‘Tình Khúc Từ Công Phụng’: Cuốn hồi ký bằng âm nhạc

by Tim Bui
‘Tình Khúc Từ Công Phụng’: Cuốn hồi ký bằng âm nhạc

KALYNH NGÔ

Với một nghệ sĩ, tác phẩm chính là cuộc đời của họ. Bởi một ca khúc, một áng văn, thơ là một một câu chuyện hoặc một đoạn đời họ trải qua. Không ít nghệ sĩ đã sớm để lại cho khán giả một quyển hồi ký để lưu lại một đời nghiệp dĩ.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng thế. Nhưng một nhạc sĩ như ông, đã chọn cách viết về đời mình đúng như sứ mệnh của ông ở cõi này: cuốn hồi ký bằng âm nhạc. “Tình Khúc Từ Công Phụng” là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của nhạc sĩ viết trước và sau 1975. Hồi ký này còn có bài viết do người thân và bằng hữu viết về ông, người nhạc sĩ tài hoa lớn lên trên vùng đất chang chang nắng và gió của miền Chăm.

“Cuốn sách này không phải âm nhạc thôi mà còn có những bài của bạn bè viết về tôi. Tôi muốn nhìn thấy những người đã đến với, trong nhiều lĩnh vực, khi còn có thể nhìn thấy nhau. Đây là mơ ước của tôi,” ông nói vào những ngày cuốn sách chuẩn bị đến với độc giả.

Thay vì cầm bút tự kể lại qua qua những bài ký, ông dùng toàn bộ tác phẩm sáng tác để hợp lại thành một bản giao hưởng nhiều chương của cuộc đời. Âm nhạc như một thứ ánh sáng xuyên qua con chữ, tạo nên âm điệu, hình dáng, sự kiện trên cuộc lữ hành mang tên nghệ thuật ông đã đi qua. 

“Những gì mà quý vị và các bạn muốn biết về tôi, tốt hơn và vô tư hơn, hãy để cho các bạn tôi trình bày về tôi trong quyển sách này với cái nhìn qua lăng kính của họ, trung thực hơn. Nửa thế kỷ trên bước đường tình ca, tôi hy vọng là đã mang đến cho quí vị và các bạn thưởng thức những dòng âm thanh từ những rung động của hồn tôi.” 

Ông cũng từng tâm từ rằng, loài người cũng chỉ một thời để sống và để chết, thì cũng nên hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời đã sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết. Do đó, tình ca là con đường ông đã chọn và cưu mang trong suốt cuộc đời nghệ thuật. Tình ca đối với ông như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại. Và cũng chính cái định nghĩa rộng lượng vô bờ bến về tình yêu mà ông đã theo đuổi sự “mặc khải” trong tình yêu, ngợi ca những gì đã có và độ lượng với cả những gì đã mất. Nếu có buồn giận, thì cũng chỉ rón rén dừng lại ở:

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi…”
(Bây giờ tháng mấy)

Bây giờ tháng mấy” là ca khúc đầu tiên ông sáng tác năm 1961. Thế nhưng, phải đến một thời gian sau, khi thành lập ban nhạc Ngàn Thông ở Đà Lạt, ông mới “có can đảm” hát tác phẩm của mình cho người nghe qua làn sóng phát thanh. Ông nói “Bây giờ tháng mấy” là một bản tình ca có mơ mộng, có hờn dỗi, có yêu thương, có cảm xúc bâng quơ nhưng rất ngọt ngào.

Nhạc tình của ông mang cái buồn nhẹ tênh. Người nghe như thoảng thấy cái buồn quấn quanh sự hờn dỗi mà ông giữ cho riêng mình. Rồi đến một lúc nào đó, ông nhẹ nhàng xin gửi vạn câu tình cũ lại cho đời.  Khi một khoảnh khắc đã qua, ông chỉ nhẹ nhàng xin tạ tình khi một ai đó một lần nữa đi thoáng qua cuộc đời.

Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn
Và lệ em rớt trên môi nhạt
Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời
(Mắt lệ cho người)

“Cho dù chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc đời, nhưng cuộc gặp gỡ ấy vẫn là đẹp. Dù có xa nhau, nhưng trong tâm tưởng của mình vẫn còn đó những kỷ niệm đẹp,” ông nhẹ nhàng nói.

Chính ông cho biết lý do ông đã chọn con đường tình ca để đi trong suốt cuộc hành trình âm nhạc của ông là tình yêu.

“Bởi vì không có khoảng thời gian nào đẹp hơn khoảng thời gian chúng ta có tình yêu, tình yêu gia đình, tình yêu bạn bè… và nhất là tình yêu đôi lứa. Người ta thường nghĩ tình yêu đôi lứa là một thứ tình yêu ủy mị, dễ làm chúng ta bi lụy và cuộc đời trở nên bi thảm. Tôi không nghĩ như vậy. Tình yêu đôi lứa là căn nguyên của mọi thứ tình yêu. Và khi chúng ta có tình yêu chúng ta không còn nghĩ tới hận thù. Mọi tha thứ đều nảy ra từ tình yêu. Từ đó tình yêu đã thăng hoa đời sống và làm nên giá trị con người.” 

Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một nhạc sĩ đặc biệt, bởi ông luôn là người trình bày ca khúc do mình sáng tác. Sau đó nếu có ai xin được hát thì ông mới gửi đi. Ông không ngần ngại tự cho rằng “tôi thấy tôi hát nhạc của mình là hay nhất.”

Vì nhiều người đã hát nhạc ông trong hơn 60 năm qua, nên không tránh được những sai sót trong ca từ, một điều “tối kỵ” của các nhạc sĩ. Đây là một lý do nữa cho sự ra đời của tuyển tập “Tình Khúc Từ Công Phụng.” Trong ấn bản hồi ký âm nhạc này, ông đã chỉnh sửa lại những ca từ mà người hát thường hát sai lời và sai cả nốt nhạc, dẫn đến sai hết cả ý nghĩa ông đã viết thành nhạc. 

Qua tuyển tập, ông cố gắng đính chính lại những lời hát sai từ lâu, để nếu mai này ông từ giã cõi đời, cuốn sách này như lời nhắc nhở ông dành cho khán giả và người yêu nhạc Từ Công Phụng.

Trong buổi ra mắt sách ở Little Saigon tháng Chín vừa qua, người nhạc sĩ phong trần, dáng đi không còn vững, nhưng vẫn tinh tường và dí dỏm khi trò chuyện với khán giả, cất tiếng hát bài “Khi tôi đến nơi đây.” Ông nói về những lỗi từ trong ca khúc mà người hát đã “vô tình” sửa lại. Theo thời gian, nó đã “đóng khung” vào tác phẩm.

“Trong bài Mắt Lệ Cho Người, có lời “Mưa soi dấu chân em qua cầu/Theo những cánh rong cưu mang niềm đau,…” đã bị sửa lại thành “Theo những cánh rong trôi mang niềm đau…” Hoặc cũng trong bài này có câu cuối “Đôi chúng ta rất buồn vàng câu tình cũ gởi vời theo đời,” bị sửa lại thành “Vạn câu tình cũ gởi lại cho đời.” Còn trong bài “Bây Giờ Tháng Mấy,”  có câu “Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi trách nhau một lời thôi …” đã bị sửa lại thành “Cách nhau một lần thôi…” và còn nhiều nữa.”
Do đó, 64 ca khúc in trong “Tình Khúc Từ Công Phụng” được trình bày rõ ràng, có cả hợp âm chi tiết. Đây là món quà ông để lại cho cuộc đời. Như lời ông nói: “Hỡi các bạn yêu âm nhạc, thơ văn, hãy đến gần với nhau, gìn giữ văn hóa Việt Nam, giữ những bản tình ca tồn tại mãi. Trong thế giới này không biết được khi nào hoàn mỹ, không định kỳ được, không bói toán được. Vì sao không đến với nhau khi còn sống?”

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights