Văn minh Hoàng Hà – Trung Quốc

by Tim Bui
Văn minh Hoàng Hà Trung Quốc

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Những nền văn minh lớn trên thế giới lần lượt xuất hiện dọc theo những con sông lớn, nơi có nguồn nước tốt để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: văn minh Ai Cập bên dòng sông Nin với huyền thoại Cleopatra và Kim tự tháp, văn minh Lưỡng Hà ở Trung Đông và văn minh Ba Tư huyền ảo với những huyền thoại trong “Ngàn lẻ một đêm”, rồi sau đó lan sang Hy Lạp với nhiều phát minh khoa học, văn minh Ấn Độ dọc theo dòng sông Ấn với biết bao nhiêu thần thoại và cổ tích của tôn giáo Bà la môn và Phật giáo. 

Riêng nền văn minh Trung Quốc, xuất phát từ lưu vực sông Hoàng Hà, xung quanh dãy núi Thái Sơn nằm phía Bắc sông Hoàng Hà. Người Trung Quốc thời xa xưa hay gọi lãnh thổ của họ là Trung Nguyên, có nghĩa là cánh bình nguyên ở giữa. Nếu lấy núi Thái Sơn và sông Hoàng Hà làm tâm điểm, thì Trung Nguyên bao gồm bốn tỉnh: Hà Bắc – phía Bắc sông Hoàng Hà, Hà Nam – phía Nam sông Hoàng Hà; Sơn Đông – phía Đông của núi Thái Sơn, và Sơn Tây – phía Tây của núi Thái Sơn.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn hơn những nền văn minh cổ đại khác trên thế giới, nhưng có lẽ nhờ điều kiện địa lý, nền văn minh Trung Quốc có thể nói là một nền văn minh kéo dài nhất của xã hội loài người. Nó đã trải qua liên tục khoảng năm ngàn năm và được sử sách Trung Quốc ghi lại một cách khá hoàn chỉnh.

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên (145 – 86 TCN), một sử gia danh tiếng của Trung Quốc thời Hán Vũ Đế, thì vào khoảng 3000 năm trước công nguyên (TCN,) Trung Quốc bắt đầu tổ chức thành những hệ thống xã hội phức tạp hơn so với con người ở thời kỳ đồ đá. Dựa trên những truyền thuyết mà ông ghi nhận được thì Tam Hoàng – Ngũ Đế là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN. 

Thời kỳ Tam Hoàng – Ngũ Đế là thời kỳ sơ khai tối cổ của Trung Quốc, văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ và dân chúng rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại.

Sau thời kỳ huyền thoại Tam Hoàng – Ngũ Đế, khoảng thời gian từ năm 2200 TCN – 1200 TCN, theo truyền thuyết, đã xuất hiện những thế lực lớn, bên cạnh hàng ngàn bộ lạc lớn nhỏ khác ở Trung Nguyên: nhà Hạ ở Sơn Tây, nhà Thương ở Hà Nam, và sau đó là nhà Chu ở Thiểm Tây (phía tây giáp với Sơn Tây). 

Nhà Hạ truyền được 17 đời vua, được hơn bốn trăm năm thì diệt về tay Thành Thang nhà Thương. Cuối đời nhà Thương vua Trụ tàn bạo và dâm loạn, mê nàng Đắc Kỷ, bỏ bê triều chính, vì vậy vào khoảng năm 1100 TCN, nhà Chu, một thế lực kém văn minh hơn ở phía tây, bắt đầu nổi lên, tiêu diệt nhà Thương. 

Nhà Chu khởi nghiệp với Chu Vũ Vương. Ông này tôn cha mình đã qua đời, người khởi công quy tụ các bộ lạc chung quanh đi đánh nhà Thương, thành Chu Văn Vương, mặc dù Văn Vương chưa bao giờ làm vua. Khi Vũ Vương mất, ông truyền ngôi cho con là Chu Thành Vương, lúc ấy hãy còn nhỏ, ông nhờ em mình là Chu Công Đán làm nhiếp chính. Chu Công Đán hay còn gọi là Chu Công, tuy là nhiếp chính, nhưng chính ông là một thiên tài chính trị, đã xây dựng nên một triều đại phong kiến cho nhà Chu, kéo dài hơn 800 năm và một chính sách an bang trị quốc được Khổng Tử, Mạnh Tử, và các người kế thừa phát triển thành Khổng giáo. Hệ thống tư tưởng của Chu Công là nền tảng của hệ thống xã hội phong kiến và xã hội quân chủ, kéo dài hàng ngàn năm sau này. Có thể nói Chu Công là vị triết gia đầu tiên của Trung Quốc. 

Quyền lực tập trung của triều Chu dần suy yếu trước các chư hầu phong kiến, nhiều quốc gia độc lập cuối cùng xuất hiện từ triều Chu và liên tục tiến hành chiến tranh với nhau trong thời kỳ Xuân Thu kéo dài 300 năm từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 5 TCN. 

Đến thời Chiến Quốc trong thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 3 TCN, quân chủ bảy quốc gia hùng mạnh đều xưng vương như thiên tử triều Chu.

Thời kỳ Chiến Quốc kết thúc vào năm 221 TCN, sau khi nước Tần, sau nhiều cuộc cải cách quan trọng trải qua nhiều triều đại, đã chinh phục sáu vương quốc khác và thiết lập quốc gia Trung Hoa thống nhất đầu tiên. Tần vương Doanh Chính tuyên bố bản thân là “Thủy hoàng đế“, tức hoàng đế đầu tiên, và tiến hành cải cách khắp Trung Quốc. Đáng chú ý là cưỡng bách tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ, đo lường, chiều dài trục xe, và tiền tệ. Đế quốc Tần chỉ tồn tại trong 15 năm, nó bị diệt vong không lâu sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, do các chính sách Pháp gia hà khắc và độc đoán dẫn đến các cuộc nổi dậy rộng khắp nơi.

Đối với người Âu châu thời đó, nước Tần được gọi là Chin. Cái tên China có lẽ được đọc trại ra từ kiểu gọi này và quảng bá ra thế giới qua con đường tơ lụa.

Sau cái chết đột ngột của Tần Thủy Hoàng thì các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, cuối cùng thì quyền lực rơi vào tay của Hán Cao Tổ Lưu Bang, sau khi đánh bại được Sở Bá Vương Hạng Võ, mở đầu thời kỳ nhà Hán.

Triều đại Hán cai trị Trung Quốc trong 426 năm, từ 206 TCN đến 220 CN, thiết lập một bản sắc văn hóa Hán bền vững trong dân cư và tồn tại cho đến nay. Triều đại Hán mở rộng đáng kể lãnh thổ thông qua các chiến dịch quân sự đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ và Trung Á, và cũng tạo điều kiện mở rộng con đường tơ lụa tại Trung Á. Trung Quốc dần trở thành nền kinh tế lớn nhất của thế giới cổ đại. Triều Hán chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng quốc gia, đây vốn là một tư tưởng triết học phát triển vào thời kỳ Xuân Thu. Mặc dù triều Hán chính thức bãi bỏ hệ tư tưởng chính thức của triều Tần là Pháp gia, song những thể chế và chính sách Pháp gia vẫn tồn tại và tạo thành nền tảng cho chính phủ triều Hán. 

Sau khi triều Hán sụp đổ là một giai đoạn chia rẽ được mang tên Tam Quốc. Sau đó là một thời kỳ thống nhất ngắn ngủi dưới triều đại Tây Tấn, Trung Quốc bị các rợ phía Bắc xuống xâu xé trong các giai đoạn mà lịch sử của họ gọi là Ngũ Hồ Loạn Hoa và Nam-Bắc triều

Năm 581, Trung Quốc tái thống nhất dưới triều đại Tùy. Tuy nhiên, triều đại Tùy suy yếu nhanh chóng và bị lật đổ bởi Lý Uyên, một người tướng dưới triều nhà Tùy. Lý Uyên và và con là Lý Thế Dân lập ra nhà Đường tạo ra một thời kỳ thịnh vượng sau kỷ nguyên nhà Hán. Dưới các triều đại nhà Đường, công nghệ và văn hóa Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim mới kéo dài 288 năm từ năm 619 đến năm 907 . 

Loạn An Sử trong thế kỷ thứ 8 đã tàn phá quốc gia và khiến triều Đường suy yếu. Trung Quốc lại một lần nữa bị chia năm xẻ bảy trong thời kỳ Ngũ Đại – Thập Quốc trải dài 72 năm, từ năm 907 đến năm 979 và cuối cùng được thống nhất bởi Triệu Khuông Dẫn, vị vua khởi đầu lập ra nhà Tống.

Triều Tống là chính phủ đầu tiên trong lịch sử thế giới phát hành tiền giấy và là thực thể Trung Hoa đầu tiên thiết lập một đội hải quân thường trực. Trong các thế kỷ thứ 10 và 11, dân số Trung Quốc tăng lên gấp đôi, đến khoảng 100 triệu người, hầu hết là nhờ mở rộng canh tác lúa tại miền trung và miền nam, và sản xuất dư thừa lương thực. Thời Tống cũng chứng kiến một sự hưng thịnh của triết học và nghệ thuật, hội họa phong cảnh và tranh chân dung đạt được trình độ mới về sự thành thục và độ phức tạp, và các tầng lớp tinh hoa trong xã hội tụ tập để chiêm ngưỡng nghệ thuật, chia sẻ tác phẩm của họ và giao dịch các tác phẩm quý báu. Trong thời Tống, Nho giáo được phục hưng, đối lập với sự phát triển của Phật giáo vào thời Đường.

Trong thế kỷ thứ 13, Trung Quốc dần bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, người kế thừa của Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân của bộ tộc Mông Cổ thống nhất là Hốt Tất Liệt thiết lập triều đại Nguyên; quân Nguyên – Mông đánh bại nhà Tống và chiếm toàn bộ Trung quốc vào năm 1279. Người Mông Cổ cai trị Trung Nguyên được khoảng 100 trăm. Trước khi Mông Cổ xâm chiếm, dân số Trung Quốc đã lên đến 120 triệu. 

Cuối thời kỳ Mông Cổ, nhiều nạn đói xảy ra, một phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của một nhà sư hoàn tục là Chu Nguyên Chương  đã lật đổ được triều Nguyên – Mông vào năm 1368 và kiến lập triều đại Minh. Thời Minh, Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim khác, phát triển một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới và có một nền kinh tế giàu có và thịnh vượng, bên cạnh sự phát triển về nghệ thuật và văn hóa. Trong giai đoạn này, Trịnh Hòa dẫn đầu các chuyến thám hiểm vượt đại dương, tiến xa nhất là đến châu Phi

Trong những năm đầu thời nhà Minh, thủ đô của Trung Quốc được chuyển từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Cũng trong thời Minh, các triết gia như Vương Dương Minh tiếp tục phê bình và phát triển luận lý học với những khái niệm về cá nhân chủ nghĩa và đạo đức bẩm sinh. 

Nhà Minh cai trị Trung quốc trong 276 năm, từ năm 1368 cho đến năm 1644. Cũng như bao triều đại quân chủ trước đó, cuối thời nhà Minh, quân chủ hủ bại và hèn yếu, quan lại tham nhũng và bóc lột nhân dân. Khởi nghĩa nông dân cầm đầu bởi Lý Tự Thành tiến chiếm kinh thành Bắc Kinh, vua Minh cuối cùng phải tự tử. Tướng Sơn Hải Quan, ở biên giới phía Bắc với nước Mãn Châu, là Ngô Tam Quế đã điều đình mượn quân Mãn Châu về giải vây kinh thành. Hậu quả là người Mãn Châu, kém văn minh, với dân số và lực lượng quân sự chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc nhập quan và chiếm trọn Trung Hoa lập nên triều đại Mãn Thanh.

Triều Thanh kéo dài 268 năm, từ năm 1644 đến năm 1912, là triều đại đế quốc cuối cùng của Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ 19, triều đại này phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân phương Tây trong Chiến tranh Nha phiến. Trung Quốc buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, bồi thường chiến phí, cho phép người ngoại quốc có đặc quyền ngoại giao, nhượng Hồng Kông cho người Anh vào năm 1842, và Ma Cao cho Bồ Đào Nha vào năm 1887. Chiến tranh Thanh-Nhật (1894–95) dẫn đến việc triều Thanh mất ảnh hưởng tại Triều Tiên, cũng như phải nhượng Đài Loan cho Nhật Bản. Trong những năm 1850 và 1860, cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn cầm đầu đã tàn phá miền nam Trung Quốc.

Những cuộc nổi dậy của Quốc Dân Đảng lãnh đạo bởi Tôn Trung Sơn làm lung lay đến hệ thống quân chủ chuyên chế của chính quyền Mãn Thanh. Khi Từ Hi Thái Hậu qua đời thì triều đình Mãn Thanh cũng sụp đổ theo.

Bài viết này chỉ nói về Trung Quốc cho đến thời kỳ cận đại. Thời kỳ cộng sản sẽ được diễn tả chi tiết trong những bài sau.

Trung Quốc ngày nay
Gọi là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dân số gần 1 tỷ rưỡi người, thủ đô ở Bắc Kinh. Với số lượng dân số như vậy, tổng sản lượng quốc dân theo mức GDP đứng thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ.Ngày nay, với sự phát triển kinh tế theo mệnh lệnh và bất chấp hậu quả của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc là nước có mức độ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng đứng đầu thế giới.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights