Tình không biên giới

by Tim Bui
Tình không biên giới

YẾN TUYẾT

Những cơn mưa từ miền Bắc Cali kéo về khiến thời tiết ở Orange County không mang hình ảnh vui tươi của mùa Xuân vì thật lạnh lẽo và ướt át.

Thế nhưng may mắn thay, cộng đồng Việt Nam đã có những ngày nắng ấm đầu tháng Hai để đón tết Ất Tỵ vì vậy tôi được một số bạn bè khoe hình họp mặt của gia đình họ.

Lẫn trong những khuôn mặt Việt Nam xuất hiện trong hình, tôi thấy sự góp mặt của một số chàng con rể hay cô con dâu mang nét đẹp Tây phương, hoăc có cái nhìn của một vài sắc dân khác, không phải Việt Nam.

Khi thấy những tấm hình có một sự tổng hợp hay hay về chủng tộc vào dịp Lễ Valentine’s Day, tức Lễ Tình yêu sắp đến, tôi bỗng muốn viết về tình yêu của những người dị chủng.

Tại các cộng đồng ở Mỹ, càng ngày chúng ta càng thấy có nhiều hơn những cuộc hôn nhân, hay tình yêu xảy ra giữa những người đến từ các nền văn hóa hay màu da khác nhau.

Riêng trong cộng đồng Việt Nam, chúng ta đều biết cũng đã có một số cuộc hôn nhân dị chủng xảy ra trong thế hệ di dân thứ nhất, và đôi lúc sự khác biệt ngôn ngữ và tập quán giữa Á châu và Tây phương có thể gây cho họ một vài khó khăn hơn bình thường trong đời sống đôi lứa.

Thế nhưng, đối với thế hệ thứ hai của cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì ngôn ngữ, văn hóa hay tập quán không còn là trở ngại nữa giữa những người yêu hay cặp vợ chồng đến từ những nguồn gốc khác nhau, vì hầu như mọi người trong lớp trẻ đều có thể hiểu và nói tiếng Anh trôi chảy, vì phần lớn sinh ra và lớn lên ở đây.

Ngay cả một số khá đông lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở Saigon, Anh ngữ cũng được họ học hỏi tới nơi, tới chốn, vì Viêt Nam trong hơn 20 năm trở lại đã tiến bộ về nhiều mặt. (Dĩ nhiên, chúng ta không đề cập đến việc chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn không tôn trọng quyền tự do của người dân như các nước dân chủ khác trên thế giới).

Những hình ảnh sống động chung quanh của những cuộc hôn nhân hay lứa đôi dị chủng khiến tôi tò mò lắng nghe, ghi nhận và tìm hiểu về đề tài “tình không biên giới” vì thực tế cho thấy có lẽ quý độc giả và chính cá nhân người viết, có lẽ ai cũng biết về môt gia đình nào đó có một người “ngoại lai” vào làm thành viên của đại gia đình mình.

Qua những ghi nhận của tôi từ gia đình bạn bè cũng như người quen, và dưới mắt của một “người cầm bút nhiều chuyện,” tôi nghĩ tình yêu đã giúp những cặp tình nhân hay vợ chồng vượt qua dễ dàng những hàng rào từ văn hóa, sắc tộc cho đến ngôn ngữ, chắc chắn không ít thì nhiều, phải có.

Có thể nói, trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều phụ huynh Việt Nam đã tỏ ra cởi mở hơn trong việc chấp nhận những chàng rể hay cô dâu không phải người Việt Nam.

Chứ trước đó, việc chấp nhận dâu, rể là người ngoại quốc không dễ. Còn nhớ chuyện một bà bạn của tôi ở tiểu bang Texas hay gọi điện thoại cho tôi kể lể việc đứa con gái đi học ở tiểu bang miền Đông của mình. Cô gái này, sau khi ra trường, thú thật với cha mẹ là đã yêu một người bạn học Mỹ trắng và xin được đem chàng trai đó về nhà giới thiệu với cha mẹ.

Nghe tin này, cha cô giận lắm vì không ngờ cô con gái cưng cả gan “dám yêu một ngườI khác chủng tộc,” còn mẹ cô thì bật khóc vì thất vọng là con mình không yêu con trai của bạn bà, cũng là người Việt Nam, như ý bà hằng mong mỏi.

Cô con gái cũng khóc vì phản ứng của cha mẹ, và cả gia đình họ đã trải qua không biết bao nhiêu là cuộc cãi vã, giận hờn với nhiều nước mắt.

Ai cũng thấy mình có lý, một bên cha mẹ thì mong con mình yêu và lập gia đình với người cùng ngôn ngữ, cùng phong tục Việt Nam cho dễ thông cảm, vì họ cho rằng như thế đôi trẻ mới sống với nhau lâu dài được. Một bên cô con gái thì thấy mình bị cướp đi quyền tự do quyết định về cuộc đời mình, không được yêu và lấy người mình chọn và hợp tình, hợp ý với mình.

Cuối cùng, với sự khuyên nhủ của người thân, vợ chồng người bạn tôi bằng lòng gặp chàng trai ấy, và biết được anh ta hiền lành tốt bụng, con nhà tử tế và học thức, lại còn lễ phép và lịch sự. Chàng ta lại được thêm điểm thích các món ăn Việt Nam nữa, nên vợ chồng người bạn tôi dần dà chấp thuận.

Người bạn kể lại rằng sau vài lần gặp gỡ chàng rể tương lai dị chủng, vợ chồng họ bàn bạc và phân tích với nhau, rồi nhận ra là mình quá khắt khe với con, hiểu ra rằng việc họ chống đối mối tình của con thật là vô lý, chỉ vì họ muốn con gái sống theo cách mình muốn, mà không màng đến tình yêu và sự chọn lựa của con, chứ không theo sự chọn lựa của họ. 

Hiện cặp vợ chồng trẻ nói trên sống rất hạnh phúc và đã có với nhau hai mặt con. Mấy đứa trẻ được ông bà ngoại cưng và mê nữa, vì cha mẹ chúng dạy con  nói cả tiếng Anh và tiếng Việt để thỏ thẻ với ông bà.

Câu chuyện này chỉ là một thí dụ điển hình cho nhiều cuộc tình hay hôn nhân dị chủng với một đoạn kết đẹp, thế nhưng có nhiều cặp trai gái đã phải tranh đấu rất gay go với cha mẹ trong việc lập gia đình với một người không phải Việt Nam.

Họ phải trải qua bao nhiêu là đau khổ và ngang trái rồi mới được yêu nhau và sống cạnh nhau, nhất là nếu cô con gái hay chàng trai yêu phải một người có màu da đen chẳng hạn như người Mỹ đen hay Mễ Tây Cơ, Ấn Độ…

Đã có những cô gái hay chàng trai đành mang tiếng bất hiếu khi đi theo tiếng gọi của con tim và bị cha mẹ từ bỏ.

Tôi cũng biết không ít gia đình đã mất con vì không chấp nhận nàng dâu hay chàng rể mà con mình chọn lựa.

Đứa con trai duy nhất của một cặp vợ chồng tôi quen biết yêu một cô Mỹ da đen và dĩ nhiên, cậu gặp sự chống đối mãnh liệt của cha mẹ.

Thế nhưng, cậu nhất định lập gia đình và chung sống với cô gái ấy. Đến khi họ có một đứa con và khi cha mẹ cậu biết mình đã có cháu nội, thì ông bà ngỏ ý muốn thăm cháu. Tiếc thay, cô con dâu, tự ái vì trước đây từng bị họ chối bỏ,  nên đã không cho phép họ gặp con mình.

Lâu rồi không gặp, tôi không biết bây giờ họ đã giải tỏa được mối giận hờn lúc ban đầu để có được một gia đình êm ấm và đầy đủ gồm có ông bà, cha mẹ và cháu nội hay chưa.

Dĩ nhiên, đứng ở vị trí một phụ huynh đã trải qua kinh nghiệm của chính bản thân, khi có hai chàng rể ngoại quốc, tôi thông cảm với suy nghĩ của phần lớn cha mẹ người Việt Nam mình. Tôi hiểu tại sao chúng ta thấy buồn lòng vì không hiểu tại sao con mình không chọn người có nguồn gốc Việt Nam để thương yêu và lấy làm vợ hay chồng như ý cha mẹ mong muốn.

Thế nhưng, nếu chúng ta, vì yêu con, nên tôn trọng và cởi mở hơn trong việc đón nhận sự chọn lựa của con cái, vì “con tim có lý lẽ riêng của nó” thì sự cởi mở đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc đón nhận chàng rể hay cô con dâu có màu da khác làm thành viên mới của gia đình.

Thêm vào đó, tôi nghĩ mỗi con người có một phần số được xếp đặt bởi Thượng Đế.

Ví dụ như tôi biết chuyện một cô gái Việt kia sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng lại yêu và lập gia đình với một chàng trai gốc Đức qua Mỹ làm việc.

Tại sao cả mấy triệu người đàn ông trên đất Mỹ cô không chọn mà lại chọn một người ngoại quốc để lấy làm chồng?

Có phải là do định mệnh không? 

Do đó, chúng ta sẽ thấy trong cộng đồng Việt Nam của mình, nhiều đám cưới có cô dâu hay chú rể không phải là người Việt. Bên cạnh đó, đã có không ít gia đình đông con, dâu rể còn là một “hợp chủng quốc” mỗi người đến từ một xứ khác nhau.

Và hình như ai nấy đều vui vẻ cả.

Dĩ nhiên, cũng như bao nhiêu cuộc hôn nhân khác dù đồng hay dị chủng, đã có những cặp vợ chồng chung sống với nhau hạnh phúc, và có những cặp khác tan vỡ, dù họ đã từng yêu nhau tha thiết đến đâu đi nữa.

Chỉ có một điều lạc quan phải được ghi nhận là phần lớn những đứa trẻ mang hai dòng máu trông ngộ nghĩnh với cái đẹp phối hợp đặc biệt của hai giống người.
Không phải chỉ trong cộng đồng Việt Nam mới có sự kỳ thị chủng tộc trong việc lập gia đình.

Bà P, một người bạn gốc Mễ của tôi yêu ông R. là người Mỹ gốc Phi Châu nhỏ hơn bà ấy đến năm tuổi. Lúc đầu, khi được người yêu dẫn đến giới thiệu với gia đình, bà cũng bị gia đình ông R. tỏ vẻ kỳ thị vì bà là người Mễ.

Một thời gian dài sau khi họ lập gia đình với nhau, các người thân của chồng bà P mới dần dà đối xử tử tế với bà ấy.

Ngược lại, gia đình Mễ Tây Cơ của bà cũng không chấp nhận ngay ông R. khi biết được sự liên hệ của bà với một người Mỹ da đen.

Bà P cũng phải trải qua một thời gian đau khổ vì bị gia đình chống đối khi yêu một người khác chủng tộc, nhưng cuối cùng đã cùng ông R quyết đinh lấy nhau và họ sống hạnh phúc bên nhau đến nay hơn 30 năm, có hai con và bốn cháu nội ngoại.

Việc không chấp nhận sự khác biệt về màu da, phong tục xảy ra trong nhiều cộng đồng, chứ không phải chỉ có trong cộng đồng người Việt Nam mình.

Ở Việt Nam hồi xưa, tôi biết có những thiếu nữ tự tử hay phát điên vì bị gia đình ngăn cấm không cho lấy người mình yêu.

Và điều này thật là buồn.

Cuối cùng, chúng ta đều phải đồng ý là tình yêu phức tạp và khó hiểu khi chúng ta đặt câu hỏi vì sao cặp này hay cặp kia yêu nhau?
Câu trả lời có lẽ là người ta yêu nhau không cần lý do.

Chỉ khi quyết định xa nhau thì người ta mới tìm ra hàng trăm lý do để kể tội nhau, hay để bào chữa cho quyết định chia tay của mình.

Valentine’s Day đến rồi đi, nhưng tôi nghĩ những người yêu nhau vẫn tiếp tục yêu nhau trong những ngày tháng sắp đến.

Bất kể đối tượng có cùng màu da hay không.

Đúng với câu “Tình không biên giới!”

Cùng một tác giả:

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/nhung-lan-don-tet/

You may also like

Verified by MonsterInsights