Việt Nam – Trung Quốc: Đại cục là đại cục nào?

by TYTNT

ĐINH KIM PHÚC

Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông!

Năm 1949, Trung Quốc cho công bố một bản đồ, trong đó lãnh hải của Trung Quốc bao gồm tất cả các đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Pescadores (Bành Hồ), Pratas (Đông Sa), Macclesfield Bank (Trung Sa), Paracel (Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Spratley (Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam). Đường xác-định lãnh hải chỉ cách bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei khoảng 50 đến 100 km.

Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Hoàng Sa và chiếm phần còn lại quần đảo này từ tay chính quyền Sài Gòn.

Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cho tàu đổ bộ vào chiếm 6 rạng đá nhỏ vùng rạng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).

Tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ các đảo và quần đảo nói trên thuộc Trung Quốc.

Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài Loan ra luật lãnh hải có nội dung tương tự. Nói thêm là trong vụ đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại bãi Chữ Thập, Trung Quốc đã được quân đội Đài Loan đóng tại đảo Ba Bình giúp đỡ về vật chất như nước uống. Trung Quốc đã cho xây tại đây một căn cứ quân sự có dạng tương tự như một chiếc hạm. Năm 1992, Trung Quốc đánh chiếm thêm một vị trí của Việt Nam trên Trường Sa là đảo D’Eldad Reef (đá En Đát), nâng tổng số đảo chiếm đóng là 9. Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc cho xây công sự trên vùng bãi đá Vành Khăn (Mischief), giống như công sự xây trên đá Chữ Thập.

Vào giữa năm 2007, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa, giết chết một ngư dân và làm bị thương 6 người khác, trong khi đó hãng dầu khí BP của Anh đã tạm ngưng hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí gas ngoài khơi Việt Nam trị giá 2 tỉ USD sau lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung quốc. Kế đến cuối năm 2007, Trung Quốc cũng đã phản đối công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đang thăm dò 2 lô 127 và 128 ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa dẫn đến công ty này phải tam ngưng tìm kiếm dầu mặc dù đã bỏ ra 100 triệu USD. Đặc biệt, Trung Quốc lại tổ chức diễn tập quân sự để củng cố cho yêu sách lãnh thổ của mình xung quanh quần đảo Trường Sa vào tháng 11 năm 2007.

Đỉnh điểm của những động thái mới của Trung Quốc là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc vào ngày 2 tháng 12 năm 2007 cho thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác, dù chỉ có tính tượng trưng nhưng đây là một hành động khiêu khích đặc biệt. Khi các sinh viên Việt Nam tụ tập bên ngoài Sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 12 năm 2007 để biểu tình phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp tại Biển Đông, nó đã đưa ra một tín hiệu mới về sự phản kháng của VN đối với phương Bắc.

Và Bắc Kinh đã phản ứng bằng hành động cụ thể; thay vì hạ giọng về vụ việc, Tần Cương, phát ngôn viên bộ ngoại giao đã trách cứ: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa”. Tiếng phản đối nổi lên từ hai phía vì Biển Đông lưu giữ một trong những điểm gây chú ý của khu vực. Điều mà hầu hết nhà quan sát không nhận ra là trong vài năm gần đây, những nỗ lực hợp tác trong khu vực nhằm ve vãn để Bắc Kinh có lập trường rõ ràng hơn đã bị thất bại bởi âm mưu bá quyển của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Việt Nam gần đây trong vấn đề biển Đông đã cho thấy mối quan hệ Việt-Trung sắp bước vào một giai đoạn khó khăn khác do sự hoài nghi từ lâu của người Việt Nam về “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc.

Ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Giàn khoan dầu Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu di động cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc sở hữu.

Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 07 tàu quân sự, như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải và ngư binh. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc.

Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu chấp pháp tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khi nhận thấy giàn khoan này định thiết lập vị trí cố định. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Sau hàng loạt động thái gây sức ép trên Biển Đông trong thời gian qua, từ ngày 7 tháng 5 năm 2023, tàu khảo sát của Trung Quốc Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong 10) cùng đội tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu chấp pháp của Việt Nam ra thực địa để đi theo giám sát các hoạt động của Trung Quốc.

Trong ngày 13 tháng 5 năm 2023, tàu Xiang Yang Hong 10 đã tiến về phía đông bắc, dường như muốn rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau thời gian dài có cuộc khảo sát bất hợp pháp. Tuy nhiên, hôm 14 tháng 5, con tàu này đột ngột quay ngược trở lại vùng Tư Chính, nơi khai thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam. Hành động tiến về phía đông bắc của tàu Xiang Yang Hong 10 dường như là để đánh lạc hướng các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Theo dữ liệu của AIS có được hôm 15/5, tại vùng biển Bãi Tư Chính, tàu Cảnh sát biển Việt Nam CBS 7011 đang theo sát tàu Xiang Yang Hong của Trung Quốc. Tàu CSB 7011 được hỗ trợ bởi tàu CSB 8001.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận với Reuters rằng “Các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Như vậy, Trung Quốc đã xác nhận chính thức đây không phải là hoạt động “đi qua không gây hại” hay “tự do hàng hải” mà là hoạt động thực thi đòi hỏi “chủ quyền” của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. 4 tốt đang ở đâu? 16 vàng đang ở đâu? Đại cục là đại cục nào?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights