Xạ thu nghĩa là gì?

by Tim Bui
Xạ thu nghĩa là gì?

VƯƠNG TRUNG HIẾU

Tiếng Việt thời nay có rất nhiều “biến hóa.” Từ việc bị buộc chạy theo “thời sự” cho chí công việc “Việt hóa” và “phát triển” những chữ mới cũng mệt nhoài! Việc nhiều người có tuổi từ 60 trở lên đọc tiếng Việt trên mạng nhiều khi tự hỏi “không biết họ viết gì?” là điều  không mới, không lạ và để hiểu cho tường tận thì… mệt cái đầu lắm! Tỉ như hiện nay trên các trang mạng xã hội rộ lên chữ “xạ thu,” nhiều người thắc mắc không hiểu nghĩa là gì, có nguồn gốc từ đâu. Hai Dốt cũng là người nằm trong số đó. Vì vậy, kỳ này Hai tui mời ông Vương Trung Hiếu, một chuyên gia về ngôn ngữ, giải thích dùm. Xin mời quý vị thưởng lãm. (Hai Dốt).


Xạ thu là từ mà sư Minh Tuệ đã nói trên đường đi khất thực ở Thái Lan, một từ thường được hiểu là “lành thay, tốt thay.” Có thể xạ thu là âm Việt hóa của từ สาธุ (saaR thooH) trong tiếng Thái Lan, một từ mà người Thái phát âm là sà thú, có nguồn gốc từ tiếng Pali: sādhu

Thuật ngữ Sadhu

Sādhu là một thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa phổ biến là “tốt, đức hạnh” hoặc tương tự như tiếng “Amen” trong các tôn giáo Abraham (các tôn giáo độc thần xuất phát từ Tây Á) hay tiếng “Svaha” (Sanskrit: स्वाहा) mang ý nghĩa là vui mừng trong các câu chú Phật giáo, trong các nghi thức “lửa” (yajnas) xuất phát từ kinh Veda.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sādhu là “từ không thể dịch được,” vì từ này có quá nhiều nghĩa. Song, tùy theo bối cảnh tôn giáo và thế tục mà người ta có thể dịch và hiểu sādhu “vâng, cảm ơn, làm tốt lắm, như vậy nhé, mọi việc sẽ tốt đẹp…” 

Từ sādhu lại có nguồn gốc từ chữ साधु (sādhu) trong tiếng Sanskrit – một từ đa nghĩa. 

Xét về danh từ, sādhu là từ dùng cho nam giới, còn nữ thì dùng từ sādhvī (साध्वी), nghĩa là người vợ trung thành; người nữ trong sạch hoặc đức hạnh. Trong Sử thi Hindu, sādhu có nghĩa là thánh nhân; nhà hiền triết, nhà tiên tri, người trung thực…

Ý nghĩa của Sadhu

Trong các tôn giáo ở Ấn Độ, sādhu có nghĩa là nhà tu khổ hạnh, người thực hành một phép tâm linh gọi là sādhanā (Phạn: साधना), tức tìm cách vượt qua bản ngã. Người tu hành này có thể là tín đồ của Phật giáo, Ấn Độ giáo hay Kỳ Na giáo. Sādhu còn có nghĩa là người ăn xin hay bất kỳ người thánh thiện nào trong đã từ bỏ cuộc sống thế gian. 

Trong Sikh giáo, người giác ngộ cao trước Chúa Vāhigurū  cũng được gọi là sādhu. Tuy nhiên trong đạo Sikh, người khổ tu hay ăn xin đều bị cấm, kể cả việc sống độc thân. Người theo đạo này cần phải lập gia đình và có công ăn việc làm lương thiện.  

Xét về tính từ và phó từ, sādhu trong tiếng Sanskrit còn có nghĩa là “thẳng, đúng đắn, hướng thẳng đến mục tiêu,” ý nghĩa này nằm trong Atharvaveda  (अथर्ववेद), phần thứ tư của kinh Vệ Đà và trong tập thơ thánh Rigveda (ऋग्वेद) viết bằng Phạn ngữ của Ấn Độ cổ đại. 

Trong Brahmana(ब्राह्मणम्), tức các tác phẩm Śruti (श्रुति) hay Thiên khải văn học, sādhu biểu thị cho người tử tế, có lòng tốt, có thiện chí, đức hạnh, chính trực và cao quý (tùy theo ngữ cảnh). 

Ngoài ra, sadhu còn có nghĩa là “sẵn sàng, thành công, khéo léo, thích hợp, đúng rồi, chính nghĩa, thường xuyên, tinh khiết…”. Thuật ngữ này có liên quan chặt chẽ với khái niệm “từ bỏ” những dục vọng đời thường mà người xuất gia cần thực hiện, để đạt được mục đích tâm linh. 

Tu sĩ khổ hạnh

Ở Trung Quốc, sādhu có nghĩa là “khổ hạnh tăng” (苦行僧), nhìn chung cũng giống như các nhà sư khổ hạnh của đạo Bà La Môn hay những tôn giáo khác ở Ấn Độ. Ở phương Tây, nhiều vị thánh của Kitô giáo cũng ủng hộ chủ nghĩa khổ hạnh (tiếng Latin: ascēticus), chẳng hạn như Thánh Phanxicô và Thánh Basil. 

Xin lưu ý, thuật ngữ “tu khổ hạnh” dễ bị hiểu lầm là ám chỉ những nhà sư khổ hạnh của Phật giáo, sống ẩn dật trong rừng. Song trên thực tế, những tu sĩ khổ hạnh, các vị tăng, đầu đà, tỳ kheo… đều có nguồn gốc từ các tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ (chẳng hạn như đạo Bà La Môn), và xuất hiện sớm hơn cả khi Phật giáo hình thành.  

Có hai giáo phái trong Kỳ Na giáo, giáo phái Jaina (Thiên y phái) ủng hộ chủ nghĩa khổ hạnh, còn giáo phái Baha’i (Bạch y phái) thì không. 

Ngày xưa, những tu sĩ khổ hạnh ở Ấn Độ thường có mái tóc bù xù, quần áo rách rưới, mang theo cây đinh ba, tượng trưng cho thần Shiva. Họ vừa đi vừa tụng kinh cổ và ngủ trong rừng. Các  sādhu thuộc đạo Bà La Môn phải chịu đựng những điều đau đớn như tự trừng phạt, nhịn ăn trong thời gian dài, giảm lượng nước uống, nằm trên giường đầy đinh, đi trên than hồng, chịu đựng cái nóng và cái lạnh khắc nghiệt, thậm chí ăn những thứ bẩn thỉu, để rèn luyện sức bền và sự vô tư của mình.

Ở Ấn Độ, về mặt pháp lý, các sadhu được coi là đã chết. Một số người còn tự tổ chức tang lễ cho mình sau khi được thụ phong là sadhu. Cứ ba năm một lần, một cuộc hành hương lớn của các sadhu từ khắp mọi miền Ấn Độ sẽ diễn ra. Đó là lễ hội Kumbh Mela, thường được tổ chức tại một trong bốn địa điểm linh thiêng trên bờ sông Hằng. Kumbh Mela là một trong những lễ hội lớn nhất thế giới, thu hút hàng chục triệu người tham dự mỗi năm.

Tùy theo giáo phái, có sự khác nhau trong các thủ tục và nghi lễ để trở thành một sadhu. Hầu hết thì điều đầu tiên là trở thành đệ tử của một vị đạo sư. Để đủ tiêu chuẩn sadhu, người đi tu phải phục vụ không công cho một vị đạo sư trong nhiều năm. Sau đó, họ tham gia buổi lễ công nhận tại Kumbh Mela để được trao tặng danh hiệu sadhu chính thức. Có 10 cái tên dành cho một sadhu. Sau khi nhập môn, sadhu sẽ từ bỏ tên thế tục của mình và dùng một trong 10 cái tên được ban từ đó về sau.

Ở nước Nhật, sādhu được gọi là サドゥー (sadou), cũng có nghĩa là “nhà tu khổ hạnh”. Những người này mặc quần áo màu lá cây hoặc chỉ mặc một chiếc khố hay hoàn toàn khỏa thân, cổ đeo một chuỗi tràng hạt, không cắt tóc và râu, bôi tro thánh lên cơ thể. 

Sadhu trong tôn giáo và thế tục

Trong các nghi lễ tôn giáo, sādhu được dùng như câu mở đầu trong những lời cầu nguyện trước hình ảnh Đức Phật hoặc trước các linh hồn thần thánh (nats) ở Myanmar; các vị thần (devatas) trong Ấn Độ giáo hay thần bốn mặt Brahma (đấng tối cao trong đạo Hindu)…

Đối với Phật giáo, việc lặp lại ba lần từ sadhu tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Đôi khi phật tử lặp lại từ này lần thứ tư với giọng điệu dài hơn và nhấn mạnh hơn, để tỏ lòng tôn kính những người có kỷ luật nhất theo Bát chánh đạo (Sanskrit: आर्याष्टाङ्गमार्ग).

Trong Kinh Pháp Cú (câu 35), sādhu có nghĩa là điều tốt đẹp. Trong Luật tạng (phần thứ hai của Tam Tạng), sādhu là từ cảm thán. Thuật ngữ này còn là lời kết trong bài giảng tôn giáo. Các tăng ni, cư sĩ thường nói 3 lần từ sādhu sau lời cầu nguyện, đặc biệt là khi hành lễ trong Ashram (Sanskrit: आश्रम) – một ẩn thất hoặc tu viện tại Ấn Độ. 

Trong thế tục, thuật ngữ sādhu được sử dụng khá rộng rãi. Đó có thể là từ mà quân sĩ hô lên, thể hiện sự tuân phục vua chúa; hoặc là tiếng reo hò chiến thắng sau trận chiến; hay tiếng hoan hỉ trong các câu chuyện Vệ Đà cổ đại, chẳng hạn như trong trường ca Bhagavad Gita (Sanskrit: भगवद् गीता). 

Trên các trang mạng xã hội, cách viết Sādhu, sādhu, sādhu gắn liền với biểu tượng cảm xúc ba bàn tay chắp lại đã trở thành những bình luận phổ biến, như một cách thể hiện sự tôn kính và cảm xúc tích cực.

Xin nhắc lại, ở VN, xạ thu được hiểu là “lành thay, tốt thay,” có thể là âm Việt hóa của từ สาธุ (saaR thooH, sà thú) trong tiếng Thái Lan – một từ tương ứng với từ “Amen” trong tiếng Do Thái cổ. Song người Thái còn dùng từ สาธุการ (saaR thooH gaanM, xà thú kan) cũng với nghĩa là “Amen.” 

Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/chua-lanh-co-nghia-la-gi/

You may also like

Verified by MonsterInsights