THE MONUMENTS MEN – Những chiến sĩ bảo tồn di sản văn hoá, nghệ thuật Âu Châu thời Đệ nhị Thế chiến

by Tim Bui
THE MONUMENTS MEN Chuyện những chiến sĩ bảo tồn di sản văn hoá, nghệ thuật u Châu thời Đệ nhị Thế chiến

TRÙNG DƯƠNG

Ngày 4/6 vừa qua thế giới tưởng niệm 80 năm ngày quân Đồng minh gồm Anh, Mỹ và Canada đổ bộ lên bờ biển Normandy thuộc tây bắc nuớc Pháp, mệnh danh là D-day, trong đại chiến dịch Overlord, để bắt đầu một cuộc chiến khốc liệt đẫm máu kéo dài 11 tháng sau đó, để giải phóng Âu châu khỏi tay quân Đức Quốc Xã của nhà độc tài Adolf Hitler.

Cũng trong 11 tháng đẫm máu đã lấy đi hàng triệu sinh mạng cả quân lẫn dân này, len lỏi giữa đoàn quân Đồng minh là vài thành viên của một đơn vị quân đội không ai vũ trang trừ khẩu súng lục tùy thân, không cả xe cộ riêng để di chuyển mà phải đi nhờ xe của các đơn vị chính quy. Nhiệm vụ của họ là có mặt tại các địa điểm vừa được giải phóng để xem xét, ghi nhận tình trạng đổ nát hư hại của các kiến trúc cổ, tượng đài, tranh ảnh nghệ thuật, và hướng dẫn dân địa phương cách bảo tồn để chờ dịp trùng tu. Vì công việc độc đáo đó của họ mà dân chúng đặt tên cho họ là Monuments Men, tạm dịch là “các sĩ quan tượng đài,” vì họ cũng là quân nhân với một công tác đặc biệt. 

Giấc mộng nghệ thuật của Hitler
Khi Đệ nhị Thế chiến đang diễn ra với những phá hoại khủng khiếp, và trước khi Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến sau vụ Nhật tấn công Pearl Harbor ngày 7/12/1942, các chuyên viên bảo tàng viện tại Mỹ đã thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp của họ bên Âu châu niềm lo ngại về những tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc cổ kính bị hư hại hoặc tàn phá bởi chiến tranh. 

Song điều quan ngại nhất của họ là việc quân Đức Quốc Xã đã, một cách có hệ thống, và theo lệnh của Hitler, tịch thu những bức danh họa, điêu khắc và cổ vật tại các bảo tàng viện, nhà thờ, tu viện và cả tại các tư gia ở những quốc gia họ chiếm đóng; rồi chở đầy từng chuyến xe lửa đem đi cất giấu, với hy vọng trong tương lai sẽ đem trưng bày trong viện bảo tàng do chính Hitler vẽ. Hitler còn thành lập nguyên một lực lượng, The Reichsleiter Rosenberg Task Force, viết tắt từ tên Đức là ERR, để cai quản việc này. 

Điểm tập trung các đồ ăn cướp được là Bảo tàng viện Jeu de Paume, kế cận Le Louvre, tại Paris. Tại đây giới lãnh đạo Nazis, với sự tiếp tay của nhân viên viện được giữ lại làm việc, phân phối, lập danh sách, xong đóng thùng và gửi đi cất đâu đó trên những chuyến xe lửa khởi hành từ Paris.

Khi còn trẻ, giấc mơ của Hitler là trở thành hoạ sĩ. Giấc mơ ấy tan vỡ khi ông bị đánh trượt trong một kỳ thi tuyển vào trường mỹ thuật ở Vienna. Nhưng cũng chính nó là một trong những động lực khiến ông, khi thống lĩnh được Âu châu, đã ra lệnh tịch thu những văn nghệ phẩm tại những quốc gia bị xâm chiếm mang cất để trưng trong bảo tàng viện của ông sau này tại thành phố Linz, nơi ông sinh ra ở Austria, cũng chính là quốc gia đã làm ông thất vọng khi bị đánh rớt kỳ thi tuyển dạo nào. Siêu viện bảo tàng này đã được Hitler đặt tên là Fuhrermuseum, do giáo sư kiêm kiến trúc sư Hermann Giesler vẽ kiểu theo ý của Hitler. 

Monuments Men là ai?
Do Tổng thống F.D. Roosevelt thành lập vào ngày 23/6/1943 và sự hỗ trợ của Tướng Dwight D. Eisenhower, một đơn vị đồng minh có tên gọi Monuments, Fine Arts, and Archives Section Unit (MFAA) được thành lập vào năm 1943 để giúp bảo vệ tài sản văn hóa tại các khu vực chiến tranh trong và cả sau Đệ nhị Thế chiến. 

Đơn vị này gồm trước sau khoảng 345 thành viên tình nguyện, với một số là phụ nữ, đến từ 13 quốc gia. Nhiều người trong số đó là giám đốc và chuyên viên bảo tàng viện, giáo sư lịch sử mỹ thuật, họa sĩ, kiến trúc sư, và nhà giáo dục. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ hoặc giảm thiểu sự hư hại của các đền đài và bảo vật văn hóa do sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời truy lùng các nghệ phẩm và bảo vật bị quân Đức Quốc Xã ăn cướp mang đi giấu, để trao trả lại cho chủ nhân hoặc thừa kế của họ nếu họ đã chết. 

Có thể nói là từ cổ chí kim chưa hề có một đơn vị quân đội nào được trao cho trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa trong chiến tranh, như đơn vị MFAA này, nói lên quan tâm đầy tính nhân bản văn hoá của giới lãnh đạo, đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt là người khởi xướng.

Một trong những nhân vật lãnh đạo của Monuments Men là George Stout. Ông Stout sinh quán tại tiểu bang Iowa, 47 tuổi khi khởi sự làm việc với MFAA. Là một chuyên viên bảo toàn và trùng tu nghệ thuật khi nghề này còn trong bóng tối ít người biết tới, Stout là một trong những người đầu tiên ở Mỹ quan tâm tới sự đe dọa của Đức Quốc Xã đối với di sản văn hoá của Âu Châu và đã thúc đẩy cộng đồng bảo tàng viện và giới lãnh đạo tới chỗ thiết lập một chương trình bảo toàn di sản này. Là một cựu quân nhân thời Đệ nhất Thế chiến và mặc dù ở tuổi ông lúc ấy được miễn dịch, nhưng vì mối quan tâm tới các di sản văn hoá nghệ thuật vô giá của Âu châu, ông Stout tình nguyện tái nhập ngũ với cấp bậc trung úy để đem chuyên môn của mình tham gia vào sứ mệnh cao quý của MFAA, bỏ lại vợ là Maggie và một đứa con trai còn nhỏ. Con trai lớn của ông lúc ấy đang phục vụ trong ngành Hải quân Hoa Kỳ. 

Ngoài Trung úy George Stout, còn có những thành viên quan trọng khác trong đơn vị MFAA, như Thiếu tá Ronald Edmund Balfour của quân lực Canada, nguyên là một giáo sư chuyên về lịch sử mỹ thuật, 40 tuổi khi tham gia MFAA, là một trong hai Monuments Men bị tử trận. 

Binh nhì Harry Ettlinger, thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh Hoa Kỳ, 18 tuổi, một người Đức gốc Do Thái đã chạy thoát khỏi Đức năm 1938, bị động viên sau khi hoàn tất trung học năm 1944, và được biệt phái sang công tác với MFAA năm 1945. Ettlinger đã giúp đắc lực các Monuments Men nhờ khả năng tiếng Đức của mình. 

Đại úy Walker Hancock, Sư đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, 43 tuổi, thuộc tiểu bang Missouri, một điêu khắc gia tên tuổi đã từng đoạt giải sáng giá Prix de Rome. Đại úy Walter “Hutch” Huchthausen, Sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ, 40 tuổi, đến từ tiểu bang Oklahoma, là một kiến trúc sư và giáo sư tại Đại học Minnesota, đóng tại thành phố Aachen, Germany. Huchthausen lãnh trách nhiệm vùng tây bắc nước Đức. Cũng tại vùng này, ông bị tử thương trong khi thi hành nghĩa vụ vào ngày 4/4/1945. 

Binh nhất Lincoln Kirstein, Sư đoàn 3 Bộ Binh, 37 tuổi, một người yêu mỹ thuật và là sáng lập viên nổi tiếng của đoàn vũ ballet của thành phố New York, nhưng ông quyết định nhập ngũ và trở thành người cấp bậc thấp nhất trong MFAA, song lại là phụ tá đắc lực của Đại uý Robert Posey. Đại úy Robert Posey, Sư đoàn 3 Bộ Binh, 40 tuổi, thuộc tiểu bang Alabama, tốt nghiệp kiến trúc nhờ học bổng của Reserve Officer’s Training Corps (ROTC). Thiếu úy James J. Rorimer, Sư đoàn 7 Bộ Binh, 39 tuổi, thuộc tiểu bang Ohio, chuyên viên về nghệ thuật trung cổ, người mà sau chiến tranh đã trở thành curator của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York. 

Được biệt phái tới công tác ở Paris, Monuments Men Thiếu úy Rorimer với niềm yêu thích tất cả những gì thuộc về Pháp, do đấy đã gây được cảm tình và tín cậy của bà Rose Valland, quản lý tạm thời của Viện Bảo tàng Jeu de Paume, Paris. Viện bảo tàng này là nơi được Đức Quốc Xã chọn làm điểm tập trung các đồ cướp được ở khắp nơi trước khi chúng được chọn lọc, phân phối, đóng thùng và chở đi bằng tàu hoả đến những nơi cất giấu ở khắp nơi tại Âu châu. 

Tại Jeu de Paume, giả vờ không biết tiếng Đức, bà Valland, đồng thời cũng bí mật làm việc cho kháng chiến quân Pháp, đã nghe lóng và ghi lại, trong suốt bốn năm chiếm đóng của Đức, những trao đổi giữa các sĩ quan Đức về những tranh tượng bị quân Đức mang đi cất giấu ở nhiều nơi. Nhờ những ghi chú này của Valland mà Rorimer đi truy tìm lấy lại được nhiều tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc Xã cướp. Cùng phối hợp với bà Valland còn có ông Jacques Jaujard, tổng giám đốc của các Viện Bảo tàng tại Pháp, 49 tuổi, xếp của Valland. Ông Jaujard có trách nhiệm về sự an toàn của các bộ sưu tầm mỹ thuật quốc gia. 

Khi Nazis giữ bà lại làm việc, họ không ngờ là bà nghe hiểu được tiếng Đức nên thản nhiên bàn chuyện ăn cướp tranh ảnh và tượng và cất giấu đi đâu trước sự hiện diện của bà. Valland ghi lại hết trong trí nhớ, đêm về thì viết xuống giấy cất kỹ, và nhờ đó mà sau chiến tranh, bà đã giúp các Monuments Men đi truy tìm và thu hồi lại được nhiều văn nghệ phẩm bị đánh cướp từ các bảo tàng viện, tư gia của người Do Thái khắp Âu Châu. (Ảnh Archives des Musées Nationaux, Pháp).

Trung tá Ronald Edmund Balfour thuộc First Canadian Army nguyên là giáo sư lịch sử mỹ thuật, 40 tuổi, là một trong hai Monuments Men bị tử trận trong khi thi hành nhiệm vụ.

Đại úy Walter “Hutch” Huchthausen, thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh Hoa Kỳ, nguyên là kiến trúc sư và giáo sư tại Đại học Minnesota. Huchthausen trách nhiệm vùng Tây Bắc và đóng tại thành phố Aachen tại Đức. Ông là một trong hai Monuments Men bị tử trận trong khi đi công tác. 

Ngoài ba người này, còn nhiều nhân vật khác phục vụ với MFAA, thúc đẩy bởi mối quan tâm đến số phận của các tác phẩm nghệ thuật trong thời chiến. Các thành viên của MFAA thường làm việc trong đơn độc. Số người hoạt động trực tiếp nơi chiến tuyến gồm một nhúm người lúc đầu chia nhau ra làm việc ở mỗi vùng đã được quân Đồng Minh giải phóng, nhiều khi không biết mặt nhau mà chỉ biết tên nhau qua những bản báo cáo. Họ không có đến cả một cái xe riêng, mà phải đón xe của các đơn vị tác chiến để đi quá giang tới những nơi cần tới. Và không ai mang vũ khí, trừ một khẩu súng lục tùy thân. Họ rất được dân địa phương quý mến khi biết họ tới để ước định tổn thất của những đền đài, nhà thờ, tranh tượng, và huấn luyện người dân cách bảo toàn cấp thời để tránh hư hại trở nên trầm trọng thêm trước khi có thể tái thiết hoặc trùng tu.

Cuộc truy tìm và phục hồi các văn nghệ phẩm bị cướp
Như đã nói ở trên, các thành viên MFAA đi truy tìm và hoàn trả những di sản văn hoá hay tôn giáo vô giá của một làng hay thành phố nào đó vừa được quân Đồng Minh giải phóng. Có thể nói đây là một chiến dịch giao tế rất thành công của quân lực Đồng Minh, mặc dù những người khởi xướng và thi hành công tác này hoàn toàn do lòng yêu quý các tác phẩm nghệ thuật, những đền đài và di sản văn hoá của Âu châu, và thiết tha muốn bảo toàn di sản của nhân loại này cho các thế hệ sau.

Mặc dù chiến tranh chấm dứt ở Âu châu từ giữa năm 1945, nhưng MFAA tiếp tục hoạt động cho tới năm 1951. Tổng kết, theo tác giả Robert Edsel, chỉ riêng tại miền Nam nước Đức, lực lượng Đồng Minh đã khám phá ra hơn một ngàn nơi cất giấu văn nghệ phẩm và cổ vật, với hàng triệu tác phẩm nghệ thuật và văn hoá, gồm cả chuông nhà thờ, tranh trên kính màu (stained glass), các đồ tế tự, hồ sơ của các thành phố, bản thảo, sách vở, thư viện, rượu, vàng, kim cương, và cả nhiều bộ sưu tập côn trùng. Nguyên việc đóng thùng, chuyên chở, làm bảng liệt kê mục lục, sao chụp, lập văn khố, và trả những đồ bị cướp này về cho quốc gia nguyên quán để các chính phủ này trao trả lại cho các cá nhân sở hữu chủ cũng nằm trong trách nhiệm của MFAA. Các công việc này đòi hỏi thêm sáu năm nữa mới coi như kết thúc. 

Mặc cho những nỗ lực của các thành viên trong MFAA, hàng trăm ngàn tác phẩm, tài liệu, sách vở vẫn chưa được khôi phục. Nổi tiếng nhất là bức “Chân dung của một Thanh niên” của danh họa Raphael, đánh cắp từ Viện Bảo tàng Czartoryski ở Cracow, Poland, nghe nói còn hiện hữu nhưng không ai biết ở đâu, ai giữ. Hàng chục ngàn tác phẩm bị thiêu hủy, trong đó có bộ sưu tập của trùm SS Heinrich Himmler đã bị đốt trước khi quân Anh tới kịp.

Hiện còn có cả ngàn bức tranh và các tác phẩm nghệ thuật khác không có ai tới nhận, có thể vì chủ nhân đã bị giết hại trong các lò hoả thiêu của quân đội của Hitler, không còn thừa kế hoặc thừa kế không hay biết gì về những tác phẩm này. Nhiều tác phẩm vô thừa nhận này hiện trưng tại các viện Bảo tàng danh tiếng như Metropolitan Museum of Art ở New York, Le Louvre tại Paris, Art of Institute of Chicago, chưa kể tại các bảo tàng viện ở Nga. Viện bảo tàng nghệ thuật tại San Diego và Los Angeles đã đưa lên Internet danh sách những tác phẩm nghệ thuật hiện lưu trữ tại viện bảo tàng của họ để mọi người xem và quyết định tác phẩm nào là thuộc loại bị đánh cắp bởi quân Đức Quốc Xã.

Cuốn “The Monuments Men” của Robert Edsel xuất bản năm 2009, là cuốn sách chứa đựng nhiều chi tiết về đạo quan MFAA này. Một cuốn phim cùng tên do tài tử George Clooney đạo diễn nhưng không dựa hoàn toàn vào sách, kể cả dùng tên các nhân vật có thật, ra mắt vào năm 2014, nhưng không thành công lắm. 

Trước cuốn sách và phim kể trên, còn có một phim tài liệu dài 117 phút, tựa là “The Rape of Europa”, dựa vào cuốn sách cùng tên của Lynn H. Nicholas, xuất bản năm 1995, kể lại việc đánh cướp di sản văn hóa nghệ thuật một cách có hệ thống của quân đội Đức Quốc Xã theo lệnh của Hitler. Phim do Richard Berge, Nicole Newnham và Bonni Cohen thực hiện vào năm 2006. Đoàn quay phim đưa khán giả qua bẩy nước Âu châu nạn nhân của chiến dịch cướp bóc nghệ phẩm kéo dài suốt 12 năm có một không hai trong lịch sử.

Chương trình Sĩ quan Tượng đài thế kỷ 21
Chuyện các chiến sĩ tượng đài không dừng lại ở thế kỷ 20. Vào năm 2019, dựa vào mô hình và kinh nghiệm của chiến dịch Monuments Men thời đệ nhị Thế chiến, Viện Smithsonian và Bộ Tư lệnh Hoạt động Tâm lý và Dân sự Quân đội đã đồng ý hợp tác để bảo vệ di sản văn hóa ở các khu vực xung đột và phát triển chương trình đào tạo cho quân nhân dân sự dự bị. 

Chương trình đào tạo dự định bắt đầu vào năm 2020, nhưng đại dịch Covid và các cản trở quy tắc khác đã khiến việc tuyển dụng bị trì hoãn và đã bị ngưng trệ. Trong Đệ nhị Thế chiến, Monuments Men là những người lính đã nhập ngũ và tình cờ có những khả năng chuyên môn cần thiết. Trong lần lặp lại chương trình này, lần đầu tiên quân đội đã trực tiếp bổ nhiệm các chuyên gia về bảo tồn di sản văn hóa dân sự vào hàng ngũ quân đội. Chính vì việc đòi hỏi thay đổi quy lệ có tính cách thư lại này đã làm cản trở tiến trình thực hiện việc huấn luyện.

Khi Nga xâm lăng Ukraine vào đầu năm 2022 đe dọa phá hủy các di sản văn hóa nghệ thuật phong phú của quốc gia này, dự án trên lại được nhắc tới. Một khoá huấn luyện cấp tốc được thực hiện, lần này đơn vị chiến sĩ bảo tồn di sản văn hoá gồm cả các chuyên viên phía dân sự và không nhất thiết họ phải nhập ngũ, khác với trường hợp các Monuments Men thời Đệ nhị Thế chiến gồm các quân nhân đã nằm trong quân ngũ. Cùng phục vụ với họ trong đơn vị là các quân nhân trừ bị tình nguyện theo học khóa huấn luyện.

Nhóm đầu tiên của chương trình Sĩ quan Tượng đài thế kỷ 21 đã hoàn thành khóa đào tạo trực tuyến vào năm 2021. Vào tháng Tám năm 2022, nhóm thứ hai đã đến Smithsonian để tham gia phần thực hành, cùng với các thành viên của nhóm tham gia trực tuyến trước. Họ đã học về hoạt động của bảo tàng, nghiên cứu các bộ sưu tập, đánh giá rủi ro và cách xử lý đồ vật. Cuộc diễn tập tập trung vào việc cứu độ và sơ tán những vật đã thu gom được. Chương trình kết thúc bằng lễ tốt nghiệp và tuyên thệ để chào mừng nhóm Sĩ quan Di tích Quân đội Hoa Kỳ mới đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Được biết vào giữa năm 2023, chương trình đào tạo Sĩ quan Tượng đài tại Viện Smithsonian đã chào đón nhóm thứ hai gồm 25 người tham gia thực tập bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật. Họ là các quân nhân đến từ năm quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ukraine, Ba Lan và Pháp để thụ huấn cách bảo toàn và di tản các di sản văn hoá nghệ thuật khỏi vùng chiến tới nơi an toàn.

[TD2024-06]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights