Trái gấc và ngày Tết

by Tim Bui
Trái gấc và ngày Tết

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Dẫn nhập

Bên cạnh Dưa hấu, hạt Sen, và nhiều loại trái cây khác không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán, và những lễ hội truyền thống dân tộc Việt, gấc – một loại trái cây quý giá, không những luôn có mặt như một lễ vật trang trọng dâng lên trời đất, tổ tiên mà với màu sắc đỏ cam nồng thắm, gấc còn được xem là một biểu tượng tốt lành may mắn vào những dịp thành hôn, vu quy của những đôi vợ chồng son trẻ.

Theo các nhà thực vật học, thời gian trồng trọt gấc cần tám tháng mới có thể thu hoạch được, cho hoa vào mùa Hè và mùa Thu, sang đến mùa Đông thì cho quả chín. Có thể nói, gấc là một loại trái cây gắn liền với những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt nam. Hơn thế nữa, gấc còn là một dược thảo quý giá, đem đến rất nhiều ích lợi cho sức khỏe con người. 

Nguồn gốc, phân loại

Cho đến nay, chưa một công trình nghiên cứu nào ghi nhận gấc có mặt từ bao giờ trong đời sống con người. Dù hiện diện từ lâu tại các quốc gia Á châu, đặc biệt vùng Đông Nam Á, từ miền Nam Trung Hoa cho đến miền Đông Bắc nước Úc, tại Thái Lan, Lào, Miến điện, Cambodia, nhưng nhiều nhất lại ở Việt Nam. Có lẽ vì thế, nhiều tài liệu thực vật học cho rằng, quả gấc bắt nguồn từ Việt Nam. 

Tại Việt Nam, gấc có ba loại, được gọi là gấc nếp, gấc tẻ và gấc lai. Trái gấc khi chín có một màu cam đỏ cam rất đẹp, hình dáng tròn hoặc có hình thuôn, có chiều dài từ 13 đến 15cm, và đường kính khoảng 10cm, hạt thì luôn luôn có màu nâu hoặc màu đen, hình dẹp và có khía chung quanh. Vỏ gấc có nhiều gai, thịt quả gấc hơi ngọt và nhạt như quả dưa leo. Cho đến nay, gấc dường như luôn luôn được dùng để làm xôi gấc, có một hương vị rất riêng biệt và độc đáo.

Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã ghi nhận được những dưỡng chất thiên nhiên trong quả gấc có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe, chính vì thế mà trong vài thập niên gần đây, gấc đã được chế biến thành nước cốt dinh dưỡng, thành viên thuốc bổ, khá phổ biến, trên thị trường Á châu và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Chưa kể đến nhiều nơi, các nhà khoa học đã chiết xuất tinh dầu từ hạt gấc, đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe con người.

Trái gấc trong nhãn quan Đông y

Khi nói về trái gấc, Đông y chú trọng đến hạt gấc, còn có tên là Mộc Miết Tử, dùng ngoài da và bên trong cơ thể. Theo Đông y, hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, hơi có độc, có nhiều tinh dầu. Tinh dầu hạt gấc thường được dùng ngoài da để chữa các loại mụn nhọt độc, viêm da, hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da như mụn trứng cá, nám da, bệnh chàm, làm đẹp da và góp phần chống rụng tóc. Một vài nơi còn dùng hạt gấc tán bột để đắp chữa các chỗ chai ở bàn chân. 

Đông y cũng dùng rễ gấc và gọi đó là Phòng Kỷ Nam, trong khi đó, lá gấc được dùng chung với một dược thảo khác là lá tầm gửi để đắp ngoài da có tác dụng chống sưng. 

Tinh dầu gấc cũng có thể uống được, với tác dụng làm sáng mắt, tăng cường thị lực và làm chậm lại tiến trình lão hóa mắt,

Trái gấc trong nhãn quan Tây y

Người Tây phương thường ca tụng gấc là một loại trái cây đến từ thiên đường, có tên khoa học là Momordica Cochinchinensis, và gọi đơn giản là red melon – tạm dịch là dưa đỏ. Đó là một loại trái cây có đặc tính chống lão hóa cực mạnh, chứa nhiều Beta-carotene hơn cà rốt đến mười lần, chứa nhiều Lycopene hơn cà chua đến 70 lần, nhiều vitamin C hơn quả Cam 40 lần, nhiều Zeaxanthin hơn bắp vàng 40 lần. Ngoài ra, gấc còn hàm chứa vitamin F, nhiều khoáng chất và kim loại. Nhân của hạt gấc chứa hơn 50% các acid béo quan trọng, gần 17% các loại protein, 3% đường, và một vài enzyme, tức là các chất biến dưỡng. Hạt gấc chứa rất nhiều hóa chất thiên nhiên, nhưng cũng có độc tố, trong khi đó, màng bao bọc hạt gấc chứa tinh dầu, có thành phần chính là beta-carotene và lycopene. Vì thế, hạt gấc chỉ được chế biến để dùng ngoài da thôi. 

Có thể nói, nhận xét của Tây y không khác nhiều so với Đông y như sau:

Tăng thị lực: Làm chậm tiến trình lão hóa của mắt, với tác dụng làm sáng mắt, giảm bớt tình trạng khô mắt, giảm nguy cơ lão hóa mắt đưa đến bệnh cườm… Vì tinh dầu gấc hàm chứa rất nhiều vitamin A, và beta-carotene, có chức năng bảo vệ và chống lão hóa cho mắt.

Làm đẹp da và tóc: Chống nám, chống mụn trứng cá, chống lão hóa cho làn da, giảm nguy cơ tổn thương da do ánh nắng mặt trời, và các lý do khác như tuổi tác, căng thẳng… do hàm chứa nhiều beta-carotene, lycopene và vitamin E, đồng thời chống tình trạng rụng tóc.

Giúp giảm cân: Hạ cholesterol, quân bình lượng đường trong máu do hàm chứa nhiều chất béo thiên nhiên.

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, viêm Gan, tăng cường sức mạnh của hệ miễn nhiễm: Tinh dầu gấc cũng hàm chứa chất Curcumin, có khả năng tăng cường sức đề kháng, cô lập và loại trừ các phân tử gốc tự do, vốn là mầm mống gây ra bệnh ung thư. Do hàm chứa rất nhiều Lycopene, như đã nói ở trên, nhiều hơn cà chua đến 70 lần, chưa kể đến vitamin E và nhiều hóa chất thiên nhiên có khả năng vô hiệu hóa đến 75% các độc tố gây ra bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú…. Giảm nguy cơ viêm gan, xơ gan, giúp tế bào gan tránh được những tổn thương do độc tố từ các hóa chất, ví dụ như thuốc trừ sâu, hay các hóa chất kỹ nghệ.

Tác dụng hỗ trợ tim mạch: Tinh dầu Gấc có khả năng hạ cholesterol xấu, giúp thành mạch máu bền vững, giảm nguy cơ Tai biến mạch máu Não, và giảm nguy cơ Trụy Tim.
Tác dụng nhuận trường, chống táo bón

Giúp ngủ ngon và chống trầm cảm:  Gấc có thể giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon hơn vì chứa nhiều vitamin C và Folic acid (B9). Đồng thời, vì gấc chứa đựng nhiều Selenium, một loại hóa chất thiên nhiên giúp củng cố hệ thần kinh, giải tỏa tình trạng trầm cảm kéo dài. 

Ngoài ra, tinh dầu gấc còn có thể được sử dụng trong các món ăn như cá kho, thịt kho, thêm vào sữa hay các món cháo, vừa để đẹp mắt, vừa giúp tăng cường sức khỏe cho trẻ em, hoặc dùng trong các món ăn nhanh như mì gói, làm phẩm màu trong bánh kẹo, thay cho các loại màu hóa học, giúp an toàn cho sức khỏe.

Cách sử dụng tinh dầu gấc

Chống lão hóa mắt: Khi mắt rơi vào tình trạng lão hóa, bị khô, bị ngứa, chảy nước mắt sống, giảm thị lực do tuổi tác hay vì một nguyên nhân nào khác, làm giảm cơ hội mắc bệnh cườm (cataract). Để chống lão hóa mắt, chúng ta có thể dùng hai muỗng cà phê tinh dầu gấc, trộn vào thức ăn hay uống mỗi ngày một lần.

Làm đẹp da, bồi bổ mái tóc: Tinh dầu gấc có thể được xem là một mỹ phẩm thiên nhiên thật quý giá cho làn da và mái tóc. Mỗi ngày, chúng ta có thể dùng tinh dầu gấc thoa lên da mặt, sau khi đã làm sạch da, khoảng 30 phút sau có thể rửa mặt bằng nước ấm, đó là một phương cách dưỡng da tuyệt hảo. Chúng ta cũng có thể thoa lên các vết nám da để trị Nám, thoa lên môi để chống khô và nứt nẻ.

Ngoài ra, thịt trái gấc chín cũng có thể làm mặt nạ bằng với một lượng vừa đủ, thêm vào một vài giọt nước cốt chanh, tán nhuyễn rồi phết lên da mặt, sau 30 phút rửa mặt bằng nước ấm. Công thức này bảo vệ và chống lão hóa cho làn da rất hiệu quả.

Tăng cường sinh lực, duy trì chức năng gan, giảm nguy cơ mắc phải các bệnh nan y, quân bình lượng đường huyết: Mỗi ngày uống từ một đến hai muỗng cà phê tinh dầu gấc sẽ giúp gia tăng sức mạnh của hệ miễn nhiễm, chống lão hóa tế bào và giúp điều hòa lượng đường huyết.

Trẻ em chậm lớn, nhất là có thị lực yếu, từ sáu tuổi trở lên cũng có thể dùng tinh dầu gấc để bồi bổ mắt, duy trì sức tăng trưởng và nâng cao sức đề kháng, mỗi ngày hai lần trước mỗi bữa ăn, mỗi lần từ ba đến năm giọt tinh dầu mà thôi, trong khi trẻ em trên mười tuổi có thể dùng từ năm đến mười giọt mỗi ngày, chia làm hai lần.

Riêng người lớn có thể dùng từ 20 đến 25 giọt mỗi ngày chia làm hai lần. Và dù là trẻ em hay người lớn, hãy nhớ là không nên dùng tinh dầu Gấc lâu hơn 15 ngày, sau đó hãy ngưng 15 ngày rồi lại tiếp tục 15 ngày và cứ như thế.

Vài lưu ý quan trọng


Trong việc sử dụng gấc, chúng ta cần lưu ý:

Không dùng tinh dầu gấc quá liều quy định, và lâu hơn 15 ngày, vì có thể dẫn đến tình trạng thặng dư vitamin A, gây ra chứng nhức đầu, mệt mỏi, da khô và rối loạn kinh nguyệt ở phái nữ. Với trẻ em cũng vậy, cho các cháu dùng quá liều và quá lâu sẽ khiến các cháu chậm phát triển, và còi xương. Cách dùng an toàn nhất, xin nhắc lại, chỉ nên uống 15 ngày liên tiếp, sau đó ngưng 15 ngày, rồi tiếp tục như thế.

Chỉ dùng múi gấc và hạt gấc, không dùng phần nào khác bên trong trái gấc, vì các phần này chứa độc tố. Tuy nhiên, hạt gấc cũng hàm chứa độc tố, nên chỉ được dùng ngoài da, ngoại trừ phần tinh dầu. 

Tinh dầu gấc cần để xa tầm tay trẻ em, không để tinh dầu vướng vào mắt hoặc các vết thương hở ngoài da. Nên lưu trữ tinh dầu gấc trong chỗ mát và khô ráo, đậy nắp kín và hãy loại bỏ khi có mùi vị khác lạ hay mầu sắc bị biến đổi.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights