TRUNG NAM
Bưu thiếp hay còn được gọi là bưu ảnh (tiếng Anh gọi là postcard), là một phương tiện trao đổi thư từ dạng viết tay trên một miếng giấy bìa chữ nhật, có nhiều cỡ khác nhau, nhưng kích thước thông dụng nhất là khổ 10×15 cm, gửi đi không cần phong bì. Địa chỉ người nhận và tem được dán ở trên cùng một mặt. Vì không cần phong bì và nội dung trao đổi thường ngắn, nên bưu thiếp có cước phí rẻ hơn gửi thư thông thường.
Lịch sử bưu thiếp
Ở Trung Hoa từ thế kỷ thứ X, người ta đã có thói quen gửi nhau những lời chúc tụng trên những tấm thiếp một mặt có hình vẽ. Ở Tây Phương từ thế kỷ XVIII đã có tiểu kỹ nghệ in thiếp một mặt có hình. Tuy nhiên vào lúc đó chưa thể coi bưu thiếp là một thứ đã được chính thức công nhận mà chỉ là một sáng kiến cá nhân và số bưu thiếp được làm ra rất giới hạn.
Tình trạng này kéo dài cho tới lúc bưu thiếp được chính thức thiết lập bởi Ngành Bưu Điện. Một ký giả của báo “Revue Illustrée de la carte postale” (Báo Ảnh Bưu Thiếp) đã đưa ra một giả thuyết rất hấp dẫn về ông thuỷ tổ của bưu thiếp. Theo ký giả này, thuỷ tổ hoặc những thuỷ tổ của bưu thiếp chính là một tay hay các tay chủ khách sạn đã phát minh ra bưu thiếp để in hoặc vẽ các khách sạn của họ nhằm làm quảng cáo và đã dành mặt sau những thiếp đó để viết thư. Ở Tây Phương nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tấm bưu thiếp đầu tiên có in hình một tranh khắc gỗ đã được bán ở Bale bởi một người tên là Fenner Matter vào năm 1855, nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại quả quyết rằng những bưu thiếp đầu tiên là những tấm in những cảnh phố phường ở thủ đô Berlin của Đức do một người thợ in litô tên là Miessler.
Lúc đầu, mặt chính của bưu thiếp dùng để ghi địa chỉ người nhận, chỗ dán tem và có một đường viền trang trí dày khoảng 4mm. Sau này đường viền không còn được dùng nhiều nữa.
Bưu thiếp Việt Nam
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, bưu thiếp phát triển ở rất nhiều nước Đông Dương trong đó có Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Đề Thám có thể là một trong những chủ đề được bưu ảnh khai thác đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, các công trình do người Pháp xây dựng như: Khai thác than ở Hòn Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, cầu Doumer (Long Biên), cầu Tràng Tiền (Huế), các bến cảng Hải Phòng, Sài Gòn, những đồn điền ở Tây Nguyên và nhiều công trình kiến trúc ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ Lục Tỉnh cũng đã được các nhà nhiếp ảnh khai thác để đưa vào bưu thiếp…
Đặc biệt, bưu thiếp có bút tích ghi lại những sự kiện lịch sử luôn có giá trị về mặt không gian và thời gian. Những nét đa dạng về văn hóa như lễ hội dân gian các vùng, sinh hoạt chợ búa, cảnh quan kiến trúc ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… hay hình ảnh các vị vua đầu triều như Duy Tân, Thành Thái, Hàm Nghi, luôn là những hình ảnh sống động, là nguồn tư liệu quý cho ngành lịch sử nước nhà.
Nhìn tấm bưu ảnh này, chúng ta thấy những người lính Việt dưới sự chỉ huy của một người Pháp đang lội qua sông từ phía bên kia (tả ngạn) vào mùa nước cạn. Thác trong ảnh là thác chính ba tầng chứ không phải thác phụ ba dòng. Điều này chứng minh bờ phía Bắc (tả ngạn sông Quây Sơn) ngay dưới chân thác là đất của Bắc Kỳ (Việt Nam) chứ không phải đất của Trung Quốc, vì thế chỉ huy người Pháp và binh lính người bản xứ mới có thể đi tuần tra bên kia bờ sông và từ bên đó trở về. (Theo Fanpage Lịch sử Việt Nam qua ảnh).
Lịch sử bưu thiếp cũng ghi nhận là vào đầu thế kỷ XX ở Việt Nam mới xuất hiện bưu thiếp do người Việt chụp và ấn hành, góp phần nhận thức lịch sử một cách trung thực hơn, đặc biệt là lịch sử thời cận đại.
Bưu thiếp Đông Dương
Ở Đông Dương, sau khi Pháp chính phục được đất đai, công cuộc khai thác thuộc địa đòi hỏi các nhu cầu về tiền bạc và nhân lực từ chính quốc. Các tấm bưu thiếp đã góp phần đáp ứng được nhu cầu mời gọi đầu tư, di dân và du lịch đến xứ sở phong phú về văn hoá, hấp dẫn về cảnh quan và giàu có về sản vật. Chính vì vậy, thời kỳ này cũng chính là giai đoạn vàng của bưu ảnh Đông Dương nói chung. Trong bài tham luận “Lịch sử bưu ảnh Đông Dương từ 1900-1914” tại Hội thảo “Nguồn sử liệu và cách tiếp cận Việt Nam” tổ chức tại Aix-en-Provence vào năm 1995, Vincent Thierry đã thống kê được ở Việt Nam trong giai đoạn đó có tới 70 nhà xuất bản phát hành khoảng 18.000 mẫu bưu thiếp. Nhiều nhà nhiếp ảnh và sản xuất bưu thiếp nổi tiếng ở Việt Nam thời bấy giờ ở Sài Gòn có Bà Wirth, Poujade de Ladevèze, Planté; ở Trung Kỳ có Pelissier (Đà Nẵng), Guérin (Huế), ở Hà Nội có nhà in Schneider, R. Moreau (Hà Nội) và nhất là nhà nhiếp ảnh P. Dieulefils. Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã tham gia chụp ảnh và được in trong các bộ sưu tập của người Pháp mà điển hình là Nguyễn An Ninh.
Vào đầu thế kỷ 20, nhờ những thành tựu của nghệ thuật nhiếp ảnh, bưu thiếp đã xuất hiện tại Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng cùng với công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trên thực tế, ở thời điểm này, chính quyền thực dân đã tận dụng ưu thế nổi bật của bưu ảnh trong việc thu hút đầu tư của chính quốc vào thuộc địa bằng những hình ảnh chứng minh rằng Việt Nam là một vùng đất an toàn, đã được bình định và là một vùng đất tươi đẹp, giàu có với nhiều tiềm năng sinh lợi.
“Thời đại thực dân đi qua, cái còn lại là văn hoá Pháp.” Cùng với lời nhận xét này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Ngoài một số bức ảnh của cụ Võ An Ninh, phần lớn bộ sưu tập do các nhà nhiếp ảnh Pháp cung cấp.” Kho sử liệu quý giá này trước hết phản ánh một cách nhìn mang tính phương Tây về thực tế xã hội Việt Nam đầy biến động những năm đầu thế kỷ 20.
Di sản lịch sử
Là một di sản lịch sử, bộ sưu tập trước hết là sợi dây nối liền hiện tại với quá khứ, giúp người xem hình dung lại xã hội An Nam xưa qua những hình ảnh trung thực và sinh động. Những vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, với gương mặt đầy hoang mang trong những bộ trang phục vừa cổ xưa vừa bắt đầu Tây hoá; không khí của núi rừng Yên Thế với những hình ảnh của hùm thiêng Hoàng Hoa Thám; kẻ sĩ xưa tay nắm bút lông, tay bút chì phảng phất cái tâm thế của một lớp người lạc thời trong cái cảnh: “Nào có ra gì cái chữ Nho, ông nghè, ông cống cũng nằm co;” một bà mẹ Việt Nam tần mần đan nón bên đàn con nheo nhóc… Tất cả không chỉ là những thước phim về một giai đoạn lịch sử mà còn là những cách nhìn đầy am hiểu, đầy cảm thông về số phận một đất nước, một dân tộc từ những người nghệ sĩ phương Tây. Các ngành nghệ thuật văn học, điện ảnh, sân khấu, hội hoạ… ngày nay cũng có thể dựa trên kho dữ liệu này để có cái nhìn đầy đủ hơn, chân thực hơn khi tái tạo quá khứ.
Bên cạnh những giá trị hình ảnh, bộ sưu tập còn mang đến cho con người hiện đại một phần đời sống tâm hồn của người xưa qua những thông điệp được nhắn gửi ở mặt sau bưu thiếp. Một phần nội dung khá tiêu biểu của bưu thiếp cổ là những cảnh đẹp đất nước, những sinh hoạt văn hoá cổ truyền của các dân tộc Việt Nam qua ánh mắt tò mò của du khách phương Tây. Cố đô Huế, cầu Tràng Tiền, Chùa Một Cột, Hàng Ngang, Hàng Đào… tự thân nó từ ngày xưa đã là sự quảng bá Việt Nam nhỏ bé với thế giới bao la. Đấy là một gợi ý, một tư liệu quý giá cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh giao lưu quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sôi động như hiện nay.
Trước những giá trị to lớn, nhiều mặt của bộ sưu tập bưu thiếp cổ Việt Nam, hội thảo cũng đã đặt ra vấn đề thu thập, bảo tồn và mở rộng nguồn sử liệu độc đáo này. Theo số liệu của các nhà nghiên cứu, bưu ảnh Việt Nam hiện được tìm thấy nhiều nhất ở Việt Nam và Pháp.
Ngày nay, khi hệ thống viễn thông phát triển, người ta dùng điện thoại và thư điện tử, bưu thiếp đã mất dần ưu thế của mình. Bưu thiếp chỉ còn dùng cho kỷ niệm những chuyến du lịch ở những thắng cảnh.
Giá trị hiện nay của bưu thiếp Đông Dương
Tấm bưu ảnh bìa nhà xuất bản P. Dieulefils cho chúng ta biết về giá trị hiện giờ của bưu thiếp thời Đông Dương. Một set gồm 120 postcards có giá 12 piastres, như vậy mỗi tấm postcard được bán với mức giá 10c, bằng với cước gửi bưu ảnh.
Thời nay, chúng ta có thể tìm mua bưu thiếp xưa Việt Nam ở eBay hay ở các dealer trên mạng. Trị giá của bưu thiếp Đông Dương tùy thuộc vào tình trạng, màu hay trắng đen và đề tài.
Trong bộ sưu tập của hơn 300 bưu thiếp xưa của chúng tôi, có những tấm có giá trị rất lớn về lịch sử, như một tấm bưu thiếp cảnh thác Bản Giốc cho thấy rõ ràng Bản Giốc là thuộc về nước Việt Nam.
Khi nhìn vào tấm bưu thiếp xưa Đông Dương, chúng ta có thể biết được địa lý của những hình ảnh trên đó. Tonkin là ở miền Bắc. Annam là ở miền Trung. Cochinchine là ở miền Nam.
Những tấm bưu thiếp trắng đen về hình ảnh ba miền, cảnh người dân sinh sống hay các thắng cảnh, giá khoảng $9.99. Bưu thiếp hiếm và quý, vua, quan, hay những nhân vật quan trọng, giá từ $30 đến cả trăm đô la. Dĩ nhiên, các bưu thiếp có màu thì tương đối giá cao hơn bưu thiếp trắng đen. Ngoài ra, bưu thiếp đã được dùng, còn những con tem và dấu bưu điện cũng thêm phần giá trị.
Đối với bưu thiếp xưa của VIệt Nam, chúng ta cần nên sưu tầm, bảo quản vì tính chất quan trọng giá trị lịch sử của nước nhà.
Với kỹ thuật hiện đại, người ta có thể sửa những lỗi về mất mát, hư hại của những bưu thiếp xưa. Và gần đây, nhờ vào công nghệ AI, bưu thiếp xưa trở nên sống động như một đoạn video, đưa chúng ta trở về quá khứ.
Nguồn:
Suutamtem.VN
Lưu Hà- VNExpress.Net