HAI DỐT
Về mặt chữ và nghĩa, hai chữ này không có gì liên quan tới nhau và khác nhau một trời một vực.
Với đa số người sống từ vĩ tuyến 17 trở vô thì trà là món để uống, không ai ăn trà. Cùng lắm thì mấy cha bợm nhậu, hay hút thuốc nhiều thường “nhai” trà cho vơi bớt mùi rượu, mùi thuốc. Nhai chỉ nuốt nước chứ không nuốt xác trà!
Còn chè là món ăn, muốn ăn chơi hay ăn thiệt cũng được tuốt. Đã là chè thì phải ngọt, dù ngọt ít hay nhiều, chứ không ai “uống chè.” Uống chè là… khùng! Yes, ở phương Nam nói chung từ vĩ tuyến 17 trở vô, từ hàng trăm năm nay, chè luôn có đường và dĩ nhiên luôn ngọt. Thành ngữ “ngọt như chè” đâu phải không có duyên cớ.
Ậy, vậy mà giờ thì có liên quan mới… chết chứ!
Từ cái ngày mà “người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài, đem đến nơi này, một cọng rau muống/Ơi người Bắc khen ngon, còn người Nam nói rằng… heo nó ăn!” [xin lỗi tác giả bài Khúc hát ân tình và bà con người Bắc nhưng tử tế], thì người phương Nam học thêm được chữ “chè” nhưng không ngọt! Chẳng những không ngọt mà lại còn đắng, chát. Sáng sớm chưa ăn gì lót dạ, uống một hớp “chè quạu” thì không xây xẩm mặt mày cũng phải xót ruột là cái chắc.
Tại sao lại có chuyện lạ như vậy?
Xin thưa với bà con thiên hạ rằng, chè và trà đều là tiếng Tàu được người Việt biến thành tiếng Việt.
Ở miền Nam, do sống gần với mấy ông ba Tàu gốc Quảng Đông nên tiền nhân ta Việt hóa phát âm chữ “tsà” của mấy ổng thành “trà.” Còn ở miền Bắc, lại Việt hóa âm tiếng Tàu gốc Bắc Kinh là “tsè” ra “chè.” Vậy thôi!
Chắc các bạn rành địa lý lại hỏi “Sao miền Bắc gần Quảng Đông của Tàu mà lại nói theo tiếng Bắc Kinh xa xôi như vậy?” Xin thưa, suốt mấy ngàn năm cho đến đầu thế kỷ 20, giới có học ở miền Bắc đều phải học Tứ thư, Ngũ kinh của Tàu. Chữ Nho là căn bản của giới học thuật lẫn các triều đại ở đất Việt. Do đó, họ bắt buộc phải nói, viết như nhà cầm quyền bên Tàu chứ không nói theo tiếng địa phương.
Tàu là một quốc gia gồm nhiều quốc gia gộp lại từ thời Tần Thủy Hoàng nên tiếng nói mỗi vùng đều khác nhau, trong đó có Quảng Đông. Dân tỉnh này nói chuyện với Châu kia hoàn toàn không hiểu vì khác tiếng nói. Tỉ như người Tiều [Triều Châu] nói thì ông Quảng Đông, ông Phúc Kiến nghe được hết nhưng không hiểu! Để có thể cai trị, Tần Thủy Hoàng đã quyết định “thống nhất tiếng nói và chữ viết” nghĩa là quan chức và học sinh phải nói tiếng Tần, thường được kêu là “tiếng Quan Thoại” hay “tiếng Phổ thông,” “tiếng Bắc Kinh.” Thứ tiếng này, chỉ những người có đi học, có nhiều giao tiếp mới biết. Còn hầu hết các địa phương dân chúng vẫn nói tiếng địa phương. Ngay trong tỉnh Quảng Đông người ta vẫn không hiểu nhau khi nói chuyện với nhau như người Triều Châu, người Hẹ, người Phúc Kiến… Hay người ở Hongkong nói người trong lục địa cũng không hiểu.
Còn ở Nam Kỳ Lục tỉnh thì khác nhen.
Sau nhiều cuộc thay đổi chánh thể như Mông Cổ đuổi nhà Tống chiếm nước Tàu, rồi quân Thanh đuổi nhà Minh… rất nhiều người ở Quảng Đông chạy sang nước ta. Bởi miền Bắc gần Tàu quá, quân thù rượt theo được nên họ phải chạy thiệt xa! Và miền Nam nước ta là một trong những điểm họ tới cư ngụ như Trần Thượng Xuyên cư trú ở Biên Hòa, Dương Ngạn Địch cư trú ở Mỹ Tho, Mạc Cửu cư trú ở Hà Tiên. Hầu hết họ là người Quảng Đông và Triều Châu. Người Việt tới miền Nam sinh sống giao tiếp với họ qua mua bán, trao đổi… lần lần Việt hóa nhiều chữ nghĩa mà chúng ta chưa có hoặc thiếu. Từ đó, tiếng Việt này càng phong phú và lần lần khác hẳn với miền Bắc. Thí dụ, miền Bắc không có “tài, xỉu” mà chỉ có “ đại, tiểu” tức “lớn nhỏ.” Miền Bắc không có “ba, má” mà chỉ có “cha, mẹ” hay “thầy, u.” Miền Bắc không “ký lô” mà chỉ có “cân, lạng,” không có “rạch” mà chỉ có “kênh” chỉ các sông nhỏ, không có “qua” nghĩa là “tôi, tao” mà chỉ có “qua” nghĩa là “dưa, mướp”… Nhiều lắm, nhiều tới mức học hoài cũng không hết ngạc nhiên!
Vì đã sống và đã quen với tiếng Tàu Bắc Kinh, người miền Bắc rất khó hiểu tiếng nói người miền Nam. Đồng thời đã quen thói “tự tôn” nên nhà cầm quyền Việt hiện nay gồm phần lớn là người miền Bắc, buộc dân Việt phải nói, viết theo tiếng Bắc trong sách vở, hệ thống hành chánh nên chữ nghĩa… ”loạn xà ngầu.” Con nít miền Nam học chữ trong trường khác mà về nhà nói khác, khiến chúng cũng đâu cái điền! Pháo bông thì kêu pháo hoa, bảng số thì bảo biển số, hồ tắm thì nói bể bơi, bông thì kêu hoa… Ôi cha tội nghiệp mấy đứa nhỏ quá!
Vậy nên, ai viết gì thì viết, ai nói sao cũng được, miễn hiểu được là OK. Chứ miệng mấy cha nói thống nhất, thống nhất nhưng vụ chữ nghĩa hổng thấy Nam Bắc bàn bạc thống nhất chi hết, cứ “tiếng của thủ đô” là nhất xứ!
Bởi vậy trà và chè tới nay đã thành một thứ! Ai nói trà thì cứ nói, ai nói chè cũng ok, nhưng viết trong sách thì phải “tiếng thủ đô” nhen! Có chết một cửa tứ không?Chán như con gián!