nhìn thấy hình khi nhìn chính diện mà thôi, còn lắc tới lắc lui thì không thấy hình ảnh xuất hiện.”

Từ năm 1976, sau khi trở thành chủ nhân ông của miền Nam, thì nhà cầm quyền thay đổi cái thẻ tùy thân này. Đầu tiên là họ buộc mọi công dân phải làm thẻ Chứng minh Nhân dân [nghĩa là có loại thẻ gọi là chứng minh cán bộ?] mà người từ 14 tuổi trở lên phải làm. Rồi chuyển sang thẻ Căn cước Công dân rồi căn cước công dân có mã vạch [cũng là công dân nữa] nay lại đổi thành thẻ Căn cước, trở về điểm xuất phát từ năm 1975 trở về trước!

Điều khác nhau là nhà cầm quyền hiện nay buộc dân chúng phải làm thẻ căn cước từ 6 tuổi trở lên chớ không đợi đến tuổi trưởng thành! Thẻ căn cước làm lại lần này sẽ có con chíp, có số định danh [tương tự số thẻ an sinh xã hội ở Hoa Kỳ], phải lấy mống mắt…

Vậy là trong vòng chưa đầy mười năm, người Việt sống trong nước đã mấy lần đi tới công an để chỉ làm cái thẻ “chứng minh sự có mặt của mình” trong xã hội!

Có câu hỏi là làm như vậy thì tốn kém bao nhiêu cho mỗi người và ngân sách? Làm vậy thì công dân được cái gì? Hễ mở miệng ra là nhà cầm quyền hô lớn “vì nhân dân” nhưng ai tin vào điều này coi chừng bị hố!

Bởi ở dưới chế độ cộng sản, cái gì nói là của nhân dân thì dân khó rớ vô lắm. Tỉ dụ quân đội nhân dân thì ai mà không muốn đi lính sẽ bị lùng bắt như bắt ăn cướp. Ủy ban nhân dân thì canh gác chặt chẽ, dân muốn vô cũng mệt mỏi lắm. Làm cái xác nhận giấy tờ cũng phải chờ đợi, xin xỏ… Còn Công an nhân dân thì chỉ thấy bảng hiệu lớn như cái đình “vì an ninh tổ quốc” chớ không thấy dân đâu. Và dân thường muốn làm công an cũng không dễ! Vài năm gần đây mới thấy công an bắt cán bộ chớ trước đây chỉ thấy công an bắt dân thôi!…

Nay tính toán tới chuyện làm căn cước mới, hình như nhà cầm quyền ứ thèm chú ý tới cái lợi của dân mà chỉ tính cho cái lợi cho giới cầm quyền. Họ muốn có cái thẻ với rất nhiều thông tin về một con người để dễ kiểm soát nên phải đổi tới đổi lui.

Nhưng mỗi cái thẻ tốn bao nhiêu tiền không thấy họ tính công khai? Bởi thời buổi này cái gì lại không tính bằng tiền! Họ không bỏ tiền ra mà moi từ ngân sách, mà ngân sách chính là tiền thuế của dân. Họ cũng không tính công sức dân chúng bỏ ra để đi làm căn cước! Họ làm việc giờ hành chánh, mà giờ đó thì ai cũng phải đi làm để kiếm sống… nói chung là rất mất thì giờ. Tất cả những điều đó dân chúng chịu hết, còn người làm căn cước thì có lương [cũng là tiền thuế của dân] nên đâu có lo, đâu có tính toán gì!

Đúng là thời buổi tân tiến này, những cái thẻ tùy thân vô cùng quan trọng và thiết thân với con người. Nhưng đã gần mé 50 năm “thống nhất” rồi mà họ cứ loay hoay miết vậy? Cứ vài năm lại thay đổi, mà tưởng là thay đổi cái gì mới chớ quay lại y như cũ, như chế độ Việt Nam Cộng Hòa từng làm ngày xưa thì có gì phải loay hoay? Tám tui e rằng, trong lòng họ luôn che giấu một sự sợ hãi nào đó. Đó là sợ giống Sài Gòn, sợ phải làm như Việt Nam Cộng Hòa! Sợ tính “cách mạng” giảm bớt hoặc phai nhạt bớt khi làm giống như Sài Gòn trước đây!

Ngày 1/7 vừa qua, nhà cầm quyền đã làm mẫu căn cước mới cho 10 em nhỏ mới 6 tuổi. Báo chí trong nước ca ngợi rần rần coi đó là một thành tích dữ dội nhưng không bàn tới chuyện mấy đứa con nít đó mần căn cước để làm gì?

Nhân đây cũng kể thêm một chuyện có thể có thật ở Việt Nam. Chuyện kể rằng:

Trong một hội thảo về tập thơ Nhật ký trong tù, một diễn giả lên diễn đàn nói “Trong tập thơ này, chỉ có một bài thơ hay!”. Cả hội trường im lặng, ngoài cửa đám cảnh vệ cầm súng AK lên đạn rắc rắc. Tay diễn giả liếc thấy tình hình như vậy lẹ miệng nói tiếp “Những bài còn lại thì… quá hay!”. Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm muốn bể hội trường lẫn trong tiếng cười thỏa mãn.

Trong chế độ cộng sản là vậy, phải biết nịnh, bởi ai có súng thì có quyền, không lôi thôi gì hết!

Bởi vậy, dù buộc phải làm thẻ căn cước tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng dân chúng phải cúi đầu mà làm, nếu không thì sẽ…! Muốn viết nữa nhưng có ông bạn vừa phone kêu ra Coffee Factory tám nên Tám tui xin tạm ngưng ở đây.

Đóng máy, đứng lên thay đồ dợm ra cửa, bà Tám nhắc “Nhớ bỏ cái bóp theo, trong đó có ID, rủi có chiện thì phiền phức đó!”.

Yes! Vợ là người hay nói nhiều nhưng nói toàn những điều bổ ích, phải không quý vị. Bởi vậy, má chúng ta hay dặn “đàn ông phải có vợ mới nên người!”.  

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights