TRÙNG DƯƠNG
Vừa đúng nửa thế kỷ trước, vào ngày 30/4/1975 nền dân chủ duy nhất trong lịch sử Việt Nam cáo chung sau vỏn vẹn có 20 năm hiện hữu trước làn sóng xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản. Gọi là nền dân chủ duy nhất ta có được vì suốt mấy ngàn năm tồn tại, Việt Nam nếu không nằm dưới chế độ quân chủ chuyên chế thì cũng bị đô hộ bởi ngoại bang, và từ 50 năm nay dưới một chế độ độc tài đảng trị.
Dù ngắn ngủi và phải xây dựng một quốc gia mới mẻ vừa thoát khỏi 100 năm bị Pháp đô hộ, lại trong một cuộc chiến tàn khốc chống lại cộng sản chủ nghĩa để bảo vệ tự do, song miền Nam đã đạt được những thành quả đáng kể về nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và, đặc biệt hơn cả là giáo dục và văn học, nhất là văn học—một bộ môn ta có thể đo lường được qua tài liệu hiện còn được lưu trữ tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ, các trường đại học Mỹ, và từ hai thập niên qua trên Liên mạng nhờ những nỗ lực hoàn toàn cá nhân và tự nguyện.
Văn học miền Nam tồn tại mặc dù đã bị bức tử qua chiến dịch đốt sách và cả bắt bớ cầm tù đày đọa những người cầm bút tự do sau ngày Cộng sản Bắc Việt chiếm lĩnh miền Nam. Chẳng những tồn tại mà nền văn học ấy đã hồi sinh và hiện đang trở thành niềm cảm hứng cho các thế hệ Việt kế tiếp không chỉ ở hải ngoại mà còn cả trong nước. Có lẽ chưa có một nền văn học nào trên thế giới đã có thể thực hiện được những thành quả trong một thời gian ngắn ngủi chưa đầy một thế hệ như vậy.
Bài viết này sẽ tổng kết các lý do dẫn đến thành quả của văn học miền Nam trong 20 năm, từ 1954 tới 1975–một trong hai thời kỳ văn học phát triển có thể nói rực rỡ và phong phú nhất của Việt Nam (sau nền văn học tiền chiến vào đầu thế kỷ 20). Tiếp theo là việc khai tử văn học miền Nam qua chiến dịch đốt và tịch thu các văn nghệ phẩm, cầm tù văn nghệ sĩ. Và kế là những nỗ lực cá nhân và tự nguyện để phục hồi văn học miền Nam tại hải ngoại và hiện trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ Việt yêu chuộng văn chương chữ nghĩa.
20 năm văn học tự do phát triển dù chiến tranh
Năm 1954 đất nước bị chia đôi, dẫn đến việc miền Bắc bị lọt vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản và cuộc di cư của gần một triệu người vào Nam với sự hình thành của một quốc gia mới, Việt Nam Cộng hòa, đặt trên nền tảng dân chủ tự do có thật dù tương đối, không chỉ hiện diện trên giấy tờ như ở miền Bắc.
Người Bắc di cư vào Nam cũng đồng thời mang theo toàn bộ nền văn học tiền chiến đã bị Cộng sản triệt tiêu tại miền Bắc. Cùng với người miền Nam, họ còn giúp duy trì văn nghệ phẩm của nhóm Nhân Văn Giai phẩm xuất hiện ngắn ngủi tại miền Bắc vào giữa thập niên 1950, khi các văn nghệ sĩ đòi quyền tự do sáng tác song đã bị chính quyền Cộng sản đàn áp bóp nghẹt. Tác phẩm của họ đã “vượt tuyến” vào Nam và được học giả Hoàng văn Chí xuất bản thành tuyển tập Trăm hoa đua nở trên đất Bắc—cuốn sách đã ảnh hưởng sâu đậm nơi người viết bài này lúc ấy mới ở tuổi đôi mươi.
Nhà phê bình Thụy Khuê, khi bàn về các nguyên nhân dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ và phong phú trong vòng có 20 năm của văn học miền Nam trong bài tiểu luận “Văn học miền Nam” (2007), đã nêu ra ba yếu tố, như một chiếc kiềng ba chân, trên đó nền văn học này đã được xây dựng và phát triển:
Miền Nam […] có truyền thống quốc ngữ lâu đời, và chính tiếng Nam cũng lại là một nguồn ngôn ngữ đa dạng, đầy âm thanh và màu sắc đối với những nhà văn Bắc di cư; nhiều người đã dựa vào kho tàng mới này để làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn chương của mình. Tóm lại, nhờ ba yếu tố:
1- Dựa trên nền móng quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, cộng thêm tiếng Nam như một kho tàng ngôn ngữ mới.
2- Nhờ sự bảo tồn văn học tiền chiến và bảo lưu Nhân Văn Giai Phẩm trong thời kỳ chia đôi đất nước mà miền Nam không bị cắt đứt với quá khứ và hiện tại văn học của cả nước.
3- Nhờ sự nối kết với các trào lưu văn học và tư tưởng nước ngoài mà miền Nam đã xây dựng được một nền văn học đa dạng trong hoàn cảnh chiến tranh và bất ổn chính trị.
Đấy là nền móng trên đó văn học miền Nam được xây dựng. Nền văn học đó phát triển mạnh mẽ còn nhờ ở hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa dựa trên nền móng nhân bản, dân tộc và khai phóng.
Thế nào là một nền giáo dục dựa trên triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng?
Giáo sư Lê Xuân Khoa, nguyên là một chứng nhân của lịch sử giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, từng giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH và đã tham gia Hội nghị Giáo dục Toàn quốc họp bàn dẫn đến triết lý giáo dục đó vào khoảng năm 1956 — thời điểm một năm sau khi Chính phủ Pháp hoàn toàn trao trả độc lập cho Chính phủ miền Nam Việt Nam và chính thể Cộng hòa ra đời. Do đấy, không ai khác hơn GS Khoa có thể giải thích rõ ràng hơn về triết lý giáo dục thời Cộng hòa. Trong một cuộc hội luận trên đài Á châu Tự do (RFA) vào năm 2018, ông nói:
Nhân bản tức là nói về con người, lấy con người làm cơ sở cứu cánh. Cho nên, nền giáo dục phải chú trọng đến con người và phát triển con người toàn diện, một con người với giá trị phổ quát của nhân loại. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Nuôi dạy một đứa bé từ nhỏ đến lớn thành một trí thức thì trí thức đó có cơ sở của nhân loại và có cơ sở của Việt Nam để đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Đó là đặc tính dân tộc. Và thứ ba là vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Bởi vì Việt Nam trong hoàn cảnh là một quốc gia chậm tiến, hay bây giờ người ta dùng chữ đẹp đẽ hơn, gọi là quốc gia đang phát triển, do đó khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương. Đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.
Chính triết lý giáo dục này đã hun đúc thế hệ lớn lên vào thời Cộng hòa và giúp tạo nên một lớp người cầm bút trẻ–trong đó có người viết này–thấm nhuần không chỉ những hương hoa của văn học tiền chiến mà còn của văn chương cổ điển Việt đượm tính nhân nghĩa lễ trí tín, bên cạnh những tác phẩm văn học cũng như triết học của các tác giả quốc tế qua các bản dịch của một thế hệ cầm bút thiết tha với việc truyền bá kiến thức nhằm hun đúc các thế hệ hữu ích cho tương lai đất nước.
Nhìn từ khía cạnh thực tiễn, nền giáo dục ấy cũng đã xây dựng nên một cộng đồng độc giả rất cần thiết để giúp nuôi dưỡng duy trì ngành xuất bản, các nhà viết sách giáo khoa cũng như văn học.

Theo tạp chí Luật Khoa, trong phim tài liệu ngắn, song cô đọng, trên YouTube thì vào năm 1975, Nam Việt Nam có cả thảy khoảng 900 nhà in, 180 nhà xuất bản (so với 21 nhà cùng thời của miền Bắc), mỗi năm xuất bản hơn 1,000 tựa sách. Theo nhà giáo kiêm nhà văn Đoàn Thêm, tác giả của bộ sách gồm nhiều cuốn Chuyện từng ngày, thì riêng từ năm 1961 đến 1963 thấy ra mắt 2,624 nhan đề, nhiều nhất là tiểu thuyết và thơ, với tổng cộng 546 cuốn. Năm 1965, 1970 và 1973 cho thấy tổng cộng 96,000 tấn giấy nhập cho hơn 700 nhà in, in ra 86 triệu cuốn sách, trong đó 20 nhà in lớn có nhà in tới một triệu cuốn.
Với một số lượng nhà in, nhà xuất bản và sách như vậy, mặc dù một số lớn là sách giáo khoa, song ta cũng có thể hình dung đời sống văn học cũng nhờ đó mà phát triển. Điều hiển nhiên là trước 1975, nhiều người cầm bút ở miền Nam đã có thể sinh sống hoàn toàn bằng nghề viết văn. Đặc biệt hơn cả là giới phụ nữ trước kia vốn chả bao giờ dám nghĩ mình có thể kiếm sống bằng ngòi bút, mà lại là viết tiểu thuyết nữa. Do đấy mà ta thấy trong văn học miền Nam có một hiện tượng nổi bật là sự xuất hiện của những cây bút phụ nữ chuyên nghiệp kiếm sống, và lại còn nuôi được cả gia đình, bằng nghề cầm bút viết truyện, như Bà Tùng Long, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi có viết một bài chi tiết về “Phụ nữ viết văn thời Cộng hòa” tại đây.
Nhà văn Võ Phiến, qua cuốn đầu Văn học Miền Nam Tổng quan (trong bộ sách gồm bẩy cuốn), nhà xuất bản Văn Nghệ in lần đầu năm 1986, tái bản lần thứ hai năm 2000 với phần cập nhật ở Phụ lục về chiến dịch đốt sách của cộng sản, ghi lại khá chi tiết về sinh hoạt văn học của miền Nam trước 1975. Trong phần Tác Phẩm và Tác Giả ở cuối sách, ông đã liệt kê danh sách và tiểu sử của khoảng 360 nhà văn, một phần lớn thuộc thế hệ trưởng thành sau 1954. Ngoài ra, có một số vị viết từ trước khi có cuộc di cư 1954 song vẫn tiếp tục viết, có lẽ còn hăng say hơn do bầu không khí cởi mở và có thể cũng vì nhu cầu của người đọc, từ đấy tiếp tay xây dựng nền văn học của miền Nam thêm rực rỡ, phong phú, cả bề dày lẫn bề sâu.
Kể từ đầu thập niên 1960, Cộng sản Bắc Việt khởi động chiến dịch tiến chiếm Nam Việt Nam qua công cụ Mặt trận Giải phóng miền Nam, mà cao điểm là vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968, mặc dù đã hai bên đã đồng ý ngưng chiến trong ba ngày Tết để dân chúng ăn Tết. Hàng loạt thành phố bị tấn công, hàng ngàn dân vô tội bị thảm sát ở Huế. Rồi, mặc dù hiệp định ngưng bắn đã được long trọng ký kết ở Paris năm 1973, chiến tranh vẫn tiếp diễn với việc Bắc quân đem hàng trăm xe tăng tràn qua Vùng Phi Quân Sự tại Bến Hải tấn công Quảng trị, đe dọa Huế, song song với mặt trận Bình long – An Lộc, lính hai bên và dân chúng chết hàng loạt. Cuộc tấn công này đã dẫn đến sự kiện khoảng 2,000 dân chạy loạn bị thảm sát khi đại bác của Cộng sản từ trên rặng Trường Sơn nã xuống quãng Quốc lộ số 1 ở Mỹ Chánh, xác người gồm nhiều thường dân, đàn bà và trẻ em nằm la liệt dãi dầu mưa gió suốt mấy tháng trời vì đang còn giao tranh nên thân nhân không được vào tìm xác. Khi nhật báo Sóng Thần phát động chiến dịch quyên tiền để hốt xác và chôn cất nạn nhân chiến cuộc, tôi đã có dịp chứng kiến những xác người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em trên quãng đường có hỗn danh là “Đại lộ Kinh hoàng” này. Mời xem bài tường thuật cùng nhiều tài liệu liên hệ tại đây.
Mặc dù chiến tranh, khói lửa, chết chóc, chia lìa, văn học miền Nam, nhờ có tự do và không bị chỉ đạo phải viết cái gì và viết ra sao, đã hồn nhiên khai thác và diễn tả tình tự cảm-nghiệm-sao-viết-ra-vậy của con người thời chiến. Đó là thời kỳ của những Đêm nghe tiếng đại bác, những Em hỏi anh bao giờ trở lại, những Ngày mai đi nhận xác chồng, những Mẹ già lên núi tìm xương con mình, và nhiều nữa; nếu không là thơ văn ca nhạc phản chiến, mong mỏi hòa bình bằng mọi giá để được Nối vòng tay lớn; hoặc trốn tránh thế tục Lên non tìm động hoa vàng. Thôi thì đủ cả, như một cánh đồng hoa dại đủ loại đủ màu.
Cách đây vài năm, trong một buổi hội luận trực tuyến với một số bạn trẻ về văn học miền Nam qua kinh nghiệm của cá nhân người viết, một tham dự viên hỏi tôi, đại khái, là tôi có nghĩ là văn học nghệ thuật của miền Nam đa phần ủy mị, bi lụy đã phần nào tiếp tay cho sự sụp đổ của miền Nam, tôi đáp có thể có một phần nào đó trong số vô vàn lý do dẫn tới sự tan hàng này. Em đó lại hỏi, nếu cho đi lại thì liệu người cầm bút có nên tránh viết những điều bi quan yếm thế hoặc ủy mị như thế. Tôi đáp là làm sao nói khác đi được những cảm nghĩ thực của mình, và đó cũng là cái giá phải trả cho việc nói thực. Em hỏi tôi mấy câu đó là một người sinh trưởng ở Hà Nội, sau đó điện thư cho tôi nói muốn ứa nước mắt khi nghe tôi trả lời.
Chiến dịch bức tử văn học miền Nam
Học giả Nguyễn Hiến Lê, người tình nguyện ở lại trong nước sau 1975 và vốn sẵn cảm tình với những người cộng sản, đã trở thành nhân chứng của chiến dịch triệt tiêu nền văn hóa miền Nam sau 1975, do đấy nhận xét của ông có tính xác tín đáng kể. Trong cuốn Hồi Ký Tập III của bộ sách gồm ba cuốn do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 1988 (ấn bản duy nhất trung thực với bản thảo do tác giả gửi lén thẳng ra hải ngoại in ngay sau khi hoàn tất bản thảo), ông Lê viết, nơi trang 74-80, về chiến dịch đốt và tịch thu sách vở miền Nam như sau, xin ghi lại đây cho độc giả nào không tiện truy khảo trực tiếp:
Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Ðôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm 1976 một ông thứ trưởng Văn hóa ở Bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc.
Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kỹ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lý, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải hủy hết ráo.
Năm 1975, sở Thông tin văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt: sau mấy tháng làm việc, họ lập xong một danh sách mấy chục tác giả phản động hay đồi trụy và mấy trăm tác phẩm bị cấm, còn những cuốn khác được phép lưu hành. Nhưng đó chỉ là những sách còn ở nhà xuất bản, những sách tuyệt bản còn ở nhà tư nhân thì nhiều lắm, làm sao kiểm duyệt được? Cho nên sở Thông tin văn hóa ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi trụy trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kỳ loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó… Lần đó sách ở Sài Gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại bán với giá cao.
Ông Lê, một người cầm bút chân chính và, như đã kể, là nhân chứng của giai đoạn chế độ cộng sản tận diệt nền văn học miền Nam tự do này, viết tiếp:
Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị ‘ba hủy’, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không phải là loại phản động (một hủy),thì cũng là đồi trụy (hai hủy), không phải phản động, đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lý… Mọi người hoang mang, gặp nhau ai cũng hỏi phải làm sao. Có ngày tôi phải tiếp năm sáu bạn lại vấn kế.”

Ông Lê cho biết thêm:
Ruồng bố tịch thu đốt sách của văn học miền Nam thôi chưa đủ, chính quyền Cộng sản còn bắt bớ bỏ tù một số khoảng 30 người cầm bút tên tuổi của miền Nam mà họ gọi là “gián điệp,” “tuyên truyền phản cách mạng,” là “biệt kích văn nghệ.”
Đối với các văn nghệ sĩ còn lại thì chính quyền Cộng sản ra lệnh cho họ phải tham dự các khóa “Bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ miền Nam,” mỗi khóa kéo dài nhiều tháng. Trong khi đó, hàng chục cuốn sách đã được những cây bút Cộng sản và các tay nằm vùng tại miền Nam viết ra lên án văn nghệ sĩ miền Nam là Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn-Hóa Tư Tưởng, như tựa đề của một cuốn sách, những kẻ có tội với nhân dân vì đã làm tay sai cho thực dân mới (Mỹ) viết và phổ biến loại “văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng, cực kỳ phản động” nhằm đầu độc nhân dân.
Theo Nguyễn Vy Khanh, tác giả của bộ sách hai cuốn dầy tổng cộng 1,600 trang, Văn học Miền Nam 1954-1975, thì từ 1975 đến 1979 có gần 20 cuốn sách chửi bới phê bình văn học nghệ thuật thời Cộng hòa là “văn học tay sai nhưng đáng sợ như những trái bom!” Ông viết:
Vào tháng 3-1981, nhà cầm quyền Hà-Nội ra hẳn một cuốn danh mục mới gồm 122 tác giả với toàn bộ tác phẩm bị cấm lưu hành. Trong chiến dịch lên án và triệt hạ này, theo thống kê chính thức năm 1981, trong chiến dịch đợt 3 vào tháng 6 năm 1981 chính quyền cộng-sản đã tịch thu trên toàn quốc 3 triệu đơn vị ấn phẩm trong đó 316,314 sách báo bị cấm; riêng ở Sài-gòn 60 tấn sách (151,200 cuốn), 41,723 cuộn băng nhạc, 53,751 bức tranh, 631 cuộn phim. v.v. Đồng thời khám phá ra 205 nhà in bí mật (-Theo Trần Thọ, Tạp-chí Cộng-Sản 10-1981).Bấy nhiêu nỗ lực để tận diệt văn học miền Nam tự do ấy, số phận của nó đã ra sao? Một nhà văn lớn của miền Nam ngay từ dạo ấy đã tiên đoán số phận của văn học miền Nam rồi sẽ như thế nào.

Nhã Ca, tác giả Đêm nghe tiếng đại bác và Giải Khăn Sô Cho Huế, kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong bài nói chuyện tại buổi hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Đại học UC Berkeley cuối năm 2016:
Đó là một buổi trưa mùa Xuân, ở một ngã ba trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, có cảnh công an khu vực huy động thanh thiếu niên đốt sách. Nơi đốt sách là con đường ngay xế cửa nhà anh Nguyễn Mạnh Côn. Đứng cùng chúng tôi trên bao lơn lầu một, nhìn xuống cảnh đốt sách, anh Côn cười cười bảo, “Rồi các cậu coi. Chữ nghĩa bọn nhà văn miền Nam, tiếng hát của nghệ sĩ miền Nam, các anh có đốt tới Tết Công Gô cũng chẳng ăn thua gì.” Chỉ tuần lễ sau đó có cuộc hành quân công an qui mô chưa từng thấy. Đêm mùng 3/4/1976, hàng trăm văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bắt giam. Anh Côn, chúng tôi, cả vợ lẫn chồng, đều đi tù, đi đày.
Nhã Ca, người bị cầm tù hai năm rồi được thả về để lo cho bầy con còn nhỏ trong khi chồng của chị là nhà thơ/nhà báo Trần Dạ Từ ở tù 12 năm, kể tiếp là khi còn bị giam tại một nơi tập trung văn nghệ sĩ ở Gia định:
Có lần bọn tù văn nghệ sĩ bị lùa lên xe, đưa đến “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy” để “học tập.” Khu triển lãm là một giảng đường đại học cũ, tội ác được trưng bày là những cuốn sách của văn học miền Nam. Trong số này có cả sách Nhã Ca. Cuốn Giải Khăn Sô cho Huế được treo cao. Tất cả bọn tù nhà văn chúng tôi cùng đứng nghiêm. Nhìn thẳng. Lặng lẽ. Trân trọng chào tác phẩm của mình và bạn hữu.
Sức mạnh văn hóa từ sách báo Sài Gòn đúng là có thể thức tỉnh những người bị lừa phỉnh, như nhà văn nữ miền Bắc vào giải phóng miền Nam đã kể. […] Ngày đầu vào “giải phóng Sàigòn,” ngay khi được nhìn thấy những cuốn sách của miền Nam, chị khóc vì hiểu mình bị lừa, nhiều thế hệ bị lừa. Tôi tin điều chị viết. Như con người, như đường phố, ruộng vườn, văn hóa, văn học nghệ thuật miền Nam là loại thành tựu đã hiện ra ngay trong sự sụp đổ. Và ngày càng rõ hơn. Không cách gì xóa nổi.
Không chỉ mình người sau này trở thành tác giả Thiên Đường Mù, tác phẩm đã đưa Dương Thu Hương chính thức lên hàng tác giả nổi tiếng, mà cả những đồng nghiệp của bà cũng bị lôi cuốn bởi cả rừng văn nghệ phẩm đầy tình tự của miền Nam nữa.
Patrick James Honey, học giả người Anh thông thạo tiếng Việt và là chuyên gia về Việt Nam, viết trong một bài báo mang tựa đề “Việt Nam mới: Chủ nghĩa cộng sản và tham nhũng cùng tồn tại” đăng trên tờ London Telegraph xuất bản trong thời kỳ triệt tiêu văn hóa phẩm của miền Nam này, bài báo đã được tạp chí Luật Khoa trích dẫn, như sau:
Hàng trăm tấn sách “được [chế độ] chấp thuận” đã được gửi vào từ miền Bắc [để phổ biến trong dân chúng của miền Nam], tất cả đều được xuất bản dưới chế độ cộng sản ở đó, mặc dù một trong những điều oái oăm của Sài Gòn là cảnh tượng các cán bộ miền Bắc say mê đọc những cuốn sách bị cấm mà họ đã, một cách bất hợp pháp, cứu khỏi bị tiêu hủy và còn giới thiệu chúng cho các đồng nghiệp nữa.

Tóm lại, có thể nói văn học miền Nam đã có dịp len lỏi vào ngự trị trong tâm khảm thế hệ đi “giải phóng” miền Nam, để thấy là chính họ mới là thật sự được giải phóng khỏi một đời bị tuyên truyền nhồi sọ.
Thế nên không có gì là lạ khi, vào giữa thập niên 1980, được chế độ tạm “cởi trói” nhằm giảm bớt sức ép xã hội lên chế độ vì kinh tế suy sụp trầm trọng, giới cầm bút trong nước đã nhờ đó tiếp nối công trình bị buộc phải bỏ dở của nhóm Nhân Văn Giai phẩm. Họ giấy nên một phong trào mà đồng nghiệp của họ ở hải ngoại đã chào đón và mệnh danh, như tựa đề của một bộ sách dày 797 trang, là Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, với những sáng tác rút ra từ tâm can sâu thẳm của người cầm bút và những mô tả đầy tính hiện thực.
Các nỗ lực phục hồi văn học miền Nam
Vào cuối thập niên 2000 trước thời Internet bùng phát, nhà phê bình trong nước Vương Trí Nhàn, một người vẫn quan tâm tới văn học miền Nam mà ông đã có dịp tiếp xúc (lén) từ nhiều năm trước 1975, tỏ ý quan ngại, trong một dịp chuyện trò với nhà phê bình Thụy Khuê, là nếu không sưu tầm gom góp mau thì nền văn học này sẽ bị thất thoát mai một đi mất. Đó là cái nhìn trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều ngăn cấm e dè đối với văn học miền Nam, dù đã trên ba thập niên kể từ ngày chế độ điên cuồng đốt hủy văn nghệ phẩm miền Nam, chửi bới lên án và cầm tù đày đọa các tác giả của chúng.
Thực tế, ngay từ những năm đầu tị nạn tại Hoa Kỳ và rải rác tại các nước tự do khác trên thế giới đã đưa tay đón nhận họ, nhiều nỗ lực đã có nhằm bảo tồn văn nghệ phẩm ra đời thời Cộng hòa. Vào những thập niên đầu, người Việt tị nạn một mặt cố gắng xây dựng lại đời sống trên mảnh đất quê hương thứ hai, trong khi nuôi dạy con cái, vun xới gia đình, và có một dạo còn cung cấp cho người thân, bằng hữu còn kẹt lại sống thiếu thốn mọi sự; họ đồng thời, vào giờ rảnh rỗi và dịp cuối tuần, tập hợp nhau, người bàn chuyện quang phục quê hương; kẻ nói chuyện bảo tồn lịch sử và văn hóa đã bị cộng sản tàn phá, hủy hoại ở quê nhà–cũng là một phương thức quang phục quê hương khi các giá trị dân tộc và nhân bản đang trên đà thoái hóa nơi quê nhà. Những hoạt động này đã giúp nối kết người Việt hải ngoại không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới lại với nhau.
Bên cạnh đó, là những nỗ lực phục hưng văn học miền Nam, phần lớn tự nguyện, song phải nói là phong phú, xuất hiện dưới hình thức sách báo, băng đĩa nhựa, hình ảnh, bày bán khắp nơi. Những tác phẩm bị cộng sản cấm đoán, tịch thu, đốt hủy cũng đã được chụp và tái bản ở hải ngoại, ngay cả những bộ sách của thời tiền chiến được tái bản ở miền Nam trước 1975 cũng theo chân chúng ta ra hải ngoại, được chụp và in lại. Và hồi ký đủ loại đề tài phong phú của nhiều người viết thuộc mọi thành phần trong và ngoài nước, đặc biệt là các hồi ký của nhiều người đã từng là đảng viên cộng sản nay tỉnh ra.
May mắn cho chúng ta là nhờ kỹ thuật Internet ra đời và trở nên phổ biến từ khoảng 30 năm nay, sinh hoạt phục sinh và bảo tồn văn học nghệ thuật của cộng đồng lưu vong Việt ngày càng nở rộ. Tôi đã tường thuật chi tiết các nỗ lực này trong bài này, nhằm giới thiệu sơ qua những trang điện tử hiện lưu giữ một số lượng đáng kể sách báo xuất bản thời Cộng hoà.

Ngoài ra, từ một thập niên trở lại đây, nhờ công trình nghiên cứu học thuật của một số giáo sư trẻ gốc Việt tại các trường đại học tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt tại Mỹ và, qua Internet, tại cái nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam, biết được về công cuộc kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng hòa qua các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục và văn học nghệ thuật. Đây là một phần lịch sử không thể thiếu trong bộ lịch sử mấy ngàn năm của Việt Nam. Công trình này tôi cũng đã trình bày chi tiết trong bài trên. Tiếc là cho đến bây giờ, sau nửa thế kỷ, chế độ Hà Nội vẫn còn nhiều e ngại để công khai chấp nhận quả đã có một thời Cộng hòa dân chủ phát triển như thế đó—một mảng lịch sử không thể thiếu trong toàn bộ sử Việt.

Trong một bài viết ngắn vài ngàn chữ nhân tưởng niệm 50 năm ngày đất nước và dân Việt chúng ta đổi đời, dù cố gắng thu gọn vào một góc cạnh đời sống là văn học nghệ thuật, người viết cũng chỉ có thể hy vọng đây sẽ là bài viết gợi ý và gợi hứng cho những nghiên cứu sâu xa hơn của các thế hệ tương lai.
Văn học miền Nam: một vòng tử sinh trên quê hương
Để kết thúc bài này, tưởng cũng nên duyệt qua một sự kiện tích cực đã và đang diễn ra trong nước. Đó là khoảng 10 năm trở lại đây chúng ta đã thấy có sự chuyển động tích cực đặc biệt đối với nền văn học mà chế độ cộng sản đã có một dạo quyết liệt xóa bỏ. Như thể những hạt giống ươm nơi các thanh niên thế hệ đi “giải phóng” miền Nam dạo nào đã nảy mầm và đang dần phát triển.
Chẳng những một số sách của các tác giả miền Nam đã được in lại và phổ biến (nguyên văn hay có duyệt cắt tôi không biết), mà một số nghiên cứu học thuật cũng đã và đang được thực hiện. Đây là điều đáng mừng cho nền văn học Việt Nam nói chung.
Về nghiên cứu học thuật liên quan tới văn học miền Nam, rải rác đó đây thì đã có những bài nghiên cứu về một vài góc cạnh nào đó của văn học miền Nam. Nhưng toàn bộ về một bộ môn thì phải kể đến luận án tiến sĩ Lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 của Trần Hoài Anh nạp cách đây trên 10 năm. Tập luận án sau này được tác giả soạn lại và xuất bản thành sách dưới tựa đề Lý Luận-Phê Bình Văn Học Miền Nam 1954-1975 – Tiếp Nhận Và Ứng Dụng. Được biết cuốn sách vừa được Giải thưởng Phê bình của Hội nhà văn Việt Nam.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Trần Hoài Anh, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, cho biết:
Từ hơn chục năm trước chọn đề tài “Lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975” để làm luận án Tiến sĩ, với tôi là một điều khá mạo hiểm, Nhưng có lẽ nhờ sự thay đổi hệ hình tư duy nghiên cứu văn học của thời kỳ đổi mới khi hàng loạt các hiện tượng văn học thuộc vào loại cấm kỵ như Phong trào thơ mới, Tự lực văn đoàn, Nhân văn giai phẩm… đã được nhìn nhận, đánh giá lại và được “chiêu tuyết” trong đời sống văn học, cho nên việc chọn đề tài luận án của tôi cũng không gặp trở ngại gì.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho đời sống văn học dân tộc khi mà văn học miền Nam trước 1975, vốn bị xem là “văn học đồi trụy” “phản động” như một số người đã gán ghép cho nó ở một thời không xa, nay lại được chính thức nghiên cứu “đàng hoàng” trong môi trường học thuật ở một viện nghiên cứu khoa học uy tín là Viện văn học Việt Nam. Đồng thời, việc văn học miền Nam trước 1975 xuất hiện lại trong đời sống văn học nước nhà là một điều tất yếu trong sự vận động và phát triển của việc thay đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, và là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có sự đổi mới của văn học.
Tóm lại, dẫu người Việt sau nửa thế kỷ chưa thể hòa giải được với nhau trên trường chính trị đa nguyên, thì ít ra chúng ta đang tiến lại gần nhau hơn qua một nền văn học đầy nhân bản tình người vậy.
Riêng kính tặng các văn hữu đồng nghiệp miền Nam từ trước 1975 của chúng ta nay đã vĩnh viễn ra đi. —TD
[TD2025/04]
Chú thích:
Các đường dẫn trong bài:
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Saigon : Mặt-trận bảo-vệ tự-do văn-hóa, 1959. https://lccn.loc.gov/75986982 và https://www.scribd.com/document/535108983/Tr%C4%83m-Hoa-%C4%90ua-N%E1%BB%9F-Tren-%C4%90%E1%BA%A5t-B%E1%BA%AFc-NXB-Sai-Gon-1959-Hoang-V%C4%83n-Chi-330-Trang
“Văn học miền Nam”, http://thuykhue.free.fr/stt/v/VanHocMienNam.html
“Vì sao triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa mãi trường tồn?” https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-the-educational-philosophy-of-south-vn-still-exits-forever-11282018124142.html
“Book burning of the South Vietnam – Miền Bắc đốt sách của Miền Nam như thế nào?” https://www.youtube.com/watch?v=_mjoRthhK_s
Võ Phiến, Văn học Miền Nam Tổng quan, https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=DA3D1FCFB36FBA80D3326C66330DD83E?action=viewArtwork&artworkId=3056
“Phụ nữ viết văn thời Cộng hòa”, https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/phu-nu-viet-an-thoi-viet-nam-cong-hoa/
“Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại lộ Kinh hoàng’”, https://usvietnam.uoregon.edu/tu-lieu-lich-su-hot-xac-dong-bao-tu-nan-tren-dai-lo-kinh-hoang-1972/
Trùng Dương hội luận về văn học miền Nam với các bạn trẻ:
https://youtu.be/sIXFLydUMLM?si=8nmIRTYZ3uKa58cu
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Tập I, II & III, Văn Nghệ xuất bản 1988, https://hoangkyblog.wordpress.com/2023/05/11/toan-bo-hoi-ki-nguyen-hien-le-nha-xuat-ban-van-nghe-california-hoa-ky-1989/
Nhật Tiến, “Hoàn Cảnh Sáng tác Của Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ Ở Quê Nhà Sau 30-4-1975”, https://nhavannhattien.wordpress.com/hoan-canh-sang-tac-cua-anh-chi-em-van-nghe-si-o-que-nha/
Nguyễn Vy Khanh, “Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 (Phần 2): Một thời tưởng tiếc”, https://damau.org/35752/van-hoc-mien-nam-tu-do-1954-1975-phan-ii
Nguyễn Vy Khanh, Văn Học Miền Nam 1954-1975, Quyển Thượng và Quyển Hạ, https://www.amazon.com/V%C4%83n-H%E1%BB%8Dc-Mi%E1%BB%81n-Nam-1954-1975/dp/1989924956
Nhã Ca, “Người cầm bút thời Việt Nam Cộng Hòa”, Chương 13, tr. 280-290, Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 – Kinh Nghiệm Kiến Quốc, chủ biên Vũ Tường và Sean Fear, Văn Học 2022, https://www.barnesandnoble.com/w/viet-nam-cong-hoa-kinh-nghiem-kien-quoc-tuong-vu/1140834973?ean=9798765508558
“UC Berkeley Nhìn Lại 20 Năm VNCH Xây Dựng Quốc Gia Trong Thời Chiến”, Kỳ 1 và 2, https://damau.org/44777/uc-berkeley-nhin-lai-20-nam-vnch-xay-dung-quoc-gia-trong-thoi-chien-ky-12 và https://damau.org/44805/uc-berkeley-nhin-lai-20-nam-vnch-xay-dung-quoc-gia-trong-thoi-chien-ky-22
Trăm hoa vẫn nở trên quê hương: Cao trào văn nghệ phản kháng tại Việt-Nam, 1986-1989: tuyển tập. Reseda, CA : Le Tran Pub. Co., c1990. 797 p. : ill. ; 24 cm. PL4378.4 .T7 1990, https://lccn.loc.gov/91164038
“Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn”, http://thuykhue.free.fr/stt/v/VuongTriNhan-NC-VHMN.html
“Trùng Dương: 48 năm sau nhìn lại. Công trình vãn hồi sách báo Miền Nam & nghiên cứu kinh nghiệm kiến quốc 1955-1975 của VNCH”, https://diendantheky.net/trung-duong-48-nam-sau-nhin-lai-cong-trinh-van-hoi-sach-bao-mien-nam-nghien-cuu-kinh-nghiem-kien-quoc-1955-1975-cua-vnch/
“Chuyện trò với Giáo sư Vũ Tường về cuộc hội thảo Kinh nghiệm kiến quốc trong thời chiến của Việt Nam Cộng hoà, 1955-1975 tại UC Berkeley”, https://vietbao.com/a258967/chuyen-tro-voi-giao-su-vu-tuong-ve-cuoc-hoi-thao-kinh-nghiem-kien-quoc-trong-thoi-chien-cua-viet-nam-cong-hoa-1955-1975-tai-uc-b
Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc, Vũ Tường & Sean Fear chủ biên, https://damau.org/71006/viet-nam-cong-ha-1955-1975-kinh-nghiem-kien-quoc-vu-tuong-sean-fear-chu-bin
“Nhà phê bình Trần Hoài Anh: Văn học miền Nam là một di sản”, https://vanhocsaigon.com/nha-phe-binh-tran-hoai-anh-van-hoc-mien-nam-la-mot-di-san/
“Văn học: Lý Luận-Phê Bình Văn Học Miền Nam 1954-1975 – Tiếp Nhận Và Ứng Dụng PDF”, https://yds.edu.vn/ly-luan-phe-binh-van-hoc-mien-nam-1954-1975-tiep-nhan-va-ung-dung-pdf/
“Nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh: Văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 – Bước hòa hợp mới”, https://vanhocsaigon.com/nha-nghien-cuu-tran-hoai-anh-van-hoc-nghe-thuat-mien-nam-truoc-1975-buoc-hoa-hop-moi/