Văn chương Việt Nam truyền khẩu: Ca dao

by Tim Bui

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Nước ta trước khi có văn chương bác học, đã có một nền văn chương bình dân truyền khẩu. Văn chương truyền khẩu ấy là tục ngữ và ca dao.  Trong phần này chúng ta sẽ ôn lại những tinh túy của ca dao.

Định nghĩa ca dao
Ca là hát, dao là bài hát không có chương khúc. Ca dao là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao nhiều khi cũng được gọi là phong dao.

Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai; chắc lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên, rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ. 

Xét về thể văn
Ca dao viết theo mấy thể văn sau đây:

Thể lục bát chính thức (câu 6 câu 8 kế tiếp nhau), hoặc thể lục bát biến thức (thỉnh thoảng có xen những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ):

Tò vò mà nuôi con nhện 
Ngày sau nó lớn nó quện nó đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti 
Nhện ơi! Nhện hỡi! Mày đi đàng nào?

Thể lục bát biến thức:

          Công anh đắp nấm, trồng chanh
          Chẳng được ăn quả, vịn cành cho cam
          Xin đừng ra dạ bắc nam
          Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
          Huống tam thu như bất kiến hề
          Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu
          Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu
          Cầu tre vững nhịp hơn cầu thương gia
          Bắc thang lên thử hỏi trăng già
          Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời
          May ra gặp được giếng khơi
          Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn
          Chẳng may số phận gian nan
          Lầm than cũng chịu phàn nàn cùng ai
          Đã yêu nhau, giá thú bất luận tài! 

Thể song thất lục bát chính thức:

          Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
          Con chàng còn trứng nước thơ ngây
          Có hay chàng ở đâu đây
          Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng 

Thể song thất lục bát biến thức:

          Chòng chành như nón không quai
          Như thuyền không lái như ai không chồng
          Gái có chồng như gông đeo cổ
          Gái không chồng như phản gỗ long đanh
          Phản long đanh anh còn chữa được
          Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
          Không chồng khổ lắm, chị em ơi! 

Thể nói lối: câu đặt thường bốn chữ, cứ chữ cuối câu trên vần với chữ thứ hai, hoặc chữ cuối câu dưới. 

Lạy trời mưa xuống 
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày 
Lấy bát cơm đầy 
Lấy cá to

Có khi một bài gồm hai hoặc ba thể trên: 

Quả cau nho nhỏ 
Cái vỏ vân vân 
Nay anh học gần 
Mai anh học xa 
Anh lấy em từ thuở mười ba 
Đến năm mười tám em đà năm con
Ngoài đường em hãy còn son
Về nhà em đã năm con cùng chàng

Xét về kết cấu
Nghĩa là cách sắp đặt các ý tứ cho thành một bài văn, thì ca dao chia làm ba thể: 

Thế phú: phú nghĩa là phô bày, mô tả; trong thể này, muốn nói về người nào, việc nào thì nói thẳng ngay về người ấy, việc ấy. 

Ngang lang thì thắt bao vàng 
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài 
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền 
Thùng thùng trống đánh ngũ liên 
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

Hoặc: 
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh 
Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ 
Ai vô xứ Nghệ thì vô 

Thể tỉ: tỉ nghĩa là ví, so sánh; trong thể này, muốn nói gì, không nói thẳng ra, lại mượn một sự vật ở ngoài làm tỉ ngữ để người nghe ngẫm nghĩ mà hiểu lấy cái ý ngụ ở trong. 

Bầu ơi! thương lấy bí cùng 
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Thể hứng: hứng là nổi lên, đây nói về tình của người ta nhân cảm xúc vì vật ngoài mà phát ra. Trong thể này, trước tả một vật gì làm câu khai mào, rồi mượn đấy mà tiếp tục xuống ý mình muốn nói. 

Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng 
Ước gì anh lấy được nàng 
Thời anh mua gạch Bát tràng về xây 
Xây dọc, rồi lại xây ngang.
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Cũng có khi một bài kiêm nhiều thể, như:

Phú và tỉ: 

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng 
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh 
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 

Bài này vừa tả hoa sen (phú), vừa ví người quân tử với hoa sen (tỉ). 

Phú và hứng:
          Qua cầu ngả nón trông cầu
          Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu 

Bài này vừa tả cái cầu (phú), vừa mượn cảnh cái cầu mà nói nỗi sầu của mình (hứng). 

Hứng và tỉ: 

Dao vàng bỏ đẫy kim nhung 
Biết rằng quân tử có dùng ta chăng? 

Trong bài này, có mượn dao vàng để nói đến tình mình (hứng), vừa ví mình như con dao vàng (tỉ). 

Phú, hứng và tỉ:

Sơn bình Kẻ Gốm không xa 
Cách một cái quán, với ba quãng đồng
Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Ta lấy mình làm vợ nên chăng? 
Tre già để gốc cho măng 

Toàn bài là thể hứng, bốn câu đầu là thể phú, câu cuối là thể tỉ. 

Xét về ý nghĩa
Ca dao nước ta thật là phong phú và diễn tả đủ các tình ý trong lòng người và các trạng thái xã hội. Dưới đây là một số bài tiêu biểu có ý nghĩa:

Thằng Bờm 
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười

Bậc quân tử
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại thêm nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

 Bậc anh hùng
Làm trai cho đáng nên trai 
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan

Người ăn chơi 
Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ là tiền vất đi 

Tướng người 
Những người ti hí mắt lươn 
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người 

Lịch sử 
Nhớ em anh cũng muốn vô, 
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang 
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm

Kết luận
Số lượng Tục ngữ  và Ca dao trong Văn chương bình dân lên đến hàng ngàn câu và bài hát. Có nhiều học giả thông suốt văn chương nước ngoài như tiếng Pháp và tiếng Anh cho rằng Tục ngữ và Ca dao của người Việt ta phong phú hơn các nước Tây phương. 

Theo thiển ý của tác giả thì có lẽ do hoàn cảnh đặc thù của người Việt là có thời kỳ lập quốc ngắn ngủi thì rơi vào một ngàn năm Bắc thuộc nên không có chữ viết. Trong thời gian dài hơn mười thế kỷ không có chữ viết, những sáng tác phong phú về văn chương, để lưu lại đời sau, không có cách nào khác là phải qua phương tiện truyền khẩu trong giới bình dân.

Tóm lại mà nói, thì tục ngữ ca dao chiếm một địa vị quan trọng trong văn học, vì đó là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu tính tình, phong tục, ngôn ngữ của người mình. Cùng với những truyền thuyết và cổ tích, tục ngữ và ca dao là những phần căn bản để học sinh bắt đầu học tập văn học và văn hóa Việt Nam.
(Trích Việt Nam văn học sử yếu của tác giả Dương Quảng Hàm)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights