LÝ THÀNH PHƯƠNG
Từ những năm sau 1990, khi chính quyền Việt Nam mở cửa cho Việt kiều về thăm quê hương, mỗi năm tôi đều sắp xếp làm một kỳ nghỉ Hè ở Việt Nam. Vào thời kỳ đó, vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn kém lắm. Vì bụng tôi rất nhạy cảm với thức ăn không hợp vệ sinh, nên tôi thường hay bị trúng thực.
Một lần kia đi chơi ở Đà Lạt, vào quán ăn kêu dĩa xà lách trộn, thấy hấp dẫn qua, tôi xơi hết nguyên con. Tối hôm đó, tôi ói mửa và bị tiêu chảy liên tục cho đến sáng. Mấy đứa em đi cùng, thấy tôi bị ói “khủng” như vậy chạy xuống tiếp tân nhờ đi kiếm bác sĩ, nhưng thời đó bác sĩ không có dịch vụ “emergency” kiểu Mỹ, thành ra tôi đành chịu trận với những trận ói, bị tiêu chảy, đau bụng, và sốt dữ dội hành hạ suốt đêm.
Một lần khác tôi ăn đĩa ốc nhồi thịt ở một tiệm nằm phía sau chợ Bến Thành. Tối đó lại bị trúng thực với những triệu chứng y chang các lần trước. Lần này may thay là tôi ở khách sạn 5 sao nên có bác sĩ trực vào cấp cứu. Ông bác sĩ chích cho tôi mấy mũi thuốc cầm đau và chống ói. Kết quả thấy rõ. Cơn đau quặn thắt và cơn ói lập tức bị chặn lại.
Một lần khác, tôi cùng một nhóm bạn cùng về thăm Việt Nam. Vì bị trúng thực nhiều lần như vậy, kỳ này tôi thật cẩn thận trong việc ăn uống. Ngày chót ở Việt Nam, nhóm chúng tôi được con người bạn trong nhóm đãi tiệc ở một nhà hàng sang trọng trong Chợ Lớn. Hôm đó có món thịt nguội trông rất hấp dẫn. Có lẽ là món này, vì chỉ có nó là không cần nấu chín. Mọi người sau đó đều cho là như vậy, vì có người từng làm trong nhà hàng này, có lần chứng kiến là có chuột chạy qua chạy lại trong nhà bếp. Sáng hôm sau, khi mọi người được người thân đưa ra phi trường, tôi thấy mấy đứa nhỏ con của cô gái đãi tiệc hôm qua nằm xụi lơ. Ông bạn, ba của cô ấy thì nói không khỏe. Riêng tôi, khi máy bay đáp xuống Taiwan để đi Tour năm ngày, cảm thấy buồn nôn. Tôi chạy vào toilet ói, đi cầu, sau đó cố gắng đi taxi về khách sạn và nằm liệt ở đó suốt năm ngày, phải bỏ luôn cái tour du lịch Taiwan.
Câu chuyện trúng thực của tôi hầu như không thể thiếu được trong mỗi chuyến về lại Việt Nam. Vì bị khổ sở nhiều lần như vậy, tôi mới đề nghị một đứa em họ, lúc đó làm nghề chạy xe ôm ở dưới quê, đi theo “escort” (giúp đỡ) tôi trong mỗi chuyến du lịch. Nhiệm vụ chính của em ấy là kiểm soát thực phẩm trong mỗi lần vào nhà hàng ăn uống. Cụ thể là thức ăn phải nấu chín, rau cải phải trụng nước sôi, thậm chí chúng tôi phải đem theo đũa muỗng riêng cho chắc ăn.
Với những biện pháp an toàn như vậy, dần dần tôi không còn bị trúng thực khi về Việt Nam nữa. Có lần tôi chia sẻ chuyện trúng thực này với một người bạn ở Việt Nam, anh ấy nói là những biện pháp của tôi lúc này không còn cần thiết nữa. Tôi cứ nghĩ là có lẽ là ngày nay vấn đề vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ hơn so với những năm về trước. Nhưng nghe anh ấy nói, ở Việt Nam ngày nay người ta sử dụng hóa chất tràn lan. Những loại thực phẩm như mắm, khô, thịt cá các loại ngày xưa để xuống là có khối con ruồi bu lại. Ngày nay, các hàng mắm nổi tiếng ở Châu Đốc, chợ thực phẩm ở Bến Thành, và tất cả các hàng tương tự ở khắp Việt Nam, trong phạm vị khoảng mấy chục mét, không có một con ruồi nào dám bén mảng tới.
***
Nói như vậy là bạn có thể tạm yên tâm về vấn đề bị ngộ độc khi ăn uống ở Việt Nam. Nhưng có lẽ cần quan tâm đến một vấn đề khác, là sẽ vô tình tiêu thụ “khá nhiều” hóa chất trong thực phẩm ở nước này. Căn cứ theo Tổ chức y tế thế giới, hiện nay Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Dần dà, câu chuyện trúng thực của tôi tưởng chừng đã thành quá khứ.
Thế nhưng gần đây, trong một chuyến đi Vegas, khi về lại San Diego, tôi ghé quán Hamburger Habit, ăn cái chicken sandwich. Trên đường về, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu và muốn ói. Tôi phải tấp vô lề hết ba lần để ói. Về đến nhà vào khoảng 10 giờ tối. Từ đó cho đến sáng, tôi bị ói liên tục, và dĩ nhiên tiêu chảy, bụng đau quặn thắt, cùng với cơn sốt lạnh rồi lại nóng, nóng rồi lại lạnh, y như những “kỷ niệm khó quên” trúng thực ở Việt Nam.
Không thể chê Việt Nam là thiếu văn minh cho nên không có đủ biện pháp an toàn thực phẩm. Ở Mỹ, một nước xem như là văn minh nhất thế giới, với Health Department kiểm soát vệ sinh nhà hàng hầu như mỗi vài tháng. Người quản lý thực phẩm trong nhà hàng phải học một lớp về vệ sinh và an toàn thực phẩm, mà thỉnh thoảng thực khách như tôi cũng không tránh khỏi chuyện trúng thực. Vì vậy, nhân kỳ trúng thực này, tôi muốn chia sẻ với các bạn về bệnh trúng thực, hầu giúp các bạn khi gặp tình huống này biết cách giải quyết đúng mức.
Trúng thực hay Ngộ độc là gì?
Tình trạng trúng thực hay ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn ăn phải các thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn (bacteria), siêu vi (virus), các loại ký sinh trùng (parasites) gây bệnh hay có độc tố mạnh, hoặc do ăn phải thức ăn ôi thiu, có chứa nấm mốc.
Trường hợp bị trúng thực nhẹ, người bệnh thường cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các ca ngộ độc nặng, biểu hiện những triệu chứng dữ dội hơn cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi.
***
Vậy khi bị trúng thực nên làm gì? Lời khuyên là bạn cần nhận biết đúng biểu hiện trúng thực để có cách phản ứng kịp thời.
Triệu chứng
Theo các chuyên gia, những dấu hiệu và triệu chứng của trúng thực và ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm:
- Ói mửa liên tục
- Đau bụng quặn thắt
- Đi tiêu phân lỏng hoặc có khi có lẫn máu
- Sốt
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng
Các dấu hiệu và triệu chứng này có thể bắt đầu diễn ra trong vòng vài giờ sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm hoặc cũng có thể khởi phát sau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh do trúng thực và ngộ độc thực phẩm thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Nên làm gì khi bị trúng thực – ngộ độc
Khi bị trúng thực, điều quan trọng là bạn cần phải nôn hết thức ăn bị nhiễm độc ra. Nếu có thể được, bạn nên để hai ngón tay vào đầu lưỡi để chọc cho ói ra, sau đó uống nước nhiều vào để tiếp tục ói nữa. Trong cơn trúng thực, bạn nên uống nước từng ngụm để bù vào lượng nước mất đi do ói hoặc tiêu chảy, tránh bị chứng mất nước (dehydrated). Tuy nhiên, với trẻ bị ngộ độc thực phẩm, bạn không nên cố gắng ép trẻ nôn vì điều này rất dễ làm bé bị sặc.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu người bệnh bị co giật, ngừng thở và ngừng tim, trong thời gian chờ đợi cấp cứu đến, bạn hãy làm hô hấp nhân tạo cho họ.
Nếu người bệnh hôn mê, hãy đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên, phòng chất nôn bị tràn vào phổi. Sau khi sơ cứu, bạn hãy nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện để được điều trị.
Đối với phần lớn trường hợp bị trúng thực, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày. Trong một số trường hợp nghiêm trọng như ói hoặc đi tiêu ra máu, sốt quá nặng trên 102°F (38.6°C), hay các triệu chứng này kéo dài trên ba ngày mà không thuyên giảm, bạn phải gặp bác sĩ gấp hoặc nhập viện để được điều trị đúng mức.
Nên làm gì sau khi qua cơn trúng thực – ngộ độc
Sau khi đã “thoát hiểm” bạn nên để cho dạ dày nghỉ ngơi bằng cách hạn chế ăn trong vài giờ.
- Uống nhiều nước và nên uống từng ngụm nhỏ. Nếu có thể thì dùng nước có chất điện giải (electrolytes) như Gatorade. Lưu ý không dùng thức uống chứa cồn hay caffeine.
- Khi bắt đầu ăn uống lại, bạn nên chọn những thức ăn nhạt, ít béo, dễ tiêu hóa. Đừng ăn nhiều trong lúc này, tốt nhất là chỉ nên húp nước cháo loãng (plain porridge) vì bao tử của bạn lúc đó không đủ sức tiêu hóa các loại thực phẩm nặng. Ăn không đúng chỉ làm bạn khó chịu thêm thôi.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn do bệnh và mất nước khiến bạn yếu đi và mệt mỏi.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thức ăn?
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Mặc dù vậy, rủi ro ở một số người có thể cao hơn những người khác bởi các yếu tố như:
- Tuổi tác: quá trình lão hóa khiến cho hệ miễn dịch bị yếu đi và không phản ứng lại với vi khuẩn gây hại một cách hiệu quả.
- Mang thai: quá trình mang thai dẫn đến một số thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn, khiến bạn có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Phản ứng của cơ thể khi bị trúng thực có thể tệ hơn trong khi bạn mang thai hay đang có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Trẻ nhỏ: đây là lứa tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị các mầm bệnh tấn công.
- Người mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh gan, hoặc HIV/AIDS.
Đây là kinh nghiệm và tìm hiểu của một người đã từng bị trúng thực – ngộ độc thực phẩm rất nhiều lần. Những dữ kiện trên có mục đích chia sẻ với các bạn để có kiến thức về một căn bệnh thường xảy ra khi đi du lịch. Bài viết này không có mục đích thay thế lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn gặp phải tình huống như tôi vừa kể trên mà bạn cảm thấy không ổn, thì nên lập tức vào “urgent care” hay gọi 911 để được giúp đỡ kịp thời, khỏi phải chịu đựng những cơn quằn quại như tôi.