Tiếng gọi của rừng thẳm: Tôi đi làm báo – kỳ 1

by Tim Bui
Tiếng gọi của rừng thẳm: Tôi đi làm báo - kỳ 1

HÀ GIANG

Ngày nghe tin tôi nhận việc làm toàn thời gian cho Nhật báo Người Việt, một anh bạn cao niên, từ tiểu bang miền Đông gọi điện về, lo lắng hỏi han.

-Sao em dại thế, có cả kinh nghiệm quản trị xí nghiệp lẫn IT mà sao tự nhiên lại bỏ hết đi để viết báo? Mà bao nhiêu năm nay em chỉ làm hãng Mỹ, làm việc với người Việt Nam làm sao chịu nổi?

Bất ngờ trước câu hỏi dồn dập và giọng nói băn khoăn của anh, tôi ấp úng:

-Tại em thích viết, thích viết lách và thích báo chí từ nhỏ, nhưng bây giờ mới có dịp, nên muốn thử xem sao. 

-Nhưng báo chí trong cộng đồng Việt Nam không phải là nghề được đánh giá cao, em cũng biết điều đó chứ?

-Em không biết. Nhưng nếu vậy, theo anh thì tại sao?

-Anh không rõ. Có thể vì cộng đồng mình ít có người làm báo chuyên nghiệp. Cũng có thể vì người mình có câu “làm báo nói láo ăn tiền” nên không tôn trọng nghề này. Có thể vì người làm báo, anh nghe nói, rất nghèo. Nhưng bất kể vì lý do gì, em là người có bằng cấp, có nghề chuyên môn, sao tự nhiên phải theo cái nghề quỷ này làm gì?

Nghe anh chê bai nghề báo, tôi hơi cảm thấy bị “offended” dù mình chưa phải là người thuộc “hàng ngũ,” nhưng tự an ủi rằng anh nói thế là vì lo cho mình.

-Không phải vì “phải,” mà là vì em muốn. Mà sao anh không nghĩ là nếu yêu nghề, và làm việc đàng hoàng, em và những người như em sẽ dần dà mang đến sự chuyên nghiệp cho nghề mình chọn, rồi nghề làm báo trong cộng đồng mình sẽ được đánh giá cao hơn?

-Thiếu thực tế quá cô nương ơi. Nhưng nếu nhất định muốn làm báo thì chịu khó lấy mấy lớp journalism rồi từ từ xin vào những cơ quan truyền thông của Mỹ cho xứng đáng. Làm việc với người Việt trong cộng đồng Việt phức tạp lắm, anh nghĩ em không kham nổi đâu.

-Làm báo vì thích viết là một, nhưng còn vì có một cái gì liên quan đến Việt Nam nó cứ thôi thúc em nữa, nên em nghĩ phải làm với truyền thông tiếng Việt. Làm việc với Mỹ thì nói làm gì? Mà nói chắc anh cũng không hiểu đâu…

– Anh thật không hiểu nhưng lo và tiếc cho em lắm… Nhưng nếu em đã nhất quyết rồi thì thôi anh không nói nữa.

‘Tiếng gọi của rừng thẳm’

Không biết tôi có giàu tưởng tượng không, nhưng hình như khi tần ngần cúp máy anh bạn tôi đã nén tiếng thở dài.

Anh làm sao hiểu được tiếng gọi mà tôi mượn tựa cuốn sách của Lan Khai để đặt tên. Tiếng gọi “rừng thẳm” đó càng thôi thúc, thì khoảng trống trong tôi hình như ngày càng lớn không gì khỏa lấp được.

Đã lâu, trong tôi có một điều gì chưa ổn. Hình như tôi thiếu “a sense of belonging” – cảm giác được thuộc về một nơi nào, một tập thể nào đó. Tôi đã hòa nhập khá tốt vào dòng chính, có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty lớn nhỏ của Mỹ, chen vai thích cánh với họ trong thành phần quản trị. Nhưng sao tôi vẫn cứ khắc khoải tìm một điều gì liên quan đến mảnh đất Việt Nam, con người Việt Nam, đến tiếng Việt và chữ viết Việt.

“Cảm giác thuộc về” – một ai đó, một nơi nào đó – quan trọng cho con người đến nỗi nhà tâm lý học Abraham Maslow, trong “tháp nhu cầu”, đã đánh giá đó là nhu cầu then chốt thứ ba (sau no ấm và an toàn thể chất). Hai giáo sư tâm lý học Hoa Kỳ Roy Baumeister và Mark Leary, trong khi đó, công nhận cảm giác này là động lực chính cho hành vi của con người, gồm tình yêu, tình bạn, quyền lực và thành quả. Việc hòa nhập vào – thuộc về một tập thể, cho phép ta cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn hơn và quan trọng hơn chỉ bản thân mình. Thuộc về là cảm giác ta có nguồn gốc, cho đời ta một mục đích, rằng mình là thành viên có giá trị của một gia đình, nhóm hoặc xã hội, rằng mình đóng góp được cho một nỗ lực chung có ý nghĩa.

Sau này nghĩ lại, “cảm giác thuộc về” đó chính là lý do tại sao tôi nhận lời làm việc với Nhật báo Người Việt lúc đó, với số lương chỉ cao hơn 1/3 lương tôi có thể kiếm được nếu đi làm cho những công ty Mỹ, với kinh nghiệm sẵn có.

Cuộc nói chuyện với anh bạn xảy ra vào giữa năm 2009. Nhưng vị trí phóng viên với nhật báo Người Việt không phải là việc làm đầu tiên của tôi trong nghề báo.

Trước đó hơn một năm, tôi đã đưa chân vào thế giới làm báo bằng cách nhận làm thông tín viên cho đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA). Và từ đó, mỗi bài viết, mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi chuyến đi lại đẩy tôi sâu hơn vào một thế giới khác hẳn với môi trường mình sống trước đây.

Khác thế nào?

Tôi lang bạt kỳ hồ hơn, lì hơn, chịu khó tìm tòi học hỏi để mở mang kiến thức hơn, và vì thế vất vả hơn xưa gấp bội. Bù lại, tôi mê say công việc, cảm thấy việc làm của mình phần nào có ý nghĩa, và nhờ thế, tuy kiếm ít tiền hơn trước nhiều, nhưng đời sống lại phong phú hơn nhiều.

Còn nặng nợ

Sau hơn 15 năm trong nghề và những chuyến công tác ở nhiều nơi trên thế giới, tôi quyết định nghỉ hưu. Bạn bè bảo “mày hưu sớm quá.” Nhưng tôi muốn thế, để du lịch đó đây khi còn khỏe, để vui thú điền viên và để dành thì giờ viết sách. Nhưng người định không bằng trời định. Qua người đồng nghiệp cũ Huỳnh Ngọc Dân, trời run rủi cho tôi gặp anh Lý Thành Phương, để sự đồng cảm về quê hương, về con người Việt Nam khiến tôi không thể không nhận lời hỗ trợ nhóm anh thành lập tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, rồi tiếp tục cái nợ… cầm bút.

Gọi là “nợ” nghe cho nó bi kịch hóa (dramatize) một chút, nhưng thật ra, cho đến phút này, ngay cả khi chạm phải những khó chịu đến từ quán tính kỳ quái của một số ít người trong cộng đồng mình, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định gia nhập làng báo. 

Dù trong thế giới báo chí Việt ngữ, với lằn ranh Quốc-Cộng, với sự phân rẽ chính trị trầm trọng giữa hai đảng Dân chủ – Cộng hòa ở Mỹ hiện giờ, nhất là ở nơi được mệnh danh là nơi “gió tanh mưa máu” như khu Bolsa, người làm báo hay bị dồn vào tình trạng “nằm giữa hai lằn đạn,” không những chẳng làm được bên nào vừa lòng, mà nhiều lúc chính bản thân mình cũng không thoải mái. Để tránh những lời càm ràm, người cầm bút vô hình chung phải tự kiểm duyệt, phải tránh né, không dám viết về những đề tài cần mổ xẻ, hay mạnh dạn viết ra những điều mình cần phải viết.

Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn tung hê, bẻ bút, bỏ nghề. Nhưng, cuối cùng, điều giữ tôi lại luôn là câu hỏi: Nếu yêu nghề báo mà tôi không thể hành nghề ở một nơi có tự do báo chí như ở Mỹ thì tôi còn có thể làm việc ở đâu? Thế là tôi lại đường mình mình đi, bỏ ngoài tai những tị hiềm vặt vãnh, cố giữ lòng thanh thản mà làm việc.

Bữa ăn trưa định mệnh

Tôi vẫn hay nghĩ là mình đã bước chân vào làng báo hết sức tình cờ, không dự định trước. Nhưng cũng có lúc tự hỏi con người chúng ta, có phải trong vô thức, luôn có những lựa chọn và hành động tiếp nối nhau thế nào đó, để cuối cùng gặp được định mệnh của mình?

Nếu điều đó đúng thì, buổi ăn trưa hôm ấy giữa chị An Nguyễn – Kiều Mỹ Duyên, anh Mặc Lâm – cựu biên tập viên của RFA và tôi, chắc hẳn phải là một run rủi của định mệnh.

Khoảng 10 giờ sáng một ngày thứ Sáu giữa năm 2008, chị Kiều Mỹ Duyên bất ngờ gọi phôn nói Tina ơi có rảnh không thì xuống ăn trưa với chị, vì có một người khách đặc biệt từ xa đến.

Trước đó tôi chưa gặp Mặc Lâm bao giờ, mặc dù vẫn thấy tên anh mỗi khi vào website của đài RFA để đọc hay nghe tin và quen giọng nói đầy âm hưởng của anh. Lần đó hình như anh từ Washington DC bay xuống Nam Cali để phỏng vấn chị Kiều Mỹ Duyên về chuyện làm báo ngày xưa thời VNCH.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh thời sự nóng bỏng của Việt Nam lúc đó như việc một số người trẻ bị đánh, bắt và bỏ tù vì tụ họp biểu tình phản đối Trung Quốc sau khi  Bắc Kinh hợp thức hóa việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; việc căng thẳng đất đai giữa chính quyền Hà Nội với Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà, đưa đến các cuộc cầu nguyện tập thể lớn chưa từng thấy của giáo dân.

Nói chuyện một lúc, Mặc Lâm quay qua hỏi tôi có viết lách gì không? Tôi nói có, thường là chỉ để bỏ vào blog cá nhân trên Yahoo 360, nhưng thỉnh thoảng cũng gửi bài cho Đàn Chim Việt. Anh hỏi viết gì trong bài mới nhất, tôi nói về bài “Tôi yêu nước tôi mà sao tôi bị đánh?” mình vừa viết xong, vì quá xúc động khi thấy tràn ngập trên mạng hình ảnh một nữ sinh trẻ măng bị đánh sưng vù mặt vì đi biểu tình chống Trung Quốc.

Anh nhìn tôi trầm ngâm rồi chợt hỏi:

-Giọng của Tina chắc làm radio hợp lắm. RFA đang cần người, Tina có muốn thử không?

-Tina chưa làm phát thanh bao giờ, mà cũng viết để giải tỏa những ưu tư của mình thôi, không chuyên nghiệp. Chắc không dám đâu, sợ lắm.

Trả lời Mặc Lâm thế, nhưng câu hỏi của anh làm tôi giao động. Theo ban C thời còn trung học, thích văn chương và mê đọc sách từ nhỏ, đến nỗi bị bố gọi là “con mọt sách.” Tôi hễ gặp chữ trước mặt, bất cứ từ đâu: sách, báo, sách giáo khoa, sách ngoại quốc đã dịch, truyện chưởng, kể cả “tiểu thuyết 3 xu” là đọc ngấu đọc nghiến. Đọc chán thì bắt đầu lấy giấy bút ra viết, khởi đầu là nhật ký, rồi tùy bút, tản mạn, đủ thứ, dù hồi đó viết để chỉ bỏ lên blog cá nhân cho mình mình đọc. Có thể nào mình sẽ làm việc với RFA, rồi từ đó sẽ được học viết cho ra hồn? Đầu tôi nhen nhúm một câu hỏi.

Như đọc được tâm tư của tôi, Mặc Lâm chậm rãi đề nghị:

-Nghe cách nói chuyện của Tina thì anh nghĩ Tina viết được, giọng thì rất có chất phát thanh. Đài cũng đang cần thông tín viên làm việc từ Cali, vì đây là cộng đồng lớn của người Việt. Hay lát về Tina email cho anh mấy bài viết để anh xem. Anh còn ở đây hết cuối tuần này.

-Vâng.

-Rồi ngày mai mình gặp nhau, anh sẽ mang máy recorder để thu thanh mấy câu Tina nói và nghe lại. Anh nghĩ chắc chắn là được.

-Ngoài máy recorder để thu âm, anh có dùng software gì để edit audio không?

-À, RFA dùng software free tên là Audacity để edit. Ngày mai gặp nhau anh sẽ mang laptop đến chỉ cho Tina cách dùng.

Tôi bắt anh đánh vần chữ Audacity vì chưa nghe đến software này bao giờ.

Chiều hôm đó về, tôi tìm vài bài mới viết, email ngay cho Mặc Lâm, rồi sốt ruột, không đợi gặp anh ngày hôm sau, ăn cơm tối xong, mở laptop lên Google tìm Audacity, download, đọc manual trên mạng rồi dùng thử. Ngay đêm hôm ấy, tôi đọc vài đoạn trong những bài mới viết, thu audio files rồi email cho anh.

Sáng hôm sau, Mặc Lâm gọi điện thoại, giọng đầy hứng khởi:

-Anh đã đọc bài của Tina và nghe audio luôn rồi. Hay lắm. Mới nghe anh nói tên Audacity thôi là đã tự làm ngay được rồi. Không cần chờ anh hen?

-Anh thấy sao?

-Rất được chứ sao. Bài viết khá và chất giọng tốt. Anh đã email về cho anh Diễm, xếp của anh rồi. Tuyệt quá. Dĩ nhiên nếu mướn Tina, RFA sẽ phải huấn luyện Tina  cho có bài bản.

Chúng tôi hẹn nhau đi ăn tối. Mặc Lâm vui vẻ nói khỏe quá, tối anh khỏi phải mang theo máy móc gì, vì Tina đã tự làm được rồi.

Tối hôm ấy, Mặc Lâm cho chúng tôi biết tin vui. Xếp của Mặc Lâm, trưởng ban Việt Ngữ đài RFA, anh Nguyễn Minh Diễm đã xem email và nói “cô này có nhiều triển vọng”.

-Anh Diễm đề nghị trong thời gian còn ở Cali, anh giúp Tina chọn một đề tài thời sự. Trong vòng một tuần, Tina viết và đọc, rồi gửi về cho anh ấy duyệt. Sau đó Tina cần thu xếp một chuyến lên Washington DC nhanh nhất có thể, đến đài RFA gặp anh Diễm, để hai bên có dịp “chuyện trò.” Chị Kiều Mỹ Duyên ngồi cạnh tôi gật gù tán thưởng, và khuyến khích. “Em làm được đó. Thử đi.”

Hà Giang, thông tín viên RFA

Cuối tuần ấy, Mặc Lâm cho tôi một chương trình huấn luyện cấp tốc.

Gọi là huấn luyện cho oai, nhưng thật ra chỉ là nói rõ về guidelines của RFA. Tóm lại bài gửi cho RFA có thể là một phỏng vấn, hay bài viết sâu về một vấn đề thời sự (news feature). Viết xong phải đọc và thu thanh rồi gửi kèm cả audio file để đài cho phát thanh qua làn sóng ngắn về Việt Nam. Một bài phát thanh dài tối thiểu 4 phút và tối đa 6 phút (khoảng từ 1000 đến 1400 chữ). Đưa tin phải kiểm chứng với tối thiểu hai nguồn, ba nguồn thì tốt hơn. Mỗi bài phải có ít nhất 3 sound bites, tức 3 đoạn thu thanh trích ngắn, lấy từ phát biểu hay phỏng vấn của những nhân vật liên quan. Trong những đề tài gây tranh cãi, cần phải có sound bites ghi những ý kiến trái chiều cho bài viết hay bản tin được cân bằng.


Biết tôi có nhu cầu đến thăm đài RFA, hai tuần sau, nhân dịp kỷ niệm của một đài phát thanh tiếng Việt ở vùng này, chị KMD rủ tôi cùng bay lên DC.

Sau khi được Mặc Lâm đưa qua những vòng kiểm soát an ninh vào được trụ sở của đài RFA tại số 2025 M Street, NW, Washington DC, chị Kiều Mỹ Duyên và tôi được anh Nguyễn Minh Diễm đón với nụ cười thân thiện. Sau một tour ngắn qua các cubicles nơi mọi người trong ban Việt ngữ làm việc, chúng tôi trở về văn phòng anh, chuẩn bị cho cuộc “trò chuyện” mà tôi nghĩ chắc sẽ rất… căng.

-Bài của cô thì tôi đọc rồi và thấy có thể dùng được. Giọng đọc cũng tốt. Dĩ nhiên RFA sẽ cần phải huấn luyện thêm…

-Vâng, cảm ơn anh.

-Nhưng tôi cần phải hỏi Tina một câu, cô có chống cộng không?

Hơi bất ngờ với câu hỏi, tôi không biết làm gì hơn là cứ thành thật:

-“Không biết anh định nghĩa thế nào là chống cộng, nhưng nếu reporting sự thật và đưa những tin người dân cần biết mà không được biết là chống cộng thì chắc là có ạ.” 

-“Trả lời thế thì tôi phải… mướn cô mất rồi.” Ông Diễm cười, cái cười hiền hòa nhân hậu làm tươi khuôn mặt có đôi mắt sáng.

Sáng hôm ấy, tôi chính thức nhận lời cộng tác với RFA sau khi ký một số giấy tờ. Trong bữa ăn trưa chúng tôi bàn nhau tìm cho tôi một bút hiệu. Tôi nói chắc tên nên có cái gì sông nước vì tôi tên thật là Hà. Sau một hồi lao xao chị KMD đề nghị Hương Giang, còn Mặc Lâm đề nghị Hà Giang.

Sau chuyến viếng thăm trụ sở của RFA hai tuần, tôi bắt đầu có bài xuất hiện trên website của đài, với byline “Hà Giang, thông tín viên RFA”. Đã lâu rồi, tôi không nhớ tác phẩm đầu tiên của mình là gì, nhưng cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với anh Nguyễn Minh Diễm, trưởng ban Việt ngữ của đài RFA thì tôi không bao giờ quên. Sau đó tôi cũng chỉ gặp anh vài lần, nhưng lòng quý mến anh tồn tại mãi mãi.

Năm nay, nhân dịp lễ Thanksgiving, ôn lại “cái thuở ban đầu [làm báo] lưu luyến ấy” tôi muốn cảm ơn Hoa Kỳ, một đất nước cho chúng ta nền tự do báo chí, một quyền căn bản nhất của con người, mà dân ở những nơi báo chí bị nhà nước  kiểm duyệt không bao giờ được hưởng.

Dĩ nhiên không thể không cám ơn chị Kiều Mỹ Duyên đã vô tình tạo cơ duyên cho tôi gặp Mặc Lâm, người giúp tôi mở cánh cửa vào RFA, tận tình hướng dẫn và khuyến khích tôi trong những ngày đầu tiên bỡ ngỡ, nhất là trong việc tìm đề tài, cũng như giới thiệu một số contacts anh có sẵn, rồi còn đọc bài và đề nghị chỉnh sửa trước khi tôi nộp cho anh Diễm. Không có anh tôi chắc chắn đã không có được sự tự tin để từ từ vững tiến trên con đường nghề nghiệp, và quyết định làm việc cho Nhật báo Người Việt sau đó hơn một năm.

Trong hành trình đầy chông gai mà cũng đầy thú vị này, còn rất nhiều người nữa tôi đã gặp, được giúp đỡ, và rất mang ơn. 

Kỳ sau: Những bài học trong thời gian làm việc với RFA

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights