Trái thơm qua nhãn quan y học

by Tim Bui
Trái thơm qua nhãn quan y học

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Dẫn nhập

Trái thơm có nguồn gốc từ vùng Caribe, và Nam Mỹ. Trái thơm là tên gọi của người miền Nam, người miền Bắc gọi là quả dứa, tên khoa học là Ananas comosus, tiếng Anh gọi là Pineapple.

Sở dĩ có cái tên pineapple, vì nếu như chúng ta để ý sẽ thấy, trái thơm có hình dáng tương tự như một quả thông hình nón – gọi là pine cone, bên cạnh đó lại có hương thơm của một quả táo nên được gọi là pineapple.

Nhà thám hiểm Christopher Columbus chính là người đã tìm thấy trái thơm trên một hòn đảo của Guadeloupe vào cuối thế kỷ thứ 15, năm 1493. Ông đặt cho nó một cái tên là “pine of the Indians – quả thông của người da đỏ”. Sau đó, ông đã đưa thơm về trồng tại Tây ban nha, đồng thời giữ trên tàu để chữa bệnh Scurvy cho các thủy thủ (scurvy là một căn bệnh do thiếu vitamin C). Nói một cách khác, Christopher Columbus là người đã đưa trái thơm đến với thế giới. Ông cũng là nhà thám hiểm đầu tiên ghi nhận về trái thơm trong nhật ký hành trình của mình.

26 năm sau, một nhà thám hiểm khác tên là Magellan, là người thứ hai ghi nhận về trái thơm ở Brazil vào năm 1519. Nhưng phải đến 36 năm nữa, tức là vào năm 1555, loại trái cây hấp dẫn này mới được du nhập vào Anh quốc, sau đó nhanh chóng lan đến Ấn độ, các quốc gia vùng Á châu, miền Tây Ấn, và nhiều nơi khác như Phi châu…                

Vào giữa thế kỷ thứ 18 – năm 1751, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông George Washington, sau khi nếm thử trái thơm trên hòn đảo Barbados, đã tuyên bố, thơm là một loại trái cây miền nhiệt đới mà ông thích nhất. Lúc đó, dù trái thơm vẫn còn rất hiếm hoi với đa số người Hoa Kỳ, nhưng cũng đã được trồng tại tiểu bang Florida.

Cho đến nay, thơm đã được người Hoa Kỳ biết đến nhiều, và cũng được trồng nhiều tại tiểu bang Hawaii. Một tài liệu thống kê vào năm 2009 cho biết, các quốc gia sau đây có sản lượng thơm cao nhất theo thứ tự từ nhiều nhất đến ít nhất là: Phi luật tân, Thái lan, Costa Rica, Indonesia, Chile, Brazil, India, Nigeria, Mexico, Việt Nam, Columbia, Malaysia.

Trái thơm trong nhãn quan Đông y

Theo khoa dinh dưỡng Đông y, thơm có vị chua và ngọt, tính mát, tác dụng trực tiếp vào can, phế, tỳ vị. Theo kinh ngiệm dân gian cũng như chuyên khoa, thơm có tác dụng giải nhiệt, chống đau, chống viêm – đặc biệt là viêm họng, chống say sóng (khi du hành bằng đường thủy), có khả năng tẩy giun đường ruột, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho các phương thức trị liệu bằng thuốc men đối với các bệnh đường sinh dục.

Tại Phi châu, người ta dùng nước cốt nấu từ vỏ thơm và rosemary, xức lên chỗ bị Trĩ, và người da đỏ đã dùng lá để sắc lấy nước, thành một loại thuốc điều kinh, thuốc xổ và thuốc tẩy giun. Sau đây là vài phương thuốc đơn giản, có trái thơm là vị thuốc chính, trị bệnh rất hiệu quả:

Trị Viêm phế quản do nhiệt độc:

Thịt trái thơm: 100 gram, Tỳ bà diệp: 12 gram, Đại thanh diệp: 12 gram, Hạn liên thảo: 8 gram, Cát cánh: 8 gram. Sắc 3 chén nước còn 1 chén. Mỗi ngày uống 1 chén. Liệu trình từ 3 ngày đến 6 ngày liên tiếp.

Tiểu tiện nóng rát và gắt, do nhiệt độc: Thịt trái thơm:100 gram, Rễ tranh: 12 gram, Bồ công anh: 12 gram. Sắc với 3 chén nước còn 1 chén. Mỗi ngày uống 1 chén. Liệu trình 3 ngày đến 6 ngày liên tiếp.

Đến đây, người viết xin lưu ý về một phương thuốc dân gian khác, dùng trái thơm kết hợp với phèn chua trị sỏi Thận. Mặc dù trái thơm có tác dụng tốt trên sỏi Thận, nhưng phèn chua, còn có tên là Kali Alum, là một khoáng chất sulfat kép của Kali và Nhôm, có nguồn gốc từ thiên nhiên, bị cấm xử dụng để chế biến thức ăn tại Hoa Kỳ, vì có khả năng gây ra một số bệnh ung thư và nan y khác, nên chúng ta tránh không nên dùng công thức này để trị sỏi Thận.

Trái thơm trong nhãn quan Tây y

Dựa trên các kết quả phân tích của phòng xét nghiệm, trái thơm  hàm chứa các vitamin sau: Vit A, B1, B2, C, PP, E và các dưỡng chất khác như: Glucid, Protid, Calcium, Iron, Phospho…Ngoài ra, thơm còn có một enzyme rất quan trọng là Bromelin. Đó là một chất men biến dưỡng, có tác dụng chuyển hóa các protein trong thịt thành các amino acid. Chính tác dụng này đã làm cho các loại thịt nấu chung với thơm mau mềm đi, như thịt bò, heo, gà chẳng hạn.

Nhưng không chỉ thế, trong Tây y, bromelin còn được xem là một thành phần quan trọng trong các loại thuốc chống viêm nhiễm và phù nề do chấn thương, điều trị các tổn thương ở gân (tendon) do té ngã hay do va chạm, đồng thời cũng được sử dụng để gia tăng sự phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật.

Đặc biệt là tại một số quốc gia Âu châu như Pháp, Đức, bromelin còn được dùng phối hợp với các loại thuốc chống viêm cuống Phổi hoặc viêm Phổi. Theo một tài liệu của bác sĩ Phó Thuần Hương, trong lãnh vực Nha khoa, để chống đau, chống sưng, người ta còn khuyến khích bệnh nhân uống mỗi ngày một ly nước thơm ép (pineapple juice) trong vòng 15 ngày liên tiếp.

Vài lưu ý quan trọng

Một số công trình nghiên cứu còn cho thấy là các enzyme trong trái thơm có thể làm tan được các cục máu đông, đề phòng được chứng tắc nghẽn động mạch vành ở Tim, và giảm thiểu các nguy cơ tử vong khác vì bệnh Tim.

Theo một báo cáo y khoa, dùng nước thơm ép mỗi ngày sẽ giảm được 18% nguy cơ tử vong do heart attack (trụy Tim). Trong trường hợp này, nước thơm ép tác dụng không khác gì các loại thuốc chống đông máu, làm loãng máu như Coumarin, Warfarin. Nhưng cũng chính vì thế mà những ai đang bị xuất huyết bao tử hay các chứng nội xuất huyết khác thì không nên ăn, vì thơm có tính mát, có vị chua, có nhiều vitamin C, và nhiều enzyme làm loãng máu, nên khi bị tiêu chẩy, hay bị kiết lỵ ra máu, chúng ta tránh không dùng thơm.     

Một số trường hợp ngộ độc thơm đã xẩy ra, do một loại nấm độc tên là Candida Tropicalis thường thấy ở những nơi ẩm thấp. Vì thế, chúng ta tránh không ăn những trái thơm bị dập nát vì nấm có thể đã xâm nhập vào bên trong rồi.         

Các triệu chứng ngộ độc thường xẩy ra sau khi ăn thơm khoảng nửa giờ đồng hồ, với các triệu chứng ngứa toàn thân, nhức đầu, đau bụng, tiêu chẩy, thậm chí hạ huyết áp…Không may gặp trường hợp này, chúng ta cần vào nhà thương ngay. Để đề phòng ngộ độc, cách tốt nhất là chúng ta chỉ ăn những trái thơm còn tốt, chưa bị dập phần ngoài.                                                              

Cũng đừng bao giờ ăn những quả thơm chưa chín, còn non. Vì lúc đó, trái thơm có khá nhiều độc tố, có thể dẫn đến trụy thai cho các sản phụ, tác dụng như một loại thuốc xổ cực mạnh, hoặc nhẹ nhất cũng làm ngứa cổ họng. Chúng ta cũng không nên ăn phần lõi, vì phần này có nhiều chất xơ, có thể tạo nên những khối xơ tròn gây tắc nghẽn trong đường ruột.           

Ngoài những lưu ý kể trên, trái thơm đem đến cho con người nhiều ích lợi quan trọng, và tất nhiên, là một loại trái cây giải khát có hương vị độc đáo, đặc biệt trong những ngày Hè.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights