Việt Film Fest 2023 tái xuất hiện, kỷ niệm 20 năm thành lập

by Tim Bui
Việt Film Fest 2023 tái xuất hiện, kỷ niệm 20 năm thành lập

TRÙNG DƯƠNG

Đầu tháng 10 năm nay cộng đồng người Việt tại Nam Cali sẽ có dịp thưởng ngoạn một sinh hoạt điện ảnh đặc sắc, đó là Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức, đồng thời kỷ niệm 20 năm thành lập đại hội điện ảnh này.

Hành trình kéo dài 20 năm

Kỷ niệm 20 năm thành lập, Viet Film Fest 2023 sẽ diễn ra trực tuyến (online) từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10, và tại rạp Frida Cinema ở thành phố Santa Ana, vào hai ngày 6 và 7 tháng 10,” theo thông cáo báo chí của VAALA. 

Theo đó, không chỉ người Việt tại Nam Cali có thể tham dự, mà ai cũng có thể, nếu muốn, theo dõi qua mạng Internet, kể cả khán giả không thông thạo tiếng Việt. Vì các phim nói tiếng Việt đều có phụ đề Anh ngữ.

Với tôi, từng theo dõi sinh hoạt điện ảnh này từ khoảng chục năm nay, đây là một đặc điểm hiện còn hiếm trong các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của người Việt hải ngoại từ gần nửa thế kỷ qua, nói lên nỗ lực vươn ra, với tới và bao gồm mọi thành phần người Việt hải ngoại của ban tổ chức với các bạn thuộc thế hệ 1.5, mệnh danh là “thế hệ bắc cầu” (bridge generation), những người sinh ra ở Việt Nam và trưởng thành ở hải ngoại. 

Và đặc biệt hơn cả là qua bộ môn điện ảnh, một ngôn ngữ toàn vũ, một diều không ai có thể phủ nhận.Viet Film Fest hiện là đại hội điện ảnh, có thể nói là lớn nhất, và cũng bền nhất, tại hải ngoại, nhằm quảng bá văn hóa và những câu chuyện của người Việt ở khắp nơi qua ngôn ngữ điện ảnh.

Khi mới bắt đầu,Viet Film Fest được tổ chức hai năm một lần cho đến năm 2014, Viet Film Fest trở thành một sự kiện hàng năm. 

Nỗ lực bảo tồn văn hóa

Từ lâu, tôi vẫn suy ngẫm về hiện tượng người Việt từ gần nửa thế kỷ qua tỏa giải đi khắp thế giới, từ Châu Mỹ tới Châu Âu, Châu Á và cả vùng Trung Đông, như tại Do Thái, mang theo và bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật lịch sử của một Việt Nam tự do, như thể thực hiện câu tiên tri trong huyền thoại Tiên Rồng và 50 người con theo cha xuống biển của mấy ngàn năm trước.

Tôi có một niềm khao khát đi tìm hiểu về sinh hoạt phong phú của người Việt tại những nơi này. So sánh sự phát triển khá mạnh mẽ ở đủ mọi lãnh vực của người Việt hải ngoại từ gần 50 năm qua, nhất là nơi giới phụ nữ và các thế hệ trẻ, ta không khỏi so sánh với tình trạng dân tộc trong nước, để thấy rằng dân mình không dở mà thông minh, tháo vát, uyển chuyển, chỉ có chế độ chủ trương kìm hãm, nếu không là thui chột những tiềm năng đó đấy thôi.

Những lần tham dự Viet Film Fest đã, phần nào, cho tôi cơ hội biết về sinh hoạt phong phú của một Việt Nam Hải ngoại, đặc biệt qua những phim tài liệu cả ngắn lẫn dài. Tôi sẽ chỉ bàn sơ qua về loại phim truyện (feature films), vì hiểu những khó khăn trong việc thực hiện loại phim truyện đòi hỏi vốn liếng cao, một giàn nhân viên để thực hiện và một khối lượng diễn viên đa năng để chọn lựa. 

Để giải quyết tình trạng vốn liếng và diễn viên, nhiều năm trước, nhiều nhà đạo diễn trẻ gốc Việt tốt nghiệp ngành điện ảnh tại các đại học Hoa Kỳ đã về Việt Nam để có dịp hưởng các giúp đỡ về vốn liếng và nhân sự này. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ đụng phải một trở ngại lớn: đề tài nghèo nàn vì tình trạng kiểm duyệt các sản phẩm trí tuệ của nhà nước cộng sản. Họ chỉ có thể thực hiện những phim có tính cách giải trí—như hành động, kinh dị, tình cảm, giả tưởng, hài hước, là những phim vô thưởng vô phạt, và đặc biệt là lại đáp ứng được thị hiếu quần chúng, mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Thỉnh thoảng cũng có vài phim có giá trị văn hóa xã hội cao, nhưng các nhà sản xuất có vẻ không vui vì đã không thu lại được vốn.

Tôi có tường trình về vài phim thuộc loại này, trong bài “Vài nhận xét về Đại hội Điện ảnh Việt Film Fest 2015”, tại https://damau.org/36672/vai-nhan-xet-ve-dai-hoi-dien-anh-viet-film-fest-2015 Khác với loại phim truyện, phim tài liệu là loại phim không đòi hỏi vốn cao và một giàn nhân viên hỗ trợ không thể thiếu, cũng như diễn viên đa năng. Đặc biệt trong thời buổi kỹ thuật phim ảnh đã được dân chủ hóa, ở chỗ ai cũng có thể sở hữu một máy quay phim chuyên ngành (dedicated motion-picture camera), hay một máy ảnh digital có khả năng quay phim, ngay cả trong chiếc điện thoại cầm tay. Và với chút hiểu biết và khả năng bố cục và thu hình cùng ráp nối. Cái chính, đã hẳn, là một câu chuyện để kể. Và cách kể.

Những mảnh đời Việt Nam qua phim ảnh

Qua những kỳ Viet Film Fest tôi đã có dịp dự, với mỗi kỳ hàng mấy chục phim trình chiếu, như VFF 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 (trước đại dịch Covid), tôi đã có dịp, qua các phim tài liệu ngắn và dài, biết tới một số mảnh đời của người Việt ở khắp nơi, ngoài cũng như trong nước. Bài tường thuật VFF 2018, “Việt Film Fest 2018 phản ảnh đời sống đa dạng của người Việt khắp nơi”, hiện lưu tại https://damau.org/51220/viet-film-fest-2018-phan-anh-doi-song-da-dang-cua-nguoi-viet-khap-noi, đặc biệt dành để giới thiệu các phim tài liệu này.

https://damau.org/36672/vai-nhan-xet-ve-dai-hoi-dien-anh-viet-film-fest-2015

Này đây là số phận của những người dân chài sống qua nhiều thế hệ trong vùng Vịnh Hạ Long đã được giải tỏa ra sao, qua phim “Farewell Ha Long/Tạm Biệt Hạ Long,” của đạo diễn Ngô Ngọc Đức, Đức Quốc, thực hiện năm 2017, dài 98 phút. Khi chính quyền địa phương muốn giải toả các làng nổi trong Vịnh Hạ Long, một Di sản Thế giới, để phát triển du lịch, và, nhân danh bảo vệ môi trường, họ tìm cách rời các gia đình sinh sống tại đây đã nhiều đời về các ngôi nhà mới xây trên đất liền. Trong số những gia đình dời cư có gia đình anh Nguyễn Văn Cường cùng vợ và cậu con vị thành niên. Mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà mới, nhỏ song khá khang trang. Ngoài ra, không có một chương trình nào nhằm giúp họ thích nghi với đời sống xa lạ trên đất liền, kể cả huấn nghệ cho những người quen sống với biển. Dần dà, bị thúc đẩy bởi tình trạng thất nghiệp, con cái lêu lổng, nhiều gia đình trong đó có gia đình anh Cường đã lén lút trở lại với đời sống trên biển. Phim đã bị cấm chiếu ở Việt Nam. 

Này đây một bà cụ goá gốc Việt giam mình suốt ba năm trong căn chung cư nhỏ đâu đó trên đất Pháp từ sau khi chồng bà qua đời cho tới khi một thanh niên trợ tá xã hội gốc Việt do tình cờ bước vào đời cụ. Mặc dù bà bất bình vì nỗi cậu trợ tá sinh ra và lớn lên tại Pháp không nói được tiếng mẹ đẻ, song dần dà bà cụ chấp nhận cậu, còn để cậu ta thuyết phục bà ra khỏi nhà đi dạo xuân trong chiếc áo dài mầu đỏ đã lâu bà không sỏ tay vào. Những trao đổi với bà cụ nặng tình quê hương cũng đã làm thức dậy trong người thanh niên mối quan tâm về di sản của cha mẹ cậu mà đã từ lâu cậu không quan tâm, và cậu cho bà cụ biết cậu tính về Việt Nam lần đầu tiên vào hè tới. Phim tài liệu song tiểu thuyết hóa, phim mang tựa đề “Feuilles de Printemp/Lá Xuân,” của Stephane Ly-Cuong, Pháp Quốc, 2015, 13 phút.

“Lễ Phục Sinh/Easter” là một phim ngắn 10 phút do Chih Chieh Wu thực hiện song về gia đình Việt tại Tiệp Khắc, kể chuyện một bà mẹ trẻ gốc Việt sống với con gái nhỏ và làm việc cho một tiệm thực phẩm ở Cộng Hoà Tiệp. Trong khi chị mong con học hỏi để sớm hội nhập và có một tương lai tốt đẹp trong đời sống tại đây, chị đồng thời cảm thấy bị gạt ra lề khi con gái tận tình hoà nhập với đời sống Tiệp, kể cả việc có bạn trai người bản xứ và trang hoàng căn chung cư của hai mẹ con để mừng Lễ Phục Sinh trong khi chị là một Phật tử thuần thành. 

Một ông bố chọn ở lại Đức sau khi bức tường Bá Linh đổ để nuôi đứa con trai nhỏ sau khi mẹ nó bỏ về nước. Ông mở một tiệm tạp hoá và trái cây để nuôi con. Cậu con thích các hoạt động thể dục thẩm mỹ nên lẽ ra phải theo học đại học ở Bá Linh để sau này có một đời sống đỡ cực hơn thì cậu ta bỏ học về nhà. Giấc mơ của cậu là mở một trung tâm thể dục thẩm mỹ cùng với người bạn Đức hiện đang giúp việc tại tiệm của ông bố. Ông bố tức giận, rồi lâm bệnh, phải vào bệnh viện. Khi rời viện, ông hiểu giấc mơ của con, nên đồng ý bán tiệm và chiếc xe hơi cưng của mình, giao tiền cho con thực hiện giấc mơ của cậu. (“Obst & Gemuse/Táo và Cam,” Ngô Ngọc Đức, 2017, 30 phút).

Một ông bố gốc Việt khác ở Mỹ thì lại không được may mắn như thế. Cậu con vị thành niên của ông mơ trở thành một nhạc sĩ. Ông bố, giống như nhiều bậc cha mẹ gốc Á khác, vì đã phải cực nhọc tái tạo đời mình ở quê người nên muốn thấy con cái học hành thành đạt thành bác sĩ, kỹ sư để có một đời sống khá hơn. Khi đơn xin học tại một trường đại học danh giá của cậu con bị từ chối, ông bố nổi giận cật vấn và cho cậu một bạt tai. Không chịu nổi áp lực của bố, cậu con nhẩy lầu tự tử. Cảnh cuối của phim là hình ảnh một cậu bé sung sướng vừa đi vừa gẩy đàn ca hát đầy mãn nguyện. (“The Broken Bond/Mối Ràng Buộc Rạn Vỡ,” của Chau Hoang, Uy Do và Alena Nguyen, 2018, 10 phút).

Tóm lại, những kỳ đại hội của Việt Film Fest nói chung đã cho tôi dịp biết về những mảnh đời Việt Nam đã bám trụ tại hoặc còn trôi nổi ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoặc đang lưu đầy ngay tại chính quê hương mình. Những người trẻ Việt đã lớn lên hay sinh ra và trưởng thành tại các quốc gia ngoài Việt Nam đa số đã không còn nói hay đọc và hiểu được tiếng Việt. Qua ngôn ngữ hình ảnh có tính hoàn vũ (universal) của điện ảnh, họ đã diễn tả những suy cảm của họ để những người khác ngôn ngữ hiểu được tâm sự của họ; và cũng qua ngôn ngữ hoàn vũ ấy, họ có dịp hiểu biết thêm về nguồn gốc của mình. Tôi nhớ tới mấy câu thơ của Viên Linh trong tập “Thủy Mộ Quan” xuất bản đầu thập niên 1980 — Sinh ở đâu mà giạt bốn phương / Trăm con cười nói tiếng trăm dòng / Ngày mai nếu trở về quê cũ/ Hy vọng ta còn tiếng khóc chung…

“Tiếng khóc chung” đối với nhà thơ là chung niềm ưu tư về vận mệnh đất nước dân tộc. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là ngôn ngữ điện ảnh có khả năng vượt lên trên những tiếng nói và chữ viết khác nhau mà những người trẻ Việt hải ngoại chọn để chuyển đạt tâm tư mình. 

Ngoài ra, một chương trình của Viet Film Fest đã gây ấn tượng đặc biệt nơi tôi qua các kỳ hội phim trước, là các khóa dậy các em học sinh làm phim, một cách vun sới niềm yêu thích điện ảnh, cũng là một phương tiện để các em nói lên những quan tâm hay khát vọng, cũng nhằm tạo sự quân bình tinh thần nữa. Đó là chương trình Youth in Motion, nhằm huấn luyện làm phim cho giới trẻ. Một số phim đã được trình chiếu, trong đó có phim “The Broken Bond/Mối Ràng Buộc Rạn Vỡ,” của Chau Hoang, Uy Do và Alena Nguyen, như đã giới thiệu bên trên. Chương trình đã khiến vài em quyết định theo học ngành điện ảnh.

Năm nay, sau mấy năm đại dịch tạm ngưng sinh họat hoặc chỉ sinh hoạt cầm chừng, Viet Film Fest tưng bừng trở lại với khán giả không chỉ ở nơi “chôn nhau cắt rốn” là Nam Cali, mà còn ở khắp nơi qua các buổi chiếu phim trực tuyến, với một chương trình phong phú. Khán giả ở Nam Cali có thể tham dự trực tiếp tại rạp trong hai ngày 6-7 tháng 10, mời vào link này để xem các tiết mục và mua vé xem những phim mình muốn: https://vff2023.eventive.org/welcome. Cũng tại đường dẫn trên, khán giả các nơi có thể chọn xem phim trực tuyến, từ 30 tháng 9 tới 15 tháng 10.

Để biết thêm chi tiết về vé và các chương trình đặc biệt của Viet FIlm Fest, xin vào thăm trang nhà của VFF tại vietfilmfest.com, hoặc theo dõi các sinh hoạt của Viet Film Fest tại @vietfilmfest trên Facebook và Instagram.

[TD2023-09]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights