Từ cổ trong Truyện Kiều – Kỳ 4

by Tim Bui
Từ cổ trong Truyện Kiều - Kỳ 4

ĐINH VĂN TUẤN

Câu 365: Sông Tương một dải nông sờ

Nông sờ農滁, đa số các nhà chú giải Truyện Kiều đều hiểu theo nghĩa (sông) cạn trơ ra nhưng thật ra lại không hợp với dòng sông Tương rộng lớn. Còn nếu vận dụng thi ca để cho rằng “nông sờ” hàm ý dòng sông “nông cạn” không sâu bằng tình cảm, lòng dạ nhớ thương thì câu thơ có vẻ gượng ép, vụng về không xứng với tài làm thơ của Nguyễn Du. Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quốc âm tự vị đọc là nung sừ và giải nghĩa: minh mông, mịt mù. Sông Tương một dải nung sừ. Có thể nung sừ cũng là nông sờ? Hiện không có chứng cứ nào trong các tài liệu xưa. Theo chúng tôi, không nên hiểu nông=cạn nhưng cần phải hiểu “nông” trái với “sâu” theo nghĩa bề mặt gần với tầm mắt nhìn từ trên xuống, chẳng hạn như nói vùng đất nông là trái với vùng đất sâu trũng. Ca dao có câu: “Liền (đàn) ông nông nổi giếng thơi,” “nông nổi” thường được hiểu theo nghĩa hời hợt, không sâu xa nhưng ở đây “nông nổi” được so sánh với giếng thơi, nên cần hiểu “giếng thơi” là gì. Giếng thơi là giếng nước chung của làng xóm miền Bắc ngày xưa, miệng giếng rộng, thành giếng xây quanh, nước giếng luôn đầy ắp, người trong làng có thể dùng gàu với tay múc nước dễ dàng. Vậy rõ ràng mặt nước giếng đầy ắp nhìn thấy nổi lên trái với nước giếng sâu, giếng cạn cho nên nông nổi mới có thể hiểu là sự hời hời hợt, bề ngoài, không sâu xa. Có thể xưa nông = nổi nên mới có từ kép đẳng lập đồng nghĩa là nông nổi ngược lại với nông = cạn (nông cạn). Do đó có thể hiểu mực (bề mặt) nước sông dâng cao gần sát bờ (không phải mực nước thấp sâu gần đáy) với nghĩa là “nông.” Vậy nông sờ nên hiểu là nước (sông) dâng đầy sờ sờ ra đó. Sông Tương một dải nông sờ: Một dải sông Tương dâng đầy hiện ra ngay trước mắt.

Câu 1384: Càng xuê vẻ ngọc, càng lồng màu sen 

Chữ 吹 thường được các nhà phiên âm Truyện Kiều đọc là xôi, sôi nhưng tiếng Việt xưa nay không thấy tài liệu nào ghi nhận. 吹 theo Huình Tịnh Paulus Của là xuê: khoe khoang, vẻ vang, xinh tốt còn J.F.M Genibrel, Xuê: Xuê vẻ ngọc: vẻ xinh đẹp, duyên dáng như ngọc. Trương Vĩnh Ký phiên là “xuê.” E. Nordemann đã phiên là “suê” còn tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức đã ghi nhận Xuê: xinh, tốt: Ăn mặc cho xuê. Chúng tôi chọn âm “xuê” cho phù hợp tiếng Việt thời Nguyễn Du: Càng xuê vẻ ngọc, càng lồng màu sen.

Câu 1709: Buồm cao lèo thẳng cánh chuyền

Bản Kiều cổ Liễu Văn Đường 1866 khắc chữ 耑 có âm Hán Việt là xuyên nhưng 耑 còn là dị thể của 專 (dùng thông với 專) có âm là chuyên. Hầu như mọi bản Kiều cổ đều là chữ 耑 trừ bản Nôm Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu biên soạn, khắc in năm 1902 đã khắc chữ 遄. Trương Vĩnh  Ký đọc là “xiên” (theo âm xuyên 耑), E. Nordemann phiên là “chuyền” (theo âm chuyên 耑=專). Nguyễn Văn Vĩnh đọc là thuyền (không biết đã dựa theo bản Nôm nào?) ngoài ra thường được các nhà biên khảo Truyện Kiều như Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn…phiên là suyền; Bùi Khánh Diễn, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Nguyễn Quảng Tuân đọc là xuyền, có lẽ đều dựa vào chữ 遄 (thuyên (suyền): nhanh chóng) trong bản Nôm Kiều Oánh Mậu 1902. Dựa vào bản Kiều LVĐ.1866 (bản Nôm đáng tin cậy, xưa nhất còn lại) khắc 耑, chúng tôi sẽ đọc chuyên 耑 (=專) là chuyền (như Nordemann) và định nghĩa là cánh buồm theo gió thổi (ám chỉ con thuyền) cứ chuyền nhanh đi hết nơi này đến nơi khác. Nghĩa này hợp với câu sau “Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang.” Vậy sẽ là: Buồm cao lèo thẳng cánh chuyền.

Câu 2174: Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo

Đàn 弹, nhiều nhà chú giải Truyện Kiều trước đây đều hiểu dễ dãi là do thuận vần nên Nguyễn Du đổi từ cung (vũ khí) ra đàn (nhạc cụ) vì dựa theo thơ của Hoàng Sào đời Đường: “半肩弓劍憑天縱, 一棹江山盡地維” (Nửa vai cung kiếm, tung hoành trời đất,  Một mái chèo, đi khắp cả giang sơn). Nhưng Nguyễn Thạch Giang có lẽ là người đầu tiên phủ nhận cách hiểu này vì cho đàn trong gươm đàn không phải là cây đàn (nhạc cụ) nhưng là “một loại cung, bắn đạn tròn đi rất xa.” Cách hiểu này của Nguyễn Thạch Giang rất gượng ép, bất thường nên sau không được các nhà Kiều học đồng thuận. Thực ra, ngày xưa “gươm đàn” (琴劍) đã được sử dụng trong Hán văn ở Trung Quốc và Việt Nam với nghĩa là vật tùy thân của bậc quân tử, văn võ song toàn; văn nhân tài hoa, nghệ sĩ. Tiết Năng đời Đường trong bài 送馮溫往河外 (Đưa tiễn Phùng Ôn đi Hà Ngoại) có câu:“琴劍事行裝” (Hành trang (của huynh) là đàn và gươm). Trong bài thơ 和海翁段阮俊甲寅奉命入富春京登程留別北城諸友之作 (Hoạ vần bài thơ “Năm Giáp Dần (1794) vâng mệnh vào kinh đô Phú Xuân, lúc lên đường đề thơ từ biệt các bạn ở Bắc thành” của Hải Ông Đoàn NguyễnTuấn) Nguyễn Du từng dùng gươm đàn (琴劍) trong câu: “琴劍相隨上玉京” (Mang theo gươm đàn lên đường vào kinh thành). Lưu ý bài nguyên tác của Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ có đàn sách (琴書) không có gươm đàn 琴劍 chứng tỏ cách dùng “gươm đàn” là phong cách, thi pháp của Nguyễn Du. Nguyễn Du cho Từ Hải mang theo cả gươm và đàn như khẳng định thêm cho câu: “Râu hùm hàm én mày ngài.” để chỉ Từ Hải là bậc anh hùng văn võ song toàn và cũng là hạng văn nhân nghệ sĩ.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/dinh-van-tuan/

You may also like

Verified by MonsterInsights