TRUNG NAM
Hiện nay, trong dòng gốm sứ nhà Mãn Thanh thì đồ gốm sứ đời vua Càn Long có giá trị rất cao, nhất là đồ ngự dụng (Imperial wares), nhiều món bán được từ 10 triệu đến 40 triệu US đô la.
Thời kỳ trị vì của Càn Long Hoàng Đế kéo dài hơn 60 năm từ 11/10/1736 đến 1/9/1795. Đây được xem là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự Đại Thanh (nhưng bị đánh bại tại Việt Nam, dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung). Vua Càn Long là một ông vua đam mê nghệ thuật trong đó có nghệ thuật gốm sứ.
Có thể nói, gốm sứ Trung Hoa thời Càn Long muôn hình vạn trạng với muôn hồng, nghìn tía. Có những dòng gốm độc đáo của thời kỳ này như giả đá, giả đồng, giả gỗ… Hoàng đế Càn Long giúp các nghệ nhân gốm sứ an tâm về đời sống vật chất và động viên về tinh thần để họ cho ra đời những tác phẩm hoàn hảo nhất có thể về cả hai phương diện kỹ thuật và mỹ thuật.
Thời nhà Thanh từ năm 1644 – 1912 có hai trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng là lò Trấn Cảnh thuộc tỉnh Giang Tây và Lò Đức Hóa thuộc tỉnh Phúc Kiến. Trong đó lò Đức Hóa là trung tâm sản xuất sứ trắng (sứ Bạch Định) chuyên chế các loại hình ống cắm bút, chóe cao có nắp, tượng người và động vật. Các sản phẩm gốm sứ thời vua Càn Long được đều làm hoàn toàn bằng cao lãnh rất mỏng, độ liên kết của xương gốm cao, độ kết tinh của xương men thường có sắc trắng ngà và xám. Gốm sứ thời nhà Thanh sử dụng hai dòng men chính: men trắng vẽ lam và men nâu vẽ lam.
Ngoài hai dòng men chính, một số dòng men nâu, men trắng không trang trí, men trắng Bạch Định cũng được sử dụng nhưng ít hơn. Gốm sứ nhà Thanh dùng để trang trí đa số là các loại hình phổ biến như: Ống để cắm bút, chóe cao có nắp, các loại tượng con người và động vật. Chóe, bình, lọ, hũ, ống cắm bút, ấm chén, bát đĩa, âu, bình, lọ…
Người có công rất lớn trong việc đưa gốm sứ Càn Long lên thời cực thịnh là Đường Anh (T’ang Yin, 1682 – 1756). Ông là viên quan lo việc sản xuất đồ gốm sứ lò Trấn Cảnh Trấn ở Giang Tây. Ông phụ trách chế tác bình cho hoàng gia từ năm Càn Long thứ Hai tới năm Càn Long thứ 23 – giai đoạn hưng thịnh của hoàng quyền Mãn Thanh.
Đường Anh vốn giỏi về văn thơ, thư họa, có trình độ văn hóa rất cao. Ông vừa là người tổ chức lãnh đạo sản xuất gốm sứ vừa là người nghiên cứu, phát triển nghệ thuật gốm sứ. Ngành gốm sứ Trấn Cảnh thời Nhà Thanh phát triển rất nhanh, sản phẩm của nó nổi tiếng một thời, được mọi người khen ngợi, đã viết nên trang vàng trong lịch sử gốm sứ cổ đại Trung Quốc. Đường Anh trước tác rất nhiều cuốn sách gồm Đào dã đồ biên thứ, Diêu khí tứ khảo, Đào vụ tự lược, Đào luyện đồ thuyết và Từ vụ sự nghi dụ cảo. Trong số đó có Đào luyện đồ thuyết là một quyển sách chuyên nói về công nghệ gốm sứ hoàn chỉnh và hệ thống trên thế giới. Rất nhiều người trước đó chưa ghi chép hoặc ghi chép chưa cụ thể về công nghệ sản xuất gốm sứ thì đều dựa vào cuốn sách này để lưu truyền hậu thế. Đường Anh còn biên soạn thêm Đào nhân tâm ngữ và Đào Thành ký sự để nói lên cảm xúc chân thành của ông đối với nghề gốm sứ, đồng thời đã tổng kết thành tích công nghệ gốm sứ các đời trước đó. Đó là tài liệu tham khảo quan trọng để nghiên cứu về lịch sử gốm sứ. Ông được coi là một nhân vật vĩ đại có nhiều cống hiến kiệt xuất trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc.
Trong quyển “Khảo Cứu Về Sứ Cổ Trung Hoa,” cụ Vương Hồng Sển ca tụng Đường Anh và viết về ông như sau:
“Đường Anh là người có công lớn hơn hết trong lò Cảnh Đức Trấn, vừa có biệt tài quản trị cơ sở, vừa tự mình chế tạo những món xuất sắc: đồ ngự chế và đồ biếu tặng các vua An Nam, Xiêm La.
Đường Anh còn lưu truyền lại một tác phẩm quý báu là sách khảo về lò ngự chế Cảnh Đức Trấn, trong sách ông kể ra năm mươi tám màu men tráng sành khác nhau, và dạy rành rọt cách pha trộn màu cho có quy tắc.
Nhưng sau ngày ông Đường Anh từ giã cõi đời, thì nghệ thuật làm đồ gốm cũng mất, cho đến ngày nay người Trung Hoa chưa tìm lại được?”
Trong việc thẩm định đồ thật Càn Long thì có nhiều cách: nhìn hoa văn, hình dáng, men, họa tiết, so sánh với đồ thật, patina, hay hỏi các chuyên gia. Một trong những bước đầu tiên để xác định niên đại là nhìn vào dấu hiệu trị vì.
Dấu hiệu nào là đúng?
Dấu hiệu trên đồ sứ Trung Quốc thường bao gồm bốn hoặc sáu ký tự, hai ký tự cuối cùng là “nian zhi,” tức là “được làm trong những năm tháng.” Phong cách của các nhân vật có thể là dạng “kai” hoặc chữ viết đóng dấu. Chữ triện được ưa chuộng đặc biệt trong những năm Càn Long. Dấu ấn Càn Long thường được viết bằng màu đỏ sắt hoặc mạ vàng cũng như màu xanh lam bên dưới. Chúng cũng có thể được khắc, đóng dấu hoặc đúc phù điêu.
Dấu hiệu Càn Long là dấu hiệu bị “nhái” nhiều nhất. Sau đời vua Càn Long, các đời sau nhà Thanh cho đến thời Cộng Hòa Dân Quốc (Early Republic), tận đến thế kỷ 20, dấu “Càn Long Niên Chế”, “Đại Thanh Càn Long Niên Chế” thường thấy trên gốm sứ, ngà voi, cloisonne, đồ đồng, đồ gỗ, sơn mài… Nhiều dấu “nhái” rất cẩu thả, dễ nhận ra, nhưng có dấu rất tinh vi, khó phân biệt đâu là chân, đâu là giả.
Một cách khác để xác định đồ cổ thật là xem xét vị trí dấu hiệu dưới đáy hay ở trên thân. Ở chén, dĩa, khi ta lật mặt món đồ theo chiều ngang hay chiều dọc, vị trí dấu hiệu phải nằm đúng ở trung tâm đáy món đồ. Nếu dấu nào nằm không ngay ngắn, xiêu vẹo thì chắc chắn là đồ “nhái.” Một đặc điểm nữa về dấu hiệu trên đồ thật là nét chữ viết bằng tay, trong khi đồ giả cổ được đóng bằng khuôn dấu hay nét viết tay vụng về.
Những món đồ đạt giá kỷ lục
Trong phần cuối của bài này, chúng tôi sẽ trình bày vài món tiêu biểu của đồ ngự dụng đã đạt giá kỷ lục và các dấu hiệu trên các món đồ thật của đời Càn Long cũng như các dấu “nhái.” Hy vọng bài viết sẽ giúp cho các bạn, những người ham mê sưu tầm cổ ngoạn đời vua Càn Long, có thêm kiến thức để phân biệt đồ nào cổ, đồ nào “giả cổ.”
Mọi ý kiến hay thắc mắc, xin quý bạn vui lòng gửi về email của tòa soạn là tytntmagazine@gmail.com, nhớ ghi câu “Đồ cổ Tàu” trên tựa đề.