Từ cổ trong Truyện Kiều

by Tim Bui
Từ cổ trong Truyện Kiều - Kỳ 3

ĐINH VĂN TUẤN

Câu 433: Nhặt thưa gương giọi đầu cành 

Giọi , Trương Vĩnh Ký (1875)… phiên là là gối, E. Nordemann (1898) phiên là rọi. Bản Kiều Nôm Tăng Hữu Ứng (1874) chép là rọi 燴, Kiều oánh Mậu (1902) cũng khắc là rọi 燴.

Nếu là trăng “gối” đầu cành tuy cũng hợp lý nhưng vì có “gương” (mặt trăng) và “nhặt thưa” (kẽ cành lá thưa và dày khít) dễ liên tưởng đến tầm nhìn từ dưới lên trên đầu những cành cây và thấy ánh sáng mặt trăng chiếu rọi qua kẽ lá nhặt thưa.

Lưu ý trong tự vị của P. Béhaine (1772-1773) không thấy có rọi mà chỉ có giọi. Nguyễn Trọng Quản (1886) đã viết “Trăng giọi”, Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) ghi nhận Trăng giọi. Về sau giọi = rọi như Việt Nam tự điển (1931) đầu thế kỷ XX mới ghi nhận: Giọi. Chiếu xiên vàoRọi. Soi vào, chiếu vào.

An Chi đọc là “gội” (tắm gội, gội đầu) nhưng nghe cầu kỳ, không hợp tình hợp lý. Trần Trọng Kim, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Tài Cẩn đều đọc là “giọi” vậy nên đọc hiểu là “giọi”, âm hưởng thuận hơn là “rọi”.

Câu 470: Làm chi cho nặng lòng này lấm thân

Chữ 凜 vẫn thường được các nhà Kiều học đọc hiểu là lắm thăn, (thăn: than thở) hay lắm thân (thân: biến âm của thay) nhưng thấy tối nghĩa, xa lạ trong tiếng Việt, không phù hợp văn mạch. Chúng tôi đề nghị đọc 凜 là lấm (lấm lem, vấy bẩn) còn chữ  chữ thân 申 (các bản Kiều cổ đều như vậy) chắc là do lầm với chữ đồng âm là chữ 身 (bản Kiều Nôm Liễu Văn Đường 1866 đã có trường hợp dùng 清 thay vì 声 trong thanh khí). Làm chi cho nặng lòng này lấm thân: Kiều tự nói nhún, tài chơi đàn thấp hèn của mình có đáng gì đâu, chỉ làm lấm lem đến con người cao trọng của chàng (Kim Trọng) thôi! Nguyên truyện: Kiều nói Kim Trọng vì mấy đường tơ mà phải tự hạ mình chẳng phải quá đáng lắm sao. Vậy 凜申 đọc là lấm thân sẽ sáng nghĩa hơn là lắm thăn/thân.

Câu 516: Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên

Các bản Kiều cổ đều là chữ 呈 riêng Tăng Hữu Ứng (1874) đã viết Nôm là DÀNH 停. Chữ 呈 Trương Vĩnh Ký (1875) phiên là trình, E. Nordemann (1898) là rành còn các nhà sau như Trần Trọng Kim, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn… đều phiên là DÀNH (呈 trình > giành > dành). Nguyễn Khắc Bảo lại phiên là trành (nghiêng về một phía như tròng trành) còn An Chi đọc là chành (lòi ra một cách méo mó) nhưng các âm này nghe thô vụng, không phù hợp ngữ cảnh, âm hưởng mất thi vị. Chúng tôi cũng đọc hiểu là DÀNH ở câu 516: Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên, Mà trong lòng cảm thấy rẻ mạt, đáng khinh đã dành sẵn ra ngay đây. Nghĩa lý và âm hưởng đều thuận.

Câu 582: Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai

Chữ đọt 湥, các nhà phiên âm Truyện Kiều thường theo Trần Trọng Kim đọc là “giọt liễu” nhưng chưa có nhà nào chú giải thỏa đáng về “giọt liễu”. Đáng chú ý là chú giải của Nguyễn Khắc Bảo, Giọt liễu: chỉ chị em Thúy Kiều, Thúy Vân nhỏ nhoi như giọt nước, yếu đuối như cành liễu nhưng hiểu như vậy thì “giọt liễu” gồm hai danh từ “giọt nước” và “cành liễu” nên không đối ứng với danh từ “cội mai” (gốc cây mai chỉ người già cả là Vương bà, mẹ của Thúy Kiều).

Trần Nho Thìn – Nguyễn Tuấn Cường cho Giọt liễu: chị em Kiều thì khóc lóc, như vậy “giọt liễu” (= liễu giọt) như dạng câu đơn (liễu=người con gái / giọt=nhỏ lệ, khóc lóc) dĩ nhiên sẽ không đối ứng với danh từ “cội mai” (Vương bà). Chính vì “giọt  liễu” tối nghĩa nên câu này có nhiều dị bản như: Rụng rời khung dệt tan tành quả may (Trương Vĩnh Ký); Tan hoang khung cửi tan tành gói may (Nordemann)…

Chúng tôi thấy từ giọt 湥 có thể đọc ra “đọt” (gi/d>đ, tiếng Việt có dẩy=đẩy; dĩa=đĩa) hoặc có thể hiểu 湥 là chữ Hán, theo Khang Hy tự điển có âm là đột (音揬) nên sẽ đọc ra “đọt”. ĐỌT theo P. Béhaine, Huỳnh Tịnh Của nghĩa là đọt cây, chồi lá mới nhú. Như vậy danh từ “đọt liễu” sẽ ứng đối rất chỉnh với  danh từ “cội mai” (đọt/cội; liễu/mai). “đọt liễu” ám chỉ người con gái non nớt, yếu đuối (chị em Thúy Kiều) và “cội mai” ám chỉ người già cả (Vương bà). Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai: Chị em Kiều bị hoảng sợ, rụng rời và Vương bà bị tan tác, tơi tả khi bị bọn sai nha hành hạ, tra xét và trấn lột, hạ nhục (phù hợp với ý hai câu theo liền sau: Đồ tễ nhuyễn của riêng tây, Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham). Nguyên truyện đã tả: Bọn sai nha sau khi lục lọi khắp nhà trước, nhà sau, tủ hòm lớn, nhỏ có vật gì đáng giá đều bị tịch thu, ngay cả bộ áo quần mới Vương bà mặc khi dự tiệc mừng thọ về, đều bị lột sạch, các đồ nữ trang cũng bị chúng vơ vét, chúng cũng định tới lột nốt xiêm y tơ lụa tuy cũ của chị em Thúy Kiều. Vậy nên đọc hiểu là “đọt liễu” sẽ sáng nghĩa và phù hợp văn mạch hơn (Đàm Duy Tạo cũng từng đọc là “đọt”)

Tham khảo

1. An Chi (2020), Nguyễn Du – Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872, Phiên âm, chú giải và thảo luận, NXB Tổng hợp Thành phố HCM.
2. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1927) Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (in lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ)
3. Đàm Duy Tạo, Truyện Kim Vân Kiều – Giảo đính & tường giải (bản thảo đánh máy) 
nguồn: https://kimvankieu.wordpress.com/2009/09/15/kim-van-ki%e1%bb%81u-dam-duy-t%e1%ba%a1o-l%c6%b0%e1%bb%a3c-gi%e1%ba%a3i/
4. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Việt Nam tự điển, Hà Nội. Mặc Lâm tái bản 1968
5. Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản, 1998.
6. Nguyễn Khắc Bảo (2009), Truyện Kiều – Văn bản hướng tới phục nguyên, Nxb Giáo Dục Việt Nam.
7. Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại Học Quốc Gia.
8. P. Béhaine, Tự vị Annam –  Latinh (1772 – 1773), Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999
8. P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1887) Truyện thầy Lazarô Phiền (Lời tựa viết năm 1866) Sài Gòn – J. Linage, Libraire – Editeur Rue Catinat, 1887 – Cao Xuân Mỹ (biên soạn) Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. 1998. Trang 19
10. Trần Nho Thìn – Nguyễn Tuấn Cường (2007), Truyện Kiều. Khảo – Chú – Bình, Nxb Giáo Dục
11. Trương Vĩnh Ký (1875), Poème Kim Vân Kiều truyện, Sai gon, Bản in Nhà Nước.
12. 康熙字典, 上海古籍出版社,1997.
13. Edmond Nordemann, Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳, Nouvelle histoire de Kim, Vân, et Kiều (Poème populaire annamite), Mạc-đình-Tư, 1911, 4e éd. Nguồn: https://archive.org/details/EdmondNordemann_1911_KimVanKieuTanTruyen

You may also like

Verified by MonsterInsights