“Trang nhật ký” Bắt nhịp Boléro

by Vy Trần

Trước khi bắt nhịp Boléro ca khúc “Trang nhật ký” của Hoàng-Trọng, tôi xin nói một chút về Tango của ông.

Hoàng-Trọng tên thật là Hoàng-Trung-Trọng

-Sinh 1922 tại Hải-Dương
-Qua đời năm 1998 tại Hoa-Kỳ
-Nghề nghiệp: Nhạc sĩ sáng tác.

Nhạc sĩ Hoàng-Trọng sáng tác nhiều thể loại, riêng về Tango thì người nghe và hát nhạc Tango thì bao giờ cũng nhớ đến ông. Tuy nhiên, ông cũng không quên viết bài “Trang nhật ký” giai điệu Boléro sang trọng và thật khó quên.

Xét riêng về Tango, Hoàng-Trọng là ông vua Tango với đúng nghĩa của nó, có thể nói Hoàng-Trong là thiên tài Tango, ông bước hiên ngang lên “Đường lên đỉnh Tango”. Hơn nửa thế-kỷ đi qua, từ chiến-tranh cho tới hòa-bình, chưa có một nhạc sĩ nào soán ngôi ông. Hoàng-Trọng là một tượng đài Tango sừng- sửng trong lòng người nghe và những bài hát Tango đồ-sộ trong gia tài âm nhạc Việt Nam.

Cuộc đời sáng tác nhạc của ông, chỉ nói riêng Tango thôi, ông có đến 30 bài Tango, mà bài nào cũng hay, cũng đi vào lòng người nghe, một con số phải nói là “khủng-khiếp”, là “kinh-khủng”, là quá sức tưởng tượng. Nếu có giải thưởng Nobel về Tanggo, Hoàng-Trọng sẽ nhận giải chớ không ai khác! Và nói riêng ở Việt-Nam, nhưng nói chung toàn thế giới, có nhạc sĩ nào viết được 30 Tango như Hoàng-Trọng không? Nếu có ai đó dịch Tango Hoàng-Trọng ra lời Anh, Pháp… thì chắc chắn rằng, Tango Hoàng-Trọng nổi tiếng khắp thế-gới?

Điều đặc-biệt, nhạc Hoàng-Trọng tìm đỏ con mắt, không có bài nào “chính chị” mà toàn là “chính em”!

Hoàng-Trọng còn chép tay những bài hát của ông có ghi năm sáng tác, quả là thận trọng, và những ai hát nhạc ông đều biết ông viết bài này năm nào.

Tôi cũng chép tay nhạc, chép tặng bạn gái, chép gởi báo… Nhưng so với nhạc sĩ Hoàng-Trọng thì… tôi thua xa!

Tôi may mắn được ca sĩ Tâm-Vấn tặng một tập nhạc chép tay do chính Hoàng-Trọng chép. Gồm 148 bài, đủ thể loại… Và tập II “Những Tình khúc nhịp điệu Tango” (bản đánh vi tính) và tiếc rằng, tôi không có tập I. (Và mới đây nhạc sĩ Hoàng-Nhạc-Đô, con của Hoàng-Trọng cũng đã gởi biếu tôi mấy tập nhạc chép máy rất đẹp của ba anh.

Trong tập nhạc chép tay, trang đầu có đăng hình ông và đoạn mở đầu như sau:

“Âm nhạc là một nghệ thuật dùng Âm Thanh để bày tỏ tư tưởng… là nghệ thuật hòa hợp Âm Thanh một cách xuôi tai để diễn tả tình cảm…

Đây lưu niệm một số hình ảnh của những âm thanh đã từng xuất phát tự đáy tim mà tôi đã ghi lại trong khuôn khổ những ca khúc nhỏ bé này từ ngày tôi mới sơ hiểu về Âm Nhạc tới giờ”. (Ký tên và đề ngày 18.6.1987).

Và một ngày ngoài Tanggo, tôi nhớ “Trang nhật ký” được Hoàng-Trọng sáng tác năm 1962 mang giai điệu Boléro, và nó nổi như cồn cũng từ năm đó.

Nghe “Trang nhật ký”, tôi tiếc quá, ngày xưa nếu tôi ghi nhật-ký, thì ngày nay tôi có nhiều chuyện “Trong nhà ngoài phố” để viết.

Mấy năm gần đây, có không ít “người của công chúng” nhờ nhà văn, nhà báo viết giùm “nhật-ký” của một thời thanh-xuân, nổi tiếng của mình. Tuy nhiên, có những chuyện tưởng hay, nhưng gợi lại những chuyện cũ, nhất là chuyện tình yêu, chuyện ăn chơi, đã làm “ngượng” không ít “người trong cuộc” của một thời dĩ-vãng, vì hiện tại họ đã sống rất yên vui, hạnh-phúc. Cũng có người ngày xưa tự hào là có nhiều đào kép, xài tiền xả láng. Ngày xưa xả láng hả, thì ngày này nghèo mạt rệp thì ráng mà chịu nghe… “moa”?

Còn “Trang nhật ký” của Hoàng-Trọng thì sao?

Gamme Ré thứ buồn, gõ Boléro buồn, “Trang nhật ký” mang hai lời ca cũng buồn.

Lời I:

… Nhiều khi tôi ngồi bên trang nhật ký
Lắng xuôi tâm tư về bao tháng năm xa mờ
Lòng dâng lên niềm thương không bến bờ
Còn kiếm đâu được thời học sinh sống nên thơ
Nào khi lên trường trong bao chiều nắng
Bước đi bên nhau cầm chung nón che đôi đầu…”

ĐK:

…Có đâu ngờ
Ai se duyên tơ
Ai làm cho tan giấc mơ”…


Lời II:

… Giờ đây âm thầm bên trang nhật ký
Lắng xuôi tâm tư hoài mơ bóng ai xa mờ
Và im nghe thời gian đi ngỡ ngàng
Lòng vấn vương gì mà buồn khi bước sang ngang
Một khi yêu dù xa nhau ngàn lối…”

Thời còn đi học là một thời đẹp đẽ biết bao! Chúng tôi quý thầy, mến bạn. Những mối tình “học sinh” ở cuối lớp, đầu cổng… đã ghi lại những trang “Nhật ký trong tân hồn” của một dĩ-vãng nhiều mộng mơ.

“Trang nhật ký” gõ Boléro qua tiếng hát ca sĩ Hương-Lan, một giọng ca “không làm dáng”, ngọt như đường phèn, trong suốt như pha-lê, mát như nước suối chảy qua khe đá. Hương-Lan hát Boléro không “khoe giọng”, buồn, như nghe tiếng cu cườm gáy buổi trưa, vui như chim hót sớm mai, xa ngân như tiếng chuông lúc hoàng hôn…

Tôi, một tín đồ Boléro, và trong “Trang nhật ký” Boléro này, thời gian và Boléro như một vết hằn khó quên:

… Thời gian qua niềm thương không úa mầu
Nhật ký nay còn mà người cũ đi về đâu?…”

Âm nhạc làm cho con người ta gần nhau, thương yêu nhau hơn, hòa hợp nhau hơn. Tại sao không có “Con đường âm nhạc Tango” dành cho nhạc sĩ Hoàng-Trọng?

TRẦN HỮU NGƯ

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights