HÀ GIANG
Đúng như trực giác của tôi, vài ngày sau, Thiện Giao gọi điện thoại báo cho biết Nhật báo Người Việt quyết định chọn tôi làm phóng viên toàn thời gian với số lương như thế… và quyền lợi như thế. Anh xếp tương lai của tôi chuẩn bị cúp phôn với lời nhắn quan trọng:
-Chị suy nghĩ kỹ đi, rồi cho em biết có nhận việc không nhé. Sau khi chị đã (verbally) nhận lời rồi thì công ty mới xúc tiến việc viết thư gửi offer chính thức cho chị.
-Nếu nhận việc, chị có cần phải đi làm gấp không? Tôi hỏi.
-À không. Thiện Giao ngập ngừng, rồi tiếp:
-Tùy chị thôi. Nhưng dĩ nhiên là chị start càng sớm càng tốt.
-Vâng. Vậy cho chị hai, ba ngày để suy nghĩ.
-Ok, ba ngày đi. Em sẽ gọi chị sau ba hôm nữa.
‘Giang chân bước xuống thềm tam cấp’
Cúp phôn, tôi thừ người suy nghĩ. Phải suy nghĩ kỹ chứ. Đương nhiên rồi. Đó là một quyết định đổi đời.
Lúc ấy tôi tốn ít nhất là hai đêm băn khoăn mất ngủ. Băn khoăn chẳng phải vì lương phóng viên của báo Người Việt rất thấp, chưa được một nửa lương trong ngành IT tôi đang làm với công ty Mỹ lúc bấy giờ (mặc dù tôi đã nghe đồn là lương ở đây khá hơn so với những cơ quan truyền thông bạn trong làng báo Việt ngữ). Không hiểu tôi có phải là người quá thiếu thực tế, vì đầu óc có vài cái ốc bị lỏng không (một chị bạn của tôi nghĩ như vậy), nhưng kiếm tiền hay làm giàu chưa bao giờ, với tôi, là ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống.
Băn khoăn là vì không nhận lời thì bỏ lỡ cơ hội lao hẳn vào một môi trường mới lạ đầy quyến rũ. Mà nhận lời thì, sao tâm trạng tôi giống tâm trạng của người học sinh nào đó vào năm cuối của trung học, trong bài thơ đọc lâu lắm rồi hồi còn ở Việt Nam, mà tôi đã quên cả tựa bài và quên luôn tên tác giả:
“Giang chân bước xuống thềm tam cấp
Là đã đưa chân xuống cuộc đời
Là đã xa rời căn gác chật
Còn gì thương tiếc nữa em ơi!…”
Tâm trạng băn khoăn và bâng khuâng của tôi với người học sinh ấy giống nhau, chỉ khác với tôi, “thềm tam cấp” là làng báo, nói rõ hơn là báo Việt ngữ, mà hiện thân là tờ báo Người Việt. “Cuộc đời” là cộng đồng người Việt ở Little Sài Gòn, một tập thể mà tôi vừa thương vừa… sợ. “Căn gác chật” là môi trường làm việc của tôi trong dòng chính của Mỹ, nơi tôi ngày càng thấy mình ít gắn bó về mặt tinh thần, dù sự nghiệp luôn tiến triển khả quan, nhưng trái tim tôi thì không còn (hay chưa bao giờ?) ở đó nữa. Và “thương tiếc” thì đương nhiên rồi. Chẳng gì thì dòng chính cũng là thế giới làm việc duy nhất mà tôi biết từ ngày tốt nghiệp đại học từ cuối năm 1979. Bỏ môi trường quen thuộc ấy mà đi thì tôi có phiêu lưu quá không? Và cũng thương tiếc cả công việc thông tín viên tôi đang làm với đài Á Châu Tự Do nữa.
Thì chắc chắn là phiêu lưu rồi, nhưng vào hẳn làng báo là tiếng gọi và sự thôi thúc chẳng hiểu sao tôi không thể cưỡng nổi.
Chiều ngày thứ ba, quyết định rồi, không đợi Thiện Giao, tôi gọi phôn báo cho anh biết mình nhận việc, nhưng xin anh đáp ứng vài “điều kiện”. Thứ nhất, tôi xin một tháng sau mới đi làm, vì “có nhiều thứ phải thu xếp để chuẩn bị.” Và thứ hai, tôi xin được tiếp tục cộng tác với RFA, vì đó là lý tưởng của mình. Tuy nhiên tôi cũng hứa sẽ chỉ gửi cho RFA những gì liên quan đến giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và sẽ báo cho chủ bút những gì mình định viết cho đài này, trong tinh thần “minh bạch.”
Trái với dự đoán của tôi, Thiện Giao không do dự mà đồng ý ngay. Có lẽ vì từng làm việc ở RFA, Thiện Giao hiểu được ý nguyện này của tôi. Nhưng chắc đúng hơn, có lẽ vì anh đang phải bằng mọi giá tạo được một đội ngũ hùng mạnh cho Nhật báo Người Việt, lúc đó do tình hình phân rẽ nội bộ, đã vừa đùng một cái mất gần hết người trong ban biên tập, vì mọi người rủ nhau bỏ đi để thành lập tờ báo Viet Herald, trực tiếp cạnh tranh với Người Việt, với tòa soạn ở gần kề.
Tha về một đống sách
Nhận việc và ấn định ngày đi làm xong, tôi mới hốt hoảng chợt nhận ra rằng, một phần trong nỗi băn khoăn của tôi trước đó là, tuy sắp là “phóng viên” toàn thời gian của “tờ báo Việt ngữ lớn nhất và lâu đời nhất của người Việt hải ngoại” (slogan của báo Người Việt), tôi chưa bao giờ được chính thức đào tạo thành một ký giả chuyên nghiệp.
Thật đúng là cái cảnh “tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn/sờ bụng, thầy không một chữ gì”[1]. Bạn bè biết tôi mê làm báo, nghe tin tôi đã nhận việc mới, dù có cái nhìn từ “rất quan ngại” đến “vô cùng dè dặt”, cũng đã dẫn tôi đi ăn khao, với những lời chúc tụng thật dễ thương, nhưng tôi bên ngoài cười cười nói nói, nhưng trong lòng hết sức bối rối với ý nghĩa mình không đủ vốn liếng để nhận việc, vì chưa được đi học ngành báo chí ngày nào.
Lúc ấy chưa có ChatGPT, cứ tối về tôi lại lên Google search, để tự chuẩn bị cho mình chút hành trang trước khi nhận việc.
Rất may, tôi tìm được và lên Amazon để mua ngay cuốn “So you want to be a journalist” của Bruce Grundy, từ đó tôi học những điều căn bản nhất về cách viết một “news story”, tạm dịch là bản tin, và nghe những cụm từ chưa bao giờ được nghe như nguyên tắc “tam giác ngược”, tức đưa những chi tiết quan trọng nhất lên đầu (để người editor, nếu thiếu đất (cho báo in) có thể cắt từ khúc dưới mà không mất đi những chi tiết thiết yếu. Ngoài tam giác ngược tôi còn được học về story angle, góc nhìn của tin, tức đưa tin theo một góc cạnh nào đó, tùy theo độc giả.
Từ “So you want to be a journalist” tôi mua thêm “Writing feature stories: How to research and write newspaper and magazine articles” của William Blundell, “Letter to a young journalist” của Samuel Freedman, “Writing tools: 50 essentials strategies for every writer” của Roy Clark, “Thinking like your editor…” của Susan Rabiner, và còn nhiều nhiều nữa, không nhớ hết được.
Chỉ nhớ tôi đã tốn hơn 160 USD cho Amazon vào khoảng cuối mùa Thu năm 2009, để tìm cách nhét thêm một ít chữ vào bụng mình, và xua đuổi cái cảm giác “sờ bụng thầy không một chữ gì” rất bất an trong lòng mình lúc đó.
Dĩ nhiên tôi không đủ thì giờ để đọc được hết những cuốn sách này trước ngày chính thức vào làm việc với báo Người Việt. Nhưng những cuốn sách ấy, nằm lù lù trên bàn làm việc của tôi ở nhà thời ấy, trong những tháng đầu tiên trong nghề, đã giúp tôi ấm bụng. Và mỗi lần có một bài gì cần viết, phóng sự, tường trình, phỏng vấn, phóng sự nhân vật, tôi đều giở sách ra đọc, và cảm thấy, ít nhất là trên nguyên tắc, mình phải làm gì cho loại bài viết đó.
Một điều cần phải nói ngay là dù tôi có đọc đi đọc lại từng trang trong những cuốn sách ấy, thì cũng không thể nào chuẩn bị hết được cho việc làm báo trong hoàn cảnh rất đặc thù của cộng đồng người Việt ở đây, nhất là tại khu Little Sài Gòn, nơi được mệnh danh là “thủ đô của người Việt tị nạn.”
Giữa lòng ban biên tập
Sau này ôn lại hành trình làm báo của mình, tôi thấy mình vừa may mắn vừa… xui. May mắn vì có được thời gian chen vai thích cánh làm việc trong một ban biên tập hết sức sinh động. Xui vì đã vô tình dấn thân vào một hoàn cảnh rất đặc biệt khi làm việc trong một tờ báo cộng đồng, nằm ngay giữa lòng Little Saigon, là trung tâm của nhiều sinh hoạt cộng đồng, của hàng trăm hội đoàn, là chiến địa gay go của lằn ranh quốc cộng, nơi cờ vàng ba sọc đỏ phơi phới tung bay trong những ngày lễ Tết, và cờ đỏ sao vàng, cho đến giờ, vẫn cấm chỉ không được ló mặt.
Vì những trận đánh quyết liệt giữa hai bên của lằn ranh quốc cộng này, Little Saigon được mọi người “âu yếm” đặt cho cái tên là nơi “gió tanh mưa máu”. Tôi đã sống gần mười năm trong thế giới có cái tên rất độc đáo đó, và đương nhiên ở một nơi như vậy thì khó tránh cảnh “chẳng phải đầu, cũng phải tai,” dù rất may mắn, tôi chỉ thỉnh thoảng “bị thương”, rất nhẹ.
Thời gian đầu tiên làm việc với ban biên tập của Nhật báo Người Việt vào cuối năm 2009 đến khoảng đầu năm 2012, với tôi, là những ngày tháng chứa nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi, lúc đó, đa số là thành viên của một đội ngũ mới, người nào cũng hừng hực “đầy lửa” không quan tâm đến gì hơn ngoài việc mỗi ngày cho ra đời một tờ báo với nội dụng phong phú nhất, những bài viết phản ảnh sinh hoạt đầy màu sắc của cộng đồng một cách chính xác nhất, những tin tức nóng bỏng nhất, khi cần. Và phần thưởng lớn nhất của mọi người là ra đường thấy tại các quán cà phê, trên bàn, mọi người hầu như ai ai cũng cắm cúi đọc tờ… Người Việt.
Buổi trưa, ban biên tập chúng tôi, hình như là ban đông nhất công ty, hôm nào không muốn ăn cơm nhà bàn do sở cung cấp, thường lũ lượt cùng kéo nhau đi ăn, trước cặp mắt nhìn vừa tò mò vừa thích thú của các bạn trong ban Sales, có bàn làm việc ở ngay lối ra vào của tòa soạn.
Buổi chiều, cứ khoảng năm rưỡi, sáu giờ, khi toàn ban gồng mình chạy nước rút, phóng viên lo nộp bài, editor chờ để edit bài, ban thày cò kiểm soát lỗi chính tả, và ban kỹ thuật chờ layout, để kịp gửi đi in, là chúng tôi người nào người nấy đói điên lên. Ai rảnh thì lúc đó vào bếp tìm xem thức ăn trưa có còn gì ăn được không. Nếu không thì góp nhau mỗi người vài đồng, cử một người chạy vọt đi mua mấy ổ bánh mì, vài vỉ trứng, rồi về làm vội mấy đĩa trứng chiên chia nhau, vừa gặm vừa chạy đua với thời gian.
Không biết bây giờ thì sao, nhưng ban biên tập của Người Việt, lúc tôi mới gia nhập, khá hùng hậu, có khoảng trên dưới 10 người làm việc toàn thời gian. Không kể lính mới là tôi, còn có: Thiện Giao, chủ bút; Ngọc Lan, phóng viên; Nguyên Huy, phóng sự, chuyên viết chuyện lính hay chuyện cựu chiến binh VNCH; Linh Nguyễn, từ ban sales chuyển sang ban biên tập, chuyên viết phóng sự cộng đồng, đa số liên quan đến hội đoàn; Đỗ Tài Thắng, thư ký online; Nguyễn Lộc, chuyên soạn tin thế giới; Nguyễn Tuyển, soạn tin Việt Nam; Hà Tường Cát, chuyên viết tổng hợp; Ngô Nhân Dụng, viết bình luận từ nhà… Ngoài ra còn có những cộng tác ở xa thường xuyên gửi bài, kể cả từ Việt Nam.
Môi trường làm việc vui, một phần vì chúng tôi mê say công việc, phần nữa là vì sự gắn bó, đoàn kết, tinh thần dựa vào nhau mà sống. Lúc ấy Nhật báo Người Việt đang ở trong giai đoạn hồi sinh, vừa chưa kịp thoát hẳn khỏi ra tình trạng bị cộng đồng liên tục biểu tình tẩy chay, quảng cáo tụt thấp, vừa phải đối phó với một đối thủ cạnh tranh là tờ Việt Herald, do gần như toàn bộ phóng viên và những cây viết kỳ cựu khác của Người Việt trước đó rủ nhau đi, lập ra một tờ báo mới, để trực tiếp cạnh tranh với tờ Người Việt.
Cộng đồng, biểu tình và tự do báo chí
Viết về cộng đồng người Việt tị nạn vào khoảng năm 2009 thì không thể không nhắc đến những cuộc biểu tình, và việc báo Người Việt từng hơn một lần là tâm điểm của những cuộc biểu tình mà nhiều lúc chúng tôi có cảm tưởng dường như là bất tận này.
Khi tôi gia nhập báo Người Việt thì cuộc biểu tình xẩy ra trước đó hơn một năm vì vụ “chậu rửa chân” vẫn còn đang tiếp diễn, dù với nồng độ đã nhạt đi nhiều. Biểu tình không còn diễn ra hàng ngày, nhưng thỉnh thoảng khi đến sở tôi lại gặp một nhóm đồng hương mang những tấm biểu ngữ chống đối, dơ cao những lá cờ vàng ba sọc đỏ, đứng ngoài cửa tòa soạn, và dùng loa lớn tiếng kêu gọi những khách đến đặt quảng cáo nên tẩy chay tờ báo. Mỗi khi như vậy, bước vào trong tòa soạn, nhìn những khuôn mặt căng thẳng của các đồng nghiệp ban Sales tôi vừa thấy buồn vừa thấy có điều gì không ổn.
Đầu đuôi của cuộc biểu tình này tôi không rõ lắm, ngoài những gì đọc được trên những bài tường trình hay bình luận từ những tờ báo khác. Đại khái là tờ báo Xuân đầu năm 2008 của Người Việt có đăng bài viết về một người mẹ nuôi con ăn học nhờ nghề làm nails. Đi kèm bài viết này là tấm ảnh chụp một chậu rửa chân sơn màu cờ Việt Nam Cộng Hòa. Tấm ảnh này làm cho nhiều người trong cộng đồng phẫn nộ vì cho đó là động thái sỉ nhục cờ vàng ba sọc đỏ, một biểu tượng của người Việt tị nạn.
Chuyện này bên trong tòa soạn cũng chỉ thoáng được nhắc lại sau khi Vũ Quý Hạo Nhiên, người tôi rất quý mến, cũng là người chịu trách nhiệm cho số báo Xuân đã gây biết bao tai họa đó được mời trở lại làm việc với vai trò phụ tá chủ bút.
Xin phải nói ngay là biểu tình thuộc quyền tự do phát biểu được hiến pháp của Hoa Kỳ bảo vệ, là điều chúng ta may mắn được hưởng trong một thể chế dân chủ ở Mỹ, cũng là điều chúng ta cầu mong cho người dân Việt Nam. Khổ một điều là trong cộng đồng chống cộng một cách quyết liệt đến đôi khi cực đoan của chúng ta, đồng hương có lúc đã kẻ xấu bị sách động, xúi dục để phục cho mục đích không trong sáng của họ.
Sợ bị biểu tình cũng là điều mà chúng tôi luôn luôn phải nghĩ đến mỗi khi viết bài, soạn bài, chọn bài, hay edit bài, đến độ nhiều khi tôi tự khi làm việc cho một tờ báo cộng đồng thì báo giới chúng tôi thực sự có quyền tự do báo chí hay không.
(Còn tiếp)
Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/tieng-goi-cua-rung-tham-toi-di-lam-bao-ky-4/
[1]Bài thơ “Đi thi” của Trần Tú Xương