Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc

by Tim Bui
Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Sau thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, nước Âu Lạc đã trải qua 1.000 năm bị đô hộ. Mặc dù trong nhiều thời kỳ người Âu Lạc bị giới thống trị phương Bắc đồng hóa, nhưng họ vẫn giữ được bản chất của mình.

Nếu xét về chủng tộc của người Việt sau thời kỳ này, thì có thể nói rằng người Việt là một dung hợp của người Lạc Việt Giao Chỉ, Việt Thường Cửu Chân và nhiều bộ tộc trong nhóm Bách Việt, cộng thêm những người Hoa Hạ từ Trung Nguyên xuống. 

Tiếng Việt sau 1.000 năm Bắc thuộc, vẫn là tiếng Giao Chỉ hay tiếng Việt cổ, pha trộn rất nhiều từ ngữ của tiếng Nam Việt – Quảng Đông. 

Nước Việt Nam ngày xưa bắt đầu từ các bộ lạc của người Giao Chỉ bản xứ sống ở đồng bằng Bắc bộ, với ngón chân cái và trỏ chĩa vào nhau. Rồi tổ tiên của các vua Hùng từ phương Bắc văn minh hơn đã đến khai hóa lập ra nước Văn Lang. Rồi An Dương Vương – Thục Phán từ nước Thục, đến Quảng Tây – Âu Việt, đánh bại vua Hùng lập ra nước Âu Lạc. Rồi Triệu Đà cũng là người phương Bắc chiếm vùng Quảng Đông – Nam Việt, sau đó đã thôn tính luôn đất Âu Lạc. Rồi là thời kỳ Bắc thuộc kéo dài cả ngàn năm. Trong một ngàn năm dài đằng đẵng này, ở phương Bắc luôn là một vùng chiến loạn, đã có biết bao người từ phương Bắc đã di dân xuống vùng đất phía Nam, mà họ gọi là vùng “An Nam” này (An Nam: vùng đất thanh bình ở phía Nam).

Nếu giả sử cứ trung bình mỗi năm có một ngàn người di dân từ phương Bắc xuống, thì qua một ngàn năm đã có một triệu người đã di dân đến Âu Lạc. Trong khi đó, dân số Âu Lạc thời tự chủ còn chưa quá một triệu người, không lẽ nước Âu Lạc là đất nước của những người di dân từ phương Bắc xuống hay sao?

Chắc phải là như vậy. Những người di dân Hoa Hạ này đã sống và dung hợp với người Giao Chỉ bản địa. Ngày nay còn có mấy ai có ngón chân “giao chỉ” nữa. Trải qua biết bao thế hệ, không còn ai để ý đến nguồn gốc Hoa Hạ của mình. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa giành độc lập đã diễn ra. Nhìn đi nhìn lại, Phùng Hưng rồi Lý Bí, gia phả đều có nguồn gốc Hoa phương Bắc. Rồi trong 12 sứ quân, đã có phân nửa là dòng dõi người Hoa. Thậm chí sau này, nhà Trần, nhà Hồ đều có nguồn gốc phương Bắc. Những người khác, dù lịch sử không xác định được nguồn gốc tổ tiên, nhưng cũng có thể là con cháu của những người Hoa Hạ.

Cho dù là Việt gốc Giao Chỉ, hay là Việt gốc Hoa Hạ, nếu đã sinh ra từ mảnh đất Văn Lang này thì ai cũng có một lòng yêu nước giống nhau. Ai cũng coi mình là dân Việt và cũng sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ cái nơi mà tổ tiên gọi một cách thiêng liêng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

VĂN HÓA VIỆT NAM SAU THỜI BẮC THUỘC
Tiếng Hoa, tiếng Quan Thoại, và tiếng Phổ Thông

Như đã biết Trung Quốc là một tổng hợp của nhiều giống dân với nhiều thứ tiếng. Quay ngược lại dòng lịch sử, khởi đầu của thời kỳ phong kiến nhà Chu, khoảng 1.000 năm trước Công nguyên, đã có hàng trăm nước với hàng trăm thổ ngữ địa phương khác nhau. Bảy nước lớn nhất là Tần, Tấn, Tống Tề, Sở, Ngô, Việt, ít nhất thì cũng dùng bảy ngôn ngữ khác nhau. Tất cả bảy nước này đều thần phục thiên tử nhà Chu. Nhà Chu phong cho họ là chư hầu, quy định đất đai để họ cai trị, và mỗi năm phải triều cống triều đình nhà Chu. 

Để tiện việc giao dịch, Chu Công, một nhà lãnh đạo của nhà Chu, đã tổng hợp tinh hoa trong các ngôn ngữ của các chư hầu và phát minh ra một thứ tiếng mà ông gọi là tiếng Quan Thoại. Quan có nghĩa là quan lại, thoại là đàm thoại nói chuyện. Tiếng Quan Thoại dùng cho các quan giao dịch qua lại giữa các chư hầu và giữa chư hầu với triều đình nhà Chu.

Khi người Mãn Châu nhập quan chiếm được Trung Nguyên, họ đã lấy Bắc Kinh làm thủ đô. Để thống nhất tiếng nói cho cả một đế quốc rộng lớn, nhà Thanh đã dùng tiếng Quan Thoại làm căn bản cộng thêm tiếng Bắc Kinh tạo thành một thứ tiếng mới, gọi là tiếng Phổ Thông, và bắt cả nước dùng thứ tiếng này như tiếng nói chính thức của quốc gia.

Chữ Hán
Các di tích về khảo cổ gần đây, cho thấy rằng chữ Hán đã xuất hiện khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, vào thời kỳ nhà Thương trong các mô rùa và xương động vật. Văn minh sông Hoàng Hà sau đó được phát triển rực rỡ. Người Trung Nguyên từ từ tiến bộ hơn, họ cải tiến hình tượng của chữ viết, kết hợp chữ với nhau thành một cái mà gọi là “văn tự” làm cho chữ viết có thể diễn đạt được nhiều ý nghĩ khác nhau. Họ viết chữ trên vỏ cây, trên thẻ tre, rồi trên lụa và sau này trên giấy.

Văn minh sông Hoàng Hà xuất phát từ Trung Nguyên, trên lưu vực sông Hoàng Hà. Trải qua hàng ngàn năm, nền văn minh này đã lan rộng khắp nơi trong lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Những thứ chữ viết khác cũng đã từng xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng đã bị cái sức mạnh của bạo lực cùng sự hoàn chỉnh của văn tự đè bẹp và dần dần biến mất. 

Từ năm 202 trước Công nguyên, Hán Cao Tổ – Lưu Bang dựng nên triều đại nhà Hán huy hoàng kéo dài hơn 400 năm. Văn tự từ đó được gọi là Hán tự hay tiếng Hán cho đến bây giờ.

Tiếng Hán từ từ chiếm được địa vị độc tôn trong khắp lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù ở những vùng khác nhau, dân địa phương nói những thứ tiếng khác nhau, nhưng họ đã dùng tiếng Hán làm mẫu mực để kết hợp với phát âm thổ ngữ của họ. Ngày nay, hai tiếng nói thông dụng nhất của người Trung Quốc là tiếng Phổ Thông và tiếng Quảng Đông, phát âm chữ Hán theo hai kiểu khác nhau.

Tiếng Việt
Cái nôi của người Việt là ở vùng Bắc Việt Nam. Từ thời xa xưa, người Giao Chỉ sống ở đây nói tiếng Việt cổ rất giống với tiếng của bộ tộc Mường ở miền núi bây giờ. Tiếng Việt bây giờ chứa khoảng ba phần tiếng Việt cổ, trong đó là tập hợp khoảng vài ngàn từ thông dụng trong cuộc sống căn bản hàng ngày.

Trong thời gian bị Trung Quốc đô hộ, văn minh sông Hoàng Hà đã lan tới Âu Lạc. Dù tự nhiên hay bị đồng hóa, nó đã có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa Âu Lạc. Nhưng phải hiểu rằng, Trung quốc là một đế quốc rộng lớn. Thủ đô của họ ở mãi tận miền Bắc xa xôi, có khi là Trường An, Lạc Dương, hay Khai Phong, có lúc là Bắc Kinh, tất cả đều cách miền Bắc Việt Nam hàng ngàn cây số. Khi phải điều quan cai trị hay quân đội tấn công Việt Nam, họ đều dùng người từ vùng Lưỡng Quảng, tức là Quảng Đông và Quảng Tây. Hai vùng này từng thuộc nhóm Bách Việt, cùng nguồn gốc với người Âu Lạc.

Tiếng Nam Việt Quảng Đông, đã du nhập vào Âu Lạc ngay từ thời Triệu Đà. Nó đã góp thêm khoảng ba phần từ vựng nữa. Những từ vựng này diễn tả những hoạt động chính trị, kinh tế, và văn hóa của một xã hội văn minh hơn.

Rồi chữ Hán cũng đã du nhập vào xã hội Âu Lạc. Người Âu Lạc ban đầu phát âm tiếng Hán theo tiếng Nam Việt Quảng Đông. Dần dà, những nhà học giả người Việt, đã cố gắng dùng tiếng Việt, vào thời đó, gọi là tiếng Nôm, để phát âm tiếng Hán. Cuối cùng thì hình thành một bộ phát âm Hán tự theo tiếng Việt rất gần với phát âm Quảng Đông. Bộ phát âm Hán tự này đã đóng góp vào kho tàng Việt ngữ thêm ba phần nữa. Phần này làm cho tiếng Việt trở nên phong phú và hoa mỹ hơn. Cụ thể là bất cứ danh từ nào trong tiếng Việt đều có hai chữ song song nhau, thí dụ như sơn hà và sông núi.

Ngoài ra sau này, lãnh thổ Việt Nam đã trải rộng đến Chiêm Thành ở miền Trung, và Phù Nam – Chân Lạp ở miền Nam, thì đồng thời cũng du nhập nhiều từ ngữ địa phương vào vốn liếng sẵn có của tiếng Việt. 

Ảnh hưởng trên văn hóa Việt Nam
Sau gần 1.000 năm của đêm dài Bắc thuộc, trong một môi trường bị ngược đãi tàn bạo với sưu cao thuế nặng, người Lạc Việt hay phải nói là “dung hợp Hoa Việt” đã từ từ trưởng thành. Từ những xã hội thị tộc bị trị, nay đã khôn ngoan hơn, biết tổ chức xã hội theo ý dân, biết xây dựng kinh tế, và cũng biết xây dựng quân đội. Họ học được binh pháp của Trung quốc và có sự sáng tạo trong chiến tranh, điển hình là “bãi cọc Bạch Đằng.”

Bắt đầu là họ Khúc, rồi đến Ngô Quyền trong thời kỳ tự chủ. Người Việt đã sẵn sàng có thể làm chủ vận mệnh của đất nước mình để bước vào thời kỳ dựng nước và giữ nước.

(Trích cuốn Theo Dòng Sử Việt của Lý Thành Phương)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights