Thi, văn sĩ Quốc Nam Nói về nhạc hội vinh danh VNCH và chữ Quốc Ngữ

by Tim Bui
Thi, văn sĩ Quốc Nam Nói về nhạc hội vinh danh VNCH và chữ Quốc Ngữ

THANH PHONG

Vào ngày 27 tháng Bảy, 2024 sắp tới một nhạc hội vinh danh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và tôn vinh chữ Quốc Ngữ sẽ được thi, văn sĩ Quốc Nam và Đông Phương Foundation tổ chức từ 01 PM đến 5 PM tại Hội Trường của The Church of Jesus, 10332 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683.

Để tìm hiểu thêm về sự kiện đặc biệt này chúng tôi phỏng vấn thi, văn sĩ Quốc Nam, một người Việt duy nhất được hàng chục tổ chức Việt – Mỹ vinh danh là “Chiến Sĩ Văn Hóa” hoặc “Nhà Văn Hóa Việt Nam”. Mời độc giả theo dõi.

THANH PHONG: Thưa anh Quốc Nam, xin anh cho biết động cơ nào thúc đẩy anh tổ chức Nhạc Hội vinh danh Việt Nam Cộng Hòa và tôn vinh chữ Quốc Ngữ?

QUỐC NAM: Tháng 10 năm 2019 tôi đã tổ chức đại nhạc hội vinh danh Quân Lực VNCH và tôn vinh chữ Quốc Ngữ. Đại nhạc hội đã được các tổ chức, đặc biệt các cơ quan truyền thông và đồng hương tham dự quá đông, ngoài dự tính của chúng tôi. Sau đó, được nhiều tổ chức, hội đoàn và thân hữu khuyến khích, nên chúng tôi quyết định tổ chức nhạc hội vinh danh Việt Nam Cộng Hòa và tôn vinh chữ Quốc Ngữ vào ngày 27 tháng Bảy tới đây.

THANH PHONG: Xin ông nói về mục đích của việc tôn vinh Việt Nam Cộng Hòa. Điều gì của Việt Nam Cộng Hòa cần được tôn vinh, và tại sao?

QUỐC NAM: Như mọi người chúng ta đều biết, Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại hơn 20 năm, nhưng tất cả đã lưu lại trong dòng lịch sử dân tộc Việt những dấu ấn không thể phai mờ đối với thế hệ này và các thế hệ tương lai. Bởi vì khởi đầu từ năm 1954 bắt đầu xuất hiện nền tự do, dân chủ, hạnh phúc,n ấm no cho toàn dân miền Nam Việt Nam, sau hàng ngàn năm người dân Việt chúng ta phải sống dưới các chế độ quân chủ, độc tài và Cộng Sản. 

Từ năm 1954 Việt Nam chúng ta giống như Đài Loan hiện nay, dân chúng được sống trong chế độ tự do, dân chủ sau năm ngàn năm bị áp chế dưới sự thống trị của chế độ Quân Chủ và Cộng Sản Trung Quốc. Ngay những năm đầu, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã mang lại tự do, dân chủ, người dân được sống ấm no, hạnh phúc khác hẳn chế độ độc tài đảng trị tại miền Bắc. Vì thế chúng tôi thực hiện bộ DVD sử liệu Việt Nam Cộng Hòa, với mục đích tôn vinh nền tự do, dân chủ của miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1975. Bộ DVD sử liệu VNCH lần đầu tiên được ra mắt đồng hương và sẽ là một cuốn sử liệu quý giá để lại cho các thế hệ trẻ mai sau biết về một thời Việt Nam Cộng Hòa đã sáng ngời trong tự do, dân chủ, hạnh phúc, ấm no mà nhiều nước trên thế giới hằng mơ ước, đồng thời cũng để cho Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cai trị đất nước có dịp nhìn lại lịch sử oai hùng của Việt Nam Cộng Hòa để xem chế độ nào mới thực sự đem lại tự do, dân chủ, hạnh phúc, ấm no cho người dân trong nước. Đó là mục đích công việc chúng tôi làm.

THANH PHONG: Ngoài việc Vinh Danh VNCH, nhạc hội cũng đồng thời tôn vinh chữ Quốc Ngữ, xin anh cho biết cụ thể về chủ đề này?QUỐC NAM: Sau năm 1975 chúng ta có dịp so sánh những từ ngữ người Cộng Sản miền Bắc dùng và những từ ngữ của người dân miền Nam thì thấy rõ  ngôn ngữ của miền Bắc nhiều câu, nhiều chữ rất tối nghĩa, khó hiểu;  trong khi văn hóa của miền Nam ngược lại rất trong sáng, giản dị dễ hiểu.

Dân tộc Việt Nam chúng ta hãnh diện có tiếng nói và chữ viết riêng. Tiếng nói thì đã có từ ngày lập quốc, dù dân tộc ta bị giặc Tàu hàng nghìn năm đô hộ  nhưng trong suốt bao nhiêu năm chúng không để tiếng mẹ đẻ của chúng ta bị đồng hóa thành tiếng Tàu. Về chữ viết, vào thế kỷ 17, nhóm Linh Mục Dòng Tên từ Âu Châu bắt đầu đến nước ta truyền đạo. Trong nhóm này có Linh mục Alexandre Rhodes, người Việt gọi là  cha Đắc Lộ nổi bật nhất khi xuất bản bộ Tự Điển Việt – Bồ -Latinh tại Roma năm 1651. Tuy nhiên chữ Quốc Ngữ thời đó chỉ được phổ biến rất hạn chế trong tập thể dân Việt theo đạo Công Giáo suốt thế kỷ 17 và 18. Mãi đến thế kỷ 19  chữ Quốc Ngữ mới được phổ biến rộng lớn nhờ hai nhân vật Paulus Huỳnh Tịnh Của và Petrus Trương Vĩnh Ký, từ đó tiếng Việt càng ngày càng phong phú trở thành ngôn ngữ truyền thống của dân tộc ta và chúng ta đã có những thi phẩm tuyệt vời như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm Khúc…

Trong lịch sử cận đại hơn, Nhóm Tự Lực Văn Đoàn  đã góp phần làm phong phú ngôn ngữ Việt và giúp người Việt yêu thích đọc chữ Việt.  Giữa lúc tiếng Việt truyền thống được đánh giá cao tại hải ngoại, ở đâu có người Việt định cư là có lớp dạy tiếng Việt, trong khi đó tiếng Việt ở Việt Nam hiện nay đang có biến chuyển lớn, nền giáo dục đang suy đồi và có nguy cơ bị mất gốc vì những từ ngữ Hán Việt đang mất dần ở Việt Nam. Tiếng Việt truyền thống người Việt ở hải ngoại đang dùng có nhiều chữ như “linh đình, tráng lệ, nguy nga, lộng lẫy rất dễ hiểu thì tiếng Việt trong nước đẻ ra  những từ ngữ khó hiểu thí dụ ‘hoành tráng’, bức xúc  v.v…

Người Việt  ở hải ngoại đã và đang ra sức bảo tồn tiếng Việt truyền thống. Hàng năm, Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ ở hải ngoại đều tổ chức các Khóa tu nghiệp sư phạm để hướng dẫn các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt truyền thống, ngay tạp chí mà anh đang cộng tác đã đặt tên cho tạp chí là “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” chắc chắn cũng với mục đích để bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong sáng cho người Việt cả ở hải ngoại lẫn trong nước Việt Nam.

Riêng về phương diện cá nhân, tôi đã có 50 năm làm thơ, viết văn bằng ngôn ngữ trong sáng thời Việt Nam Cộng Hòa. Điều đó đã được nhiều người xác nhận. Và việc tổ chức nhạc hội để tôn vinh chữ Quốc Ngữ là nỗ lực của tôi và nhiều thân hữu để hỗ trợ và cổ súy công việc bảo tồn và phát huy tiếng Việt nói trên.

THANH PHONG: Xin anh cho biết công việc chuẩn bị đã đến đâu và có những ca nghệ sĩ nào đã ghi danh tham gia?QUỐC NAM: Cám ơn anh, chúng tôi đã chuẩn bị từ mấy tháng qua và không có gì trở ngại. Hiện đã có các ca, nghệ sĩ đóng góp trong chương trình văn nghệ  gồm Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Triệu Mỹ Ngân, Đào Anh Tuấn, Như Hảo, Chế Tung, Ngô Hoàng Oanh,Tuấn Khải, Tom Võ, Ngọc Đăng, Thanh Nguyên, Ngọc Quyên, Hoàng Sĩ Phú, Erinda Dương, Vũ Chuyên, Cindy Vũ, Chu Tất Tiến, CLB Tình Nghệ Sĩ, Ban Nhạc Quốc Vũ và hai MC Hương Thơ – Ngọc Đăng”.

Rất mong buổi nhạc hội sẽ được sự ủng hộ nhiệt tình của quý đồng hương.

THANH PHONG: Trân trọng cảm ơn anh đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights