Trên đầu ngọn sóng

by Tim Bui
Trên đầu ngọn sóng

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Nhân dịp đầu năm, tôi xin kể một câu chuyện về kinh nghiệm sống ở nước Mỹ, như một món quà lạc quan để quý độc giả giải trí trong những ngày Xuân.

Tôi may mắn vượt biên thành công và được định cư ở Mỹ vào cuối năm 1982. Ở Việt Nam, tôi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ban Toán và ra trường dạy trung học cấp Ba được hai năm, cho nên khi qua Mỹ, tôi cũng “oải” việc học tập lắm. Mộng ước khiêm nhường, những mong kiếm được một công việc cu li nào đó để kiếm ra tiền sinh sống nơi xứ người. Nhưng vào những năm đó, nước Mỹ đang bước vào giai đoạn khủng hoảng, mà sau này khi sống ở đây đủ lâu và có cơ hội học hỏi thêm, tôi mới biết là cứ độ mười năm, một quốc gia theo kinh tế thị trường, điển hình như nước Mỹ, phải trải qua một vài năm kinh tế đi xuống như vậy. Thành ra, đối với một người tỵ nạn mới qua, với tiếng Anh bập bẹ, không có nghề nghiệp rõ ràng, và không có một chút kinh nghiệm làm bất cứ công việc gì ở một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản, kiếm ra một công việc thật không phải dễ dàng như tôi tưởng.

Tôi thật sự không có một lựa chọn nào khác ngoài việc đi học một nghề nào đó. May mắn cho những người tị nạn như tôi, chính phủ Mỹ có một chính sách giúp đỡ cho những người đi học mà có lợi tức thấp (dĩ nhiên là tụi tôi hội đủ mọi điều kiện). Chính sách đó bao gồm: cho tiền đóng học phí, cho vài trăm tiêu xài, cho tiền mua sách vở, giúp cho một việc vừa học – vừa làm, rồi còn giúp cho mượn vài ngàn đô không tính tiền lời cho đến lúc ra trường mới trả. Lúc đó trong xã hội Mỹ có câu châm ngôn: “if you are out of job, and you are not in school, you should be shot” (nếu như anh không có việc làm, mà anh lại không đi học, thì anh đáng bị bắn). Vì không muốn bị “bắn,” tôi đã chọn học chương trình hai năm, ngành Điện tử. Sau khi ra trường, kỳ này thì trình độ tiếng Anh có khá hơn, lại có bằng hai năm, chỉ là chưa có kinh nghiệm trong nghề Điện tử, tôi lại lăng xăng đi xin việc. Nhưng có lẽ “sự nghiệp” của tôi không phải dừng lại ở đây, nên nhiều lúc tưởng rằng công việc cán sự Điện tử đã nằm trong tầm tay, tự nhiên lại vuột mất.

Rồi để được tiếp tục những quyền lợi của một người sinh viên đại học, tôi lại “phải” đi học. Kỳ này tôi thấy nghành Điện toán khá mới mẻ và hấp dẫn, tôi theo học thêm hai năm nữa để lấy bằng kỹ sư Điện toán. Rút kinh nghiệm thất bại trong những lần xin việc trước, tôi nghiệm ra rằng: “đa số công ty đều kiếm những người biết tiếng Anh rành rẽ, hiểu về sản phẩm của họ làm, và có ít nhiều kinh nghiệm trong công việc mà họ định mướn. Tục ngữ có câu: “biết người – biết ta, trăm trận – trăm thắng.” Hiểu được như vậy, cho nên trong thời gian học, tôi chuẩn bị khá chu đáo về tiếng Anh, tôi cố gắng lấy điểm cao trong ngành học, và quan trọng hơn nữa là xin việc làm trong ngành Điện toán để lấy chút kinh nghiệm. Ra trường không lâu sau thì tôi kiếm được một công việc viết chương trình Điện toán khá vừa ý.

Xuất thân từ một gia đình buôn bán ở Việt Nam, tôi sớm có cái nhìn vào những ngành nghề khác nhau có mức độ thu nhập như thế nào. Thời điểm đó, vào khoảng năm 1988, thành phố San Diego – nơi tôi ở, chỉ có vài vị đại gia qua Mỹ từ năm 1975, được mọi người Việt ở đó xem là thành công nhất. Một vị làm nghề địa ốc, một vị là bác sĩ, và còn vị kia là chủ một siêu thị Việt Nam. Qua những hình ảnh đó, tôi nhanh chóng nhận ra rằng, cái công việc mà tôi đang làm mỗi ngày chỉ kiếm được bạc đồng, bạc chục; còn các vị danh gia kia mỗi ngày có thể kiếm được bạc ngàn. Nhưng tôi vẫn muốn đi làm để xem cái “job kỹ sư” ở Mỹ này nó như thế nào. Vào năm 1989, mẹ tôi sau một cơn bạo bệnh đã mất tại Việt Nam, tôi không kìm hãm được sự thương tiếc đã vội vã về Việt Nam để dự đám tang của mẹ, mặc dù lúc đó chính phủ Mỹ và Việt Nam còn gây cấn lắm. Hậu quả của chuyến đi là tôi bị mất việc. Tôi có cố gắng xin lại một việc khác, nhưng không hiểu sao, chẳng thấy hãng nào nhận. Thế là sau hai năm hành nghề kỹ sư Điện toán, tôi bị buộc phải suy nghĩ lại về sự nghiệp của mình.

Hoàn cảnh đã dẫn dắt tôi vào con đường tài chánh. Tôi bắt đầu bằng đi bán bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ. Hàng ngày tôi phải đi kiếm lead (danh sách những người Việt mà mình nghĩ có thể có nhu cầu mua bảo hiểm), làm những cú cold calling (gọi điện thoại cho họ xin được gặp mặt để giới thiệu chương trình bảo hiểm), và cuối cùng thì làm cái gọi là presentation (đến nhà khách hàng giải thích sự ích lợi của chương trình bảo hiểm để thuyết phục họ mua). Thường thì lead bắt đầu bằng những người thân trong gia đình như là anh em ruột, anh em họ, chú – bác – cô – dì, bạn bè của mình, rồi đến thân nhân của họ. Tôi làm được một năm, thì lead của tôi bắt đầu cạn. Tôi nghĩ rằng muốn có lead thường xuyên, thì phải làm sao cho khách hàng tự đến kiếm mình, thay vì mình đi kiếm họ. Tôi thấy ở Mỹ, mỗi năm ai cũng phải đến những văn phòng kế toán chuyên nghiệp để khai thuế. Thế là tôi lấy bằng kế toán – thuế vụ, trước là làm kế toán cho các tiệm buôn, rồi khai thuế lợi tức cho khách hàng, sau đó thì “dụ” họ để bán các loại bảo hiểm.

My philosophy (triết lý của tôi), lúc đó rất đơn giản. Với những dịch vụ tôi có thể cung cấp bao gồm làm kế toán cho các tiệm buôn, khai thuế lợi tức cho cá nhân và gia đình, bán bảo hiểm các loại, tôi chỉ cần khoảng 300 khách hàng, mỗi khách hàng chỉ cần đến văn phòng tôi một lần trong năm, và tôi chỉ cần bỏ ra không quá hai tiếng đồng hồ mỗi ngày là tôi có thể kiếm được mười đô trên mỗi đầu người hay 30 chục ngàn một năm, bằng lương kỹ sư lúc đó. Thử nghĩ xem, nếu như tôi có thể gầy dựng được cỡ 1.000 khách hàng là tôi sẽ hốt bạc. Sau này dịch vụ của văn phòng tôi được mở rộng thêm với các quỹ hỗ tương của chứng khoán và các chương trình hưu trí liên quan đến chứng khoán. Vì nhu cầu để phục vụ khách hàng lớn, tôi phải trở lại trường để lấy bằng kế toán chuyên nghiệp – tương đương với bằng cử nhân. Rồi sau đó, tôi lấy thêm bằng master (thạc sĩ) về kế toán và quản trị xí nghiệp.

Qua việc làm trong ngành tài chính này, tôi thấy rằng có rất nhiều người  di dân không có ăn học bao nhiêu, chẳng hiểu mấy về luật lệ, và với chút tay nghề như nấu ăn, sửa xe, hoặc với một cái bằng Nails (thợ làm móng tay) học chỉ có ba tháng mà dám nhảy ra mở tiệm và kiếm được bạc triệu. Thật quả đúng với cái câu trong bài quốc ca của Mỹ: “the land of the free and the home of the brave” (xin dịch là: là đất của những người tìm tự do và là nhà cho những ai can đảm). 

Người di dân ở Mỹ rất đa dạng. Người Lào có vẻ là ít bon chen nhất, chỉ đi làm công và “đẻ con.” Người Miên thì thường mở tiệm bán donut và cà phê Mỹ (donut là loại bánh ngọt ăn buổi sáng ở Mỹ: ngon lắm nhưng hơi béo vì dùng nhiều bơ và dầu ăn). Người Thái thì thích mở nhà hàng Thái. Người Philippines không có nhiều thương nghiệp, đa số là từng phục vụ trong quân đội Mỹ khi giải ngũ thì làm trong các công sở Mỹ, và những người di dân khác thì hành nghề y tá. Người Trung Đông thích mở cây xăng và tiệm bán các loại rượu. Người Tàu di dân từ các thế hệ trước thì quanh quẩn buôn bán trong cộng đồng của họ ở những Chinatown (phố Tàu) mà hầu như thành phố lớn nào cũng có. Riêng người Việt thì tính đến nay (năm 2024) có hơn hai triệu người sống trên đất Mỹ. Họ có mặt hầu như trong mọi lĩnh vực từ khoa học gia, tham dự chính quyền và làm việc trong quân đội Mỹ lên đến cấp tướng, không thiếu gì bác sĩ – nha sĩ – dược sĩ, luật sư, giáo sư, kỹ sư, kế toán gia, chủ các cơ sở thương mại từ nhỏ đến lớn. Một điểm đặc biệt có thể nói là khoảng 50% tổng số dân Việt hoạt động trong ngành Nails, hiện nay phỏng tính có khoảng mười ngàn tiệm Nails lớn nhỏ làm ăn khắp nơi trên nước Mỹ.

Dù là sắc dân nào đi nữa, dù làm loại thương nghiệp nào đi nữa, tôi có nhận xét rằng, ba yếu tố chung mà các doanh nghiệp thành công đều có là: 1) Có đủ tiếng Anh để giao thiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam, không rành tiếng Anh mấy, đã nhờ đến con cái của họ hỗ trợ, thành ra họ cũng chẳng thấy có vấn đề gì trong việc giao tiếp với khách hàng. 2) Có nghiệp vụ vững chắc: nấu ăn ngon, sửa xe giỏi, hay làm ra bộ móng tay đẹp. Những kỹ năng này, nếu bỏ ra chút tâm huyết, thì càng ngày tay nghề của mình sẽ càng tinh tiến hơn. 3) Phục vụ khách hàng đúng mức: vui lòng khách đến – vừa lòng khách đi, luôn luôn sẵn sàng với một nụ cười; đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết. Những doanh nghiệp bê bối như là nấu ăn không hợp vệ sinh, sửa xe nói thay đồ mới nhưng lại dùng đồ cũ, hoặc làm ăn chụp giựt thì sớm muộn cũng đóng cửa như câu người ở Mỹ thường nói: “Tưng bừng khai trương – âm thầm dẹp tiệm.”

Trong số những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ, chủ nhân đầu tiên là người gốc Anh. Những người này là đại biểu chính của dân Mỹ, họ có mặt trong mọi lĩnh vực. Người Mỹ gốc Phi châu (người da đen) thì nổi tiếng trong giới thể thao và lĩnh vực âm nhạc. Người Mỹ gốc Ý từng nổi tiếng với những ông trùm Mafia ngày xưa thì giỏi trong nghề buôn bán và xuất nhập cảng. Người Mỹ gốc Mễ thì chất phác nhất, họ không có nhiều tham vọng như những sắc dân khác. Họ có nhiều đóng góp trong ngành xây dựng nhờ có sức khỏe tốt. Họ không lo nhiều cho ngày mai, hễ kiếm đủ thì họ “party” –  nhậu nhẹt, vui chơi, hay về thăm quê ở Mễ. Chúng tôi hay gọi họ là mañana – có nghĩa là mai đi anh – hay là mai hãy làm còn bữa nay thì nghỉ. 

Có một sắc dân khác mà ít ai để ý đến vì họ thường là chủ cả trong các lĩnh vực tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm, hay doanh nghiệp cỡ lớn, đó là người Mỹ gốc Do Thái. Người Mỹ gốc Do Thái có khiếu nhất trong kinh doanh và làm trong ngành tài chính. Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc buộc họ phải cố gắng hết mức để sinh tồn. Có lúc chính lãnh tụ Đức Quốc Xã là Hitler cũng phải công nhận là người Do Thái là chủng tộc thông minh nhất thế giới. Ở người Mỹ gốc Do Thái, khác với đám di dân Á Châu, lúc nào cũng tìm cách trả thuế ít nhất, tôi thấy họ không ngần ngại báo hết số tiền họ kiếm được để chứng tỏ sự thành công của họ. Sống và làm việc trong ngành tài chính đủ lâu, tôi thấy các ngân hàng lúc nào cũng đi kiếm những doanh nhân thành công để cho mượn tiền. Nếu bạn không có cái bảng khai thuế lợi tức trong đó nói là bạn kiếm được nhiều tiền, thì bạn có lại ngân hàng xin xỏ họ cho mượn mười đồng bạc cũng chẳng có ai thèm ngó ngàng tới; còn ngược lại nếu bạn chứng minh cho họ thấy là bạn đang thành công với mỗi năm doanh thu được vài triệu, còn lợi tức hàng năm chỉ cần vài trăm ngàn thôi thì, “nói hơi quá một chút,” nhân viên của ngân hàng sẽ đến kiếm “năn nỉ” cho bạn mượn tiền, thậm chí họ đã điền đơn sẵn và bạn chỉ việc ký nhận thôi. Tại sao ngân hàng lại làm như vậy? Nên nhớ rằng nghiệp vụ chính của ngân hàng là dùng tiền của người gửi tiết kiệm đem cho người khác vay để kiếm lời. Một mặt thì cho những người mua nhà – mua xe vay và dùng cái nhà – cái xe đó làm thế chân, mặt khác thì kiếm những doanh nghiệp thành công để cho vay phần còn lại. Họ phải tìm những đối tượng mà họ nghĩ là có khả năng hoàn tiền lại đúng hạn, mà theo thống kê thì những doanh nghiệp thành công đối với họ là có xác suất tốt nhất. Còn đối với nhân viên cho vay ở ngân hàng, mỗi khi cho bạn mượn tiền, họ sẽ kiếm được hoa hồng. Vì vậy, họ không ngại giúp bạn điền đơn hoặc các giấy tờ liên quan để hoàn thành những dịch vụ vay tiền nhằm kiếm hoa hồng.

Nếu bạn có thể chứng minh cho ngân hàng thấy là bạn đang thành công, thì không những ngân hàng “mời” bạn mượn tiền, mà nếu bạn nói một tiếng thì sẽ có nhiều người bỏ tiền ra cho bạn làm ăn, mục đích của họ là kiếm chút phần trăm lợi nhuận, tốt hơn là bỏ tiền không, hay là đầu tư vàng, hay đầu tư vào chứng khoán. Hình thức này ở Mỹ họ gọi là “OPM – other people money (tạm dịch là: dùng tiền của người khác để làm giàu).

Trên đầu ngọn sóng

Ở mỗi thành phố, bạn khó mà có dịp gặp những người thành công lắm, vì họ không ở chung những khu mà bạn đang ở. Họ sống trong những estate (khu nhà có đất rộng cả mẫu) nơi ở của giới celebrities – the rich and the famous (người giàu và người nổi tiếng); du lịch thì tệ lắm cũng ngồi máy bay hạng first class – business class (hạng thương gia), hay sang hơn thì có private jet (máy bay riêng); đi chơi biển thì có private yacht (du thuyền); đi ăn ở ngoài thì ở những nơi mỗi người tốn cỡ mấy trăm đô.

Cơ hội ở nước Mỹ không từ chối một ai, miễn là bạn chọn đúng cho mình một nghề nghiệp, có con đường đi lên, làm việc chăm chỉ, thường xuyên nâng cao tay nghề của mình thì sự thành công từ từ sẽ tới với bạn. Xã hội Mỹ ưu đãi người giàu, người càng giàu thì càng có cơ hội giàu thêm. Vì vậy muốn được ưu đãi, trước hết phải kiếm được nhiều tiền thì mới nói chuyện. Nếu bạn kiếm được khá tiền, chẳng hạn lợi tức của bạn là 200 ngàn đô la một năm, thì bạn có thể có những sự ưu đãi mà bạn không ngờ tới được.

Ở nhà sang trọng mà không mất một đồng bạc nào: nói ra thì nghe hấp dẫn lắm, sự thật thì như thế nào? Nếu như bạn có lợi tức 200 ngàn một năm, cứ để dành vài năm cho đủ 200 ngàn đi, thì với số tiền tiết kiệm đó, cùng với số lợi tức kia, bạn có thể mua một căn nhà trị giá 1 triệu. Với down payment (trả trước) 200 ngàn, ngân hàng sẵn sàng cho bạn loan (vay) 800 ngàn với phân lời trung bình hiện nay là 6%. Số tiền 200 ngàn của bạn sẽ nằm trong căn nhà là tài sản của bạn, không mất đi đâu hết. Mỗi tháng bạn phải trả một số tiền gọi là PITI  viết tắt của payment – interest – tax – and insurance (tiền vốn – tiền lời – tiền thuế nhà – và tiền bảo hiểm nhà). Tiền vốn thì đi vào cái nhà của bạn cũng giống như 200 ngàn trả trước. Tiền lời trên 800 ngàn trên 6% một năm là 48 ngàn; tiền thuế nhà ở San Diego là 1.1% trên 1 triệu tính ra là 11 ngàn đô; bảo hiểm nhà tốn 1 ngàn; tổng cộng phí tổn độ 60 ngàn đô một năm. Với chính sách giảm thuế hiện hành của chính phủ, tính ra bạn có thể được giảm cỡ 12 ngàn trên 200 ngàn lợi tức. Như vậy, bạn thật sự chỉ tốn có 48 ngàn một năm để sống trong căn nhà trị giá 1 triệu đó. Nên nhớ rằng, nếu bạn không mua căn nhà này, bạn cũng phải mướn một căn nhà và cũng phải trả tiền điện nước, trừ trường hợp có ai đó “tặng cho bạn một căn biệt thự tương tự để ở.” 

Cứ cho là bạn sẽ ở căn nhà 1 triệu này trong mười năm đi, thì tổng số tiền phí tốn của bạn trong mười năm sẽ là 48 ngàn x mười = 480 ngàn. Thống kê cho thấy nhà cửa luôn luôn tăng giá. Ở San Diego, trung bình giá nhà tăng gấp đôi mỗi mười năm. Căn nhà 1 triệu của bạn sẽ trị giá 2 triệu sau mười năm, hay tệ lắm cũng là 1 triệu rưỡi thì nếu bạn bán đi căn nhà này, phần sai biệt sẽ dư sức cho bạn lấy lại tổng số đã bỏ ra trong mười năm qua cả vốn lẫn lời.

Lái xe sang trọng chỉ tốn có 33% thôi: nếu như có lợi tức như vậy, thì bạn có thể kiếm một chiếc xe cỡ Mercedes, BMW, hay Lexus LS460, giá độ 75 ngàn. Nếu trả góp trong 5 năm, thì mỗi tháng khoảng 1.400. Đem chiếc xe này, dùng cho doanh nghiệp thì bạn được trừ thuế khoảng 33% tức là 1/3 số tiền trả. Sau 5 năm khi nợ trên chiếc xe đã trả hết thì đem bán, ít nhất cũng lấy lại được 25 ngàn tức là 1/3 số tiền trả ra. Như vậy bạn chỉ tốn có 1/3 của của 75 ngàn – hay là 25 ngàn trong 5 năm – hay 5 ngàn mỗi năm – tức là không tới 500 một tháng để chạy một chiếc xe đắt tiền, và mỗi 5 năm lại được đổi một chiếc xe mới. 

Ăn uống ở nhà hàng đắt tiền chỉ tốn có 50%: vì sự cạnh tranh, hiện nay đa số những nhà hàng đắt tiền đều có bán gift card (quà tặng bằng vé mời đi ăn nhà hàng) với giá 80 đô cho gift card trị giá 100 đô. Luật thuế cho phép bạn tặng cho mỗi khách hàng mỗi năm tối đa là 25 đô, vì vậy nên mua nhiều gift card, mỗi cái trị giá 25 đô. Đây là một loophole (lỗ hổng trong thuế vụ), vì khó mà biết ai là người thực sự dùng những cái gift card này. Nếu bạn dùng tiền của doanh nghiệp mua gift card, thì bạn sẽ được trừ 33% thuế trên số 80 tức là khoảng 27 đô. Như vậy bạn thật sự chỉ tốn 53 đô để đi ăn bữa ăn sang trọng trị giá 100 đô.

Mỗi năm có 1 cặp vé du lịch quốc tế miễn phí cho 2 vợ chồng: doanh nghiệp nào cũng phải mua vật liệu, văn phòng phẩm, dụng cụ – máy móc, và trả tiền điện – nước, telephone, internet. Doanh nghiệp với doanh thu cỡ 1 triệu đô la, ít nhất cũng phải chi ra cỡ 160 ngàn chi phí cho các loại này. Nếu bạn dùng thẻ tín dụng của công ty để thanh toán, thì hãng tín dụng sẽ cho bạn ít nhất 320 ngàn điểm, đủ để đổi ra 2 vé máy bay quốc tế. 

Happy New Year!

Chúc các bạn một năm đầy thắng lợi!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights