Văn chương bình dân truyền khẩu

by Tim Bui
Văn chương bình dân truyền khẩu

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Văn chương bình dân, còn được gọi là văn chương truyền khẩu, đóng một vai trò quan trọng trong nền văn học của cả một dân tộc. Lý do là vì những lời truyền miệng là kết quả chiêm nghiệm cuộc sống, cũng như góc nhìn về cuộc sống, của biết bao người, được truyền từ đời này đến đời kia.

Từ văn chương bình dân chúng ta có thể hình dung ra được lối sống, tính tình, phong tục, thói quen, cách cư xử, nói tóm lại là cuộc sống của người xưa. Chúng ta cũng có thể hiểu được mơ ước, nguyện vọng, và nhất là quan điểm của những người cùng một dòng giống đã sống trước mình cả biết bao nhiêu thế kỷ.

Giống nhiều quốc gia khác, nước ta trước khi có văn chương bác học, đã có một nền văn chương bình dân truyền khẩu. Văn chương truyền khẩu ấy là tục ngữ và ca dao. Trong phần này của loạt bài viết về văn chương bình dân truyền khẩu, chúng ta sẽ ôn lại những tinh túy của tục ngữ và thành ngữ.

Tục ngữ là gì?
Tục là thói quen có đã lâu đời, ngữ là lời nói. Tục ngữ là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa, lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi. 

Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ, vì chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại. 

Ngoài ra còn có phương ngôn, trong chữ này: phương là địa phương, vùng, là những câu tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng chứ không lưu hành khắp trong nước. 

Nguồn gốc của tục ngữ
Xét về nguồn gốc, ta có thể chia tục ngữ ra làm hai loại: 

Loại 1: Những câu vốn là tục ngữ, tức là những câu nói thường, lúc ban đầu chắc cũng do một người phát ra trước tiên, rồi vì ý nó xác đáng, lời nó gọn ghẽ, người khác nghe đến là nhớ ngay, sau cứ thế nhắc lại mà truyền tới bây giờ, đến nay ta không biết tác giả là ai nữa. Những câu về loại này chiếm phần nhiều nhất. 

Loại 2: Những câu vốn là thơ ca mà sau biến thành tục ngữ. Những câu nguyên ở trong một bài thơ hoặc một bài ca của một tác giả nào, nhưng vì ý đúng, lời hay, nên người ta truyền tụng đi mà làm thành một câu tục ngữ. Thí dụ: câu “Thương người như thể thương thân” vốn là một câu trong tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi. 

Hình thức của tục ngữ
Xét về hình thức, tục ngữ có loại: loại không có vần và loại có vần.

Những câu không vần thì không nhiều lắm. Những câu này có hai cách đặt: một là đặt lấy đối. Một câu chia làm hai đoạn đối nhau. Thí dụ: 
“Giơ cao đánh sẽ” hay 
“No nên bụt, đói nên ma”
 Hoặc đặt không đối, chỉ cốt ý đúng lời gọn thôi. Thí dụ:
 “Mật ngọt chết ruồi” hay 
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” 

Những câu có vần thì chiếm đại đa số. Vần trong các câu tục ngữ thường là yêu vận (yêu: lưng) nghĩa là vần ở lưng chừng câu, thỉnh thoảng mới có cước vận (cước: chân) nghĩa là vần ở cuối câu. Thí dụ: 
“Ăn cây nào, rào cây ấy” 
“Nói ngọt lọt đến xương” 
“Khôn cho người vái, dại cho người thương, dở dở ương ương, tổ người ta ghét”

Ý nghĩa các câu tục ngữ
Tục ngữ của nước ta rất nhiều mà mỗi câu mỗi ý. Tựu trung, ta cũng có thể chia làm mấy loại như sau: 
Những câu thuộc về luân lý: Những câu này hoặc dạy đạo làm người. Thí dụ: 
“Tốt danh hơn lành áo”
“Giấy rách phải giữ lấy lề”
“Sống đục sao bằng thác trong”

Hoặc cho ta biết những lý sự đương nhiên. Thí dụ: 
“Khôn sống, mống chết”
“Mạnh được, yếu thua”
Hoặc dạy khôn dạy ngoan. Thí dụ: 
“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” 
“Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở” 
“Ăn no nằm ngủ, chờ bàu chủ mà lo”

Nền luân lý trong tục ngữ là một nền luân lý bình thường, tuy không có tính cách cao siêu nhưng cũng đủ khiến cho người ta thành một người lương thiện và không đến nỗi khờ dại để người khác khác lường gạt được. 

Những câu thuộc về tâm lý người đời: Những câu này là tả thế thái nhân tình, nhờ đó mà ta biết được tâm lý của người đời. Thí dụ:
“Của người bồ tát, của mình lạt buộc”
“Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”
 “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” 
“Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”

Những câu thuộc về phong tục: Những câu này nhắc nhở các tập tục, tín ngưỡng ở nước ta. Thí dụ: 
“Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp” 
“Vô vọng bất thành quan”
“Cao nấm ấm mồ”
“Sống về mồ mả, không sống về cả bát cơm”

Những câu thuộc về thường thức: Thường thì những câu này:
Hoặc nói về thời tiết. Thí dụ: 
“Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”
“Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”

Hoặc nói về việc canh nông. Thí dụ: 
“Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”
“Lúa giỗ, ngả mạ; vàng rạ thì mạ xuống đồng”

Hoặc nói về thổ sản: Thí dụ: 
“Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” 

Hoặc nói về lễ phép, thù ứng. Thí dụ: 
“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” 
“Ăn miếng chả, trả miếng nem”
“Có đi có lại, mới toại lòng nhau” 

Những câu này là do những điều kinh nghiệm của cổ nhân đã chung đúc lại, nhờ đấy mà người dân ít học cũng có một cái tri thức thông thường để làm ăn và cư xử ở đời. 

Chú thích:
La: tức là tổng La nội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.  
Láng: tên nôm của làng Yên Lãng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.  
Báng có lẽ là làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 
Bần: tên nôm của làng Yên Nhân, phủ Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. 
Vạn Vân (vạn: làng bọn thuyền chài), tức là tổng Vân Hải huyện Hoành Hồ, tỉnh Quảng Yên. Đầm sét: tên nôm của làng Diêm Khê, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. 

Thành ngữ là gì
Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn. 

Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì, còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc một trạng thái gì cho có màu mè

Trong những câu người ta thường gọi là tục ngữ, có rất nhiều câu chỉ là thành ngữ chứ không phải là tục ngữ thật. Thí dụ: 
“Dốt đặc cán mai”
“Nói toạc móng heo”
“Miệng hùm nọc rắn”
“Tiền rừng bạc bể”

Câu ví: Trong số các thành ngữ của ta, có rất nhiều câu dùng để so sánh hai sự vật với nhau, thứ nhất là một ý nghĩ ở trong trí với một vật, hoặc một cảnh tượng ở ngoài. Những câu ấy gọi là câu ví. Thí dụ: 
“Đắng như bồ hòn”
“Trắng như trứng gà bóc” 
“Lào nhào như cháo với cơm”
“Nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng”
“Thẳng như ruột ngựa”
“Nói như đinh đóng cột”
“Trông như trông mẹ chợ về”

Kết luận
Tóm lại, tục ngữ và thành ngữ chiếm một địa vị quan trọng trong văn học, vì đó là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu tính tình, phong tục, ngôn ngữ của người mình. Cùng với những truyền thuyết và cổ tích, tục ngữ và ca dao là những phần căn bản để học sinh bắt đầu học tập văn học và văn hóa Việt Nam.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights