Xe ôm, taxi thời công nghệ: “thấy dzậy mà không phải dzậy”

by Tim Bui
Xe ôm, taxi thời công nghệ: “thấy dzậy mà không phải dzậy”

QUỐC ĐỊNH

Nghề xe ôm tại Việt Nam phổ biến khi các loại xe gắn máy Nhật bắt đầu tràn vào miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước. Xe Nhật chiếm ưu thế vì có yên liền, thấp, phù hợp với vóc dáng người châu Á, xe lại có mặt khắp các hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Đi lại nhanh, tiện, giá cả cũng phải chăng… 

Chuyện của một tài xe ôm “mối”

Câu chuyện của anh Cảnh, một xe ôm “cựu trào” có thâm niên hơn 40 năm ở khu chợ Phú Nhuận cứ miên man, không có hồi kết.

Anh Cảnh “ra nghề” vào cuối thập niên 80 với chiếc xe Suzuki nam, 50cc. Lúc đó, anh đang là công nhân của xí nghiệp dệt Thành Công, thất nghiệp vì nhà máy hết nguyên liệu. Chiếc “Su” của anh thì đang “trùm mền” vì thời đó, xăng là thứ quá xa xỉ.

Đang nằm nhà “ngáp ruồi,” anh Cảnh được bà dì trong xóm nhờ chở đi công chuyện gấp ở Xóm Mới, Gò Vấp. Chở tới rồi chờ đón “bả” về luôn, giá bao nhiêu cũng được. Anh Cảnh nhớ, bả hỏi bao nhiêu, tui nói “Dì cho bi nhiêu thì bi, tùy hỉ.” Bả đưa ba đồng, tui mừng thấy mụ nội luôn. Ba đồng mà đi về chỉ hơn một tiếng, trong lúc anh thất nghiệp, còn khi là công nhân, lương của anh chỉ có 16 đồng rưỡi một tháng.

Vào nghề, mỗi sáng anh dựng chiếc xe của mình ở đầu hẻm gần, để “xếp tài” sát chợ Phú Nhuận. Thời đó, ai đi xe ôm là khách sang rồi, bởi xăng mắc, giá xe cao, cho những ai cần đi nhanh, đi gấp. Còn đi lại bình thường, đa số dùng “xô xích le” (xe xích lô, xe dân biểu), hay xe buýt.

Giới “tài” của xe ôm phần nhiều đều là công nhân thất nghiệp hay công chức, giáo viên,  ra nghề để kiếm thêm thu nhập, nên cũng ít có chuyện gấu ó, đánh nhau để giành khách. Thời bao cấp, xăng phải mua từng “xị” sau còn pha thêm chút dầu hôi cho rẻ.

nên chiếc “Su” của anh Cảnh rất mau tàn, khi chạy, xe phun khói đen ngòm, rú như máy cày… trong khi, sên dĩa, vỏ ruột, phụ tùng ngày càng hiếm nên chiếc xe của anh phải độ, chế tá lả mới cầm cự được cho đến những năm đầu thập niên 90. Thời đó không có cảnh kẹt xe, ngập lụt tứ bề mà khách cũng ít khắt khe, lựa chọn nên dù một nắng hai sương, nghề xe ôm của anh cũng đủ cơm cháo ngày ba bữa.

Khách thích đi xe ôm không chỉ vì giá cả hợp lý, thời gian đi lại nhanh hơn, mà còn vì những câu chuyện rôm rả giữa bác tài và khách suốt quãng đường. Từ hai người xa lạ, sau vài câu thăm hỏi họ dễ dàng mở lòng một cách thoải mái, những chuyện đời được kể, những âu lo được giải bày. Và đôi khi, chỉ nhờ một cuốc xe ngắn ngủi mà người ta được chậm lại, được thấy cái chất “Sài Gòn” luôn chực tuôn trên từng con người hiền hòa, cởi mở và tiếu lâm lẫn nghĩa hiệp… trong mọi hoàn cảnh. Bác tài nào mà hoạt khẩu, có nhiều câu chuyện, giai thoại về cảnh, vật, con người, ngóc ngách Sài Gòn… luôn là những bác tài nhiều khách, có lắm mối ruột. Giống như thợ hớt tóc lành nghề và… nhiều chuyện.

Đó là thời “hoàng kim” của anh Cảnh. Anh có vài mối ruột giao hàng, chở vài ba bà đi chợ, đưa đón mấy đứa học sinh hàng ngày… Quan trọng hơn, lúc đó chưa có xe ôm công nghệ, thất nghiệp chưa tràn lan, anh vẫn còn sức khỏe và tằn tiện, ít sa đà ăn nhậu… nên cũng có ít của dằn túi để… lên đời cho mình bằng chiếc DH nghĩa địa.

Anh Cảnh cho hay, nghề xe ôm này, mình phải nắm Sài Gòn trong lòng bàn tay để khi khách nói địa điểm là trong đầu mình hiện ngay ra lộ trình ngắn nhất, nhanh nhất mình sẽ chở khách đến rồi đi về, để… ra giá. Không biết rành đường sẽ hét giá quá cao, khách lắc đầu ngay hoặc quá thấp thì mình… lỗ. Nắm được lộ trình là “đẳng cấp” của dân xe ôm, vì ngay cả bây giờ có bản đồ số, có công nghệ chỉ đường cho “tài” chạy, đôi khi tài xế vẫn bị chỉ tầm bậy hay đi lòng vòng rất xa, tốn thời gian. Đó cũng là thước đo “cái lòng” của bác tài. Cũng lộ trình đó, có người biết đường tắt, đi sẽ gần hơn, nhanh hơn để bớt chút đỉnh cho khách nhưng cũng có “đứa” vẽ thêm lòng vòng để lấy tiền nhiều hơn. Tệ nhất là những ai “chém” khách các tỉnh, lớ ngớ mới đi xe ôm ở Sài Gòn lần đầu hay là các “chàng Việt kiều hồi hộp” về nước, khách Tây… làm tai tiếng cả giới xe ôm.

Với khuôn mặt sạm khô, háp nắng như trái… táo tàu, dãi dầu hơn 40 mùa mưa nắng với con ngựa sắt, anh Cảnh cho biết nghề xe ôm, hơn mọi thứ nghề nào khác, “bào” sức khỏe kinh khủng.

Bởi môi trường ngày càng ô nhiễm với khói bụi, tiếng ồn. Sài Gòn nắng đó rồi mưa đó, chạy xe giữa trời nắng hơn 40 độ, còn nhiệt từ mặt đường hắt lên với nhiệt từ các loại động cơ cộng hưởng thì lên đến hơn 50 độ thì sức người chịu sao cho thấu. Ăn uống thì không bao giờ đúng bữa, cơm đường cháo chợ, bí đái bí… gì gì thì cũng ráng gồng mình mà chịu vì lắm lúc không kiếm đâu ra chỗ để “trút bầu tâm sự.” Rồi tình cảnh mới chạy một cuốc ở Thủ Đức về chưa kịp thở thì lại có cuốc “hú” đi Hóc Môn, Củ Chi, Chánh Hưng, Xa Cảng… mình cũng phải “bừa,” ngủ vạ vật nên rất mau xuống sức. “Đó là xe ôm có bến, xếp tài như tụi tui. Còn xe ôm bây giờ phải đi rảo để kiếm khách thì tốn sức, tốn xăng gấp mấy lần. Phải chạy từ sáng tới 7-8 giờ tối mới mong đủ sở hụi để về nghỉ,” anh Cảnh nói thêm. Tài xe ôm, người nào cũng mang trong người “cả đống” bệnh, nhiều nhất là phổi, huyết áp, hô hấp, bao tử, trĩ rồi táo bón… Bệnh mà không dám đi khám, dám nghỉ.

Cạnh tranh khốc liệt thời… công nghệ

Đến thời xe ôm công nghệ từ sau thập niên 2010 với những Uber, Grab thì cuộc cạnh tranh xe ôm ở Sài Gòn đã nhuốm màu sát phạt.

Chiếc Wave mà anh Cảnh vừa đổi đời chưa được bao lâu đã đối mặt với hàng loại xe ôm xịn của những Future, Sirius, Wave R, Suzuki, các loại xe tay ga đời mới… cùng điện thoại thông minh. Tài xế thì trẻ hơn, phần nhiều là dân văn phòng, công nhân đi làm thêm, cũng có cả vài “bóng hồng” nữa.

Xe ôm công nghệ có tổng đài, chạy theo cuộc gọi mà khách yêu cầu, tài chỉ chạy theo “cú nổ” địa chỉ từ tổng đài, ăn chia phần trăm với công ty của mình. Giá thì rẻ bất ngờ nên đã “đánh dạt” xe ôm “đời cũ” chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là những ưu thế “thiên thời, nhân hòa” vượt trội khiến dân xe ôm truyền thống như anh Cảnh xuống dốc, không theo kịp thời thế và bây giờ thì như “thở oxy” luôn. Chỉ còn vài nơi cố bám vào sự “địa lợi,” lây lất mong kiếm sống qua ngày, như ở ngã tư An Sương, các cổng bệnh viện, bến xe liên tỉnh… Những nơi mà cánh xe ôm công nghệ bây giờ rất… “oải,” không dám đón khách. Còn đổ khách mà không cẩn thận cũng có ngày bị “đàn anh” xe ôm đời cũ hội đồng, ăn hiếp vì dám “xâm phạm địa bàn.”

Công nghệ tràn vào làm thay đổi hẳn “mặt bằng” xe ôm cũng như cách sống của người Sài Gòn.

Đường phố bây giờ tràn ngập các sắc màu xanh, đỏ, vàng với nón và áo khoác của các hãng xe công nghệ. Xe thì toàn tay ga, xe điện với tài xế trẻ, khỏe, “cày bừa” bất kể mưa nắng. Bởi các hãng xe thời… công nghệ chỉ tuyển toàn tài xế ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Hiếm có tài công nghệ nào trên 50 tuổi. Dân tình giờ chỉ cần ngồi nhà gọi app (ứng dụng), chừng năm phút sau là có xe đến tận nơi rước đi. Ngay cả đồ ăn, thức uống cũng được xe ôm giao đến… tận miệng vào bất cứ giờ nào. Muốn mua bất cứ món hàng nào, cũng có xe ôm giao đến tận nơi. Xe ôm “truyền thống” giờ lay lắt như đèn trước gió, cứ lụi tàn dần theo năm tháng. Rất hiếm thấy cảnh một bác tài già ngồi trên xe dựng trước chợ, trước hẻm để đón khách. Chỉ còn lác đác vài nơi, vài người như anh Cảnh, vì họ còn một vài mối ruột, khách quen vẫn lưu luyến chưa “nỡ” bỏ.

Cũng vì xe ôm công nghệ quá nhiều, nên sự cạnh tranh đã có phần mang màu sắc bạo lực. Không hiếm cảnh dân xe ôm vừa chạy, vừa í ới gọi điện hay nhắn tin hoặc dán mắt vào màn hình được cắm trước xe mà không màng đến dân tình đang chạy xe quanh mình. Và chỉ với một màn va quẹt nhỏ đã biến ngay thành trận thư hùng giữa hai tài xe ôm, với nón bảo hiểm hay bất kỳ thứ gì trong tay làm “vũ khí” lao vào nhau… đánh lộn. Còn chuyện chạy ẩu, nhất là cánh “shipper” của các hãng công nghệ chuyên giao hàng thì nói là vô địch. Ở những giờ cao điểm 11-12 giờ trưa hay 6-7 giờ chiều, ngay cả khi kẹt xe, cánh giao hàng này, để đảm bảo đúng giờ đã thỏa thuận với khách, họ chạy bất kể, khi kẹt xe thì còn “bườn” lên cả vỉa hè để chen lấn, luồn lách cho kịp giờ. Ít khi họ nghĩ rằng, mình còn chở cả thùng hàng phía sau hoặc chằng buộc cả đống hàng phía trước, rất dễ ngáng đường hoặc quẹt vào xe khác trong bối cảnh đường sá bây giờ luôn chật như nêm. 

Như một biện pháp chấn chỉnh, hạn chế tình trạng xe ôm công nghệ chạy ẩu, các hãng đều có mục khách hàng chấm sao đánh giá tài xế cuốc xe mà mình vừa đi. 

Thiện, một tài xế xe công nghệ cho biết, ban đầu nhiều hãng sẽ trừ phần trăm thu nhập của tài khi nhận được nhiều ngôi… sao xấu. Nhưng giờ đã… nhạt rồi, chỉ cần không gây tai nạn là được. Có nguyên nhân là, bây giờ lượng xe công nghệ ngày càng nở rộ, có khi ngoài đường xe nhiều hơn khách. Chính vì vậy, thu nhập của xe công nghệ ngày càng giảm, nhiều khi cả ngày Thiện chỉ “nổ” được 2-3 cuốc, kiếm được một vài trăm ngàn đã coi như đủ sở hụi để “đóng app” về nghỉ.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai…

Thiện cho biết, xe công nghệ bây giờ ai “cày” giỏi lắm thì kiếm về nhà được hơn 300 ngàn mỗi ngày là coi như… đại thắng. Đó là chưa trừ tiền hao mòn máy móc và hao mòn… tuổi trẻ. Nên xe ôm bây giờ không ai tích lũy được, để bù cho những ngày “móp mỏ” ế khách hay đau ốm.

Bi đát nhất là thời cả Sài Gòn phải phong tỏa vì dịch Covid. Cái nghề chạy ngoài đường để kiếm sống bỗng nhiên phải bó gối, “treo xe” ngồi nhà, Thiện đã từng nhịn đói rồi phải ngóng trông từng cọng rau, gói mì từ thiện của bá tánh để cầm hơi qua ngày… kéo dài mà không “biết ra sao ngày sau.” Thiện cũng đã từng đau xót mình bị bề hội đồng ngay cổng bệnh viện Chợ Rẫy vì… một bà khách vẫy mình. Thiện cay đắng: “Ba bốn ông xe ôm hùa vô đánh vì mình cả gan “hớt” khách trên đất của mấy ổng. Cùng thân phận “ngựa người,” sao họ không biết điều, thông cảm và chia sẻ với mình, thuộc hạng “con cháu,” cũng tha hương độ nhật kia mà.

Nhưng chưa cay đắng bằng hàng trăm kiểu “bom hàng” mà cánh xe ôm công nghệ bây giờ phải gánh chịu hàng ngày. “Bom hàng” tiêu dùng thì mình có thể trả lại shop, còn “bom” hàng ăn uống thì… ứa gan, trào nước mắt. Thiện đã từng mang hai con gà bóp gỏi, giá gần 400 ngàn cùng 4 ly trà sữa hơn 200 ngàn nữa về “mở tiệc” với vợ con vì khách… xù, không lấy. Vừa ăn, vừa chửi thầm mà lòng đau như xát muối. Cánh xe ôm công nghệ cũng chua chát, kể từ khi có màn giao đồ ăn thức uống, nhiều tài xế đã được thưởng thức đủ các thứ độc lạ, cao lương mỹ vị… bất đắc dĩ mà mình có nằm mơ cũng khó tưởng tượng ra, hoặc có tiền cũng khó dám với tới. 

Còn với anh Cảnh, tài xế già của xe ôm đời cũ thì với dạng khách của mình, anh chưa bao giờ được trải nghiệm các cảnh “trào máu họng” này. Bởi khách thì thân quen, giá cả là “thuận mua vừa bán” với mấy bà già, cô cậu học sinh nhỏ. Ai kêu đi nhận hoặc giao hàng phải là khách quen lắm, có địa chỉ, tên tuổi người nhận, người giao hẳn hòi anh mới dám nhận. “Vì biết đâu, họ đưa mình cái gói bảo là giao tới chỗ đó, có người đứng ra nhận… là dính chấu. Giao hàng bậy bạ hay ma túy ngay ổ phục kích của công an là mình rồi đời,” anh Cảnh thẳng thắn cho hay.

Đức, người đàn ông sinh năm 1983, nghe bạn bè rỉ tai bỏ việc làm bảo vệ cho công ty. Đức vay ngân hàng khoảng 600 triệu, mượn thêm khoảng hơn 100 triệu và dốc vốn riêng của mình để mua chiếc Toyota Innova hơn 900 triệu đồng, đăng ký chạy cho Grab. Mỗi tháng, số tiền nợ ngân hàng anh phải trả cỡ 12 triệu. Chạy được hơn một năm mà vẫn không có dư, trong khi áp lực từ ngân hàng ngày càng đè nặng, Đức đành buông. Lại luôn luôn thiếu ngủ vì cày đêm, kham không nổi. Giữa năm 2019, anh bán xe được hơn 600 triệu đồng và tất toán nợ. Không còn “cần câu,” nợ bên ngoài tới hạn, Đức xin vào làm nhân viên giao hàng của Viettel để có thu nhập.

Cách đây hơn hai năm, thấy bạn bè chạy taxi công nghệ có thu nhập cao, Tiến quyết định bỏ công ty đã từng gắn bó nhiều năm để thành tài xế taxi công nghệ. Ban đầu, Tiến đăng ký chạy Grabcar bằng chiếc bốn chỗ của mình. Rồi thấy êm êm, Tiến quyết định “chơi lớn,” đầu tư thêm để “lên đời cho xế.” Anh bán xe được hơn 100 triệu đồng, bù thêm một ít và vay ngân hàng mua chiếc Vios 2018 khoảng hơn 600 triệu đồng để hành nghề.

Như bao tài xế khác, Tiến kể, năm 2022 thu nhập từ việc chạy Grabcar khá ổn nên sau khi trừ hết chi phí, trả tiền lãi ngân hàng thì mình vẫn dư để lo cho gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu “tệ” dần kể từ năm 2023. Sự cạnh tranh tăng cao, hãng ra những điều khoản ràng buộc mới, khách đi xe giảm… khiến anh không biết xoay sở ra sao. Từ 15 – 20 triệu đồng thu nhập mỗi tháng, giờ chỉ nhỉnh hơn một nửa khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn. Nợ ngân hàng, tiền chi tiêu hằng ngày, lo vợ con khiến áp lực mỗi ngày mỗi đè nặng. Đã gần 50 tuổi, sức khoẻ của Tiến không cho phép “cày” 12 – 14 giờ mỗi ngày, cộng với kiểu “xếp hạng tài xế” khiến những cuốc xe thưa thớt dần nên số tiền kiếm được ngày càng “hẻo.” Để thoát khỏi cảnh gồng mình trả nợ ngân hàng, Tiến bán xe được 450 triệu rồi xin làm cho các công ty, thu nhập khoảng 7 – 8 triệu/tháng để ổn định cuộc sống.

Khi được hỏi về mức thu nhập mà mọi người vẫn cho là hấp dẫn, Tiến thành thật: “Có những anh em chạy chỉ được khoảng 300 – 400 ngàn/ngày. Có người thì 600 – 800 ngàn, thậm chí 1 triệu/ngày cũng có. Như tôi, tiền thưởng ngày được 50 ngàn, thưởng tuần được 350 ngàn. Tính ra chạy “full” tuần thì tiền thưởng được khoảng 700 ngàn. Công ty bây giờ đang áp dụng 2 mức thưởng là mốc 1 và mốc 2, tôi đang ở mốc 1, còn từ ngày công ty thay đổi chính sách thưởng thì tôi chưa bao giờ đạt được mốc 2 (thưởng 200 ngàn/ngày) cả.” Tuy nhiên, đã hơn hai năm làm việc, anh và những đồng nghiệp mới vào nghề hoặc lâu năm đều không hiểu nhiều về những chính sách cũng như khó mà theo kịp các mức chiết khấu và điều kiện, khoản thưởng cho lái xe. “Ừ thì cũng cho là cao thật đi. Nhưng cái giá để đánh đổi rất lớn. Để có thu nhập chấp nhận được thì phải chạy từ 11 tiếng trở lên, chứ chạy 8 tiếng thì chỉ như kiếm thêm phụ tiền cơm, tiền nhà mà thôi,” Tiến chua chát bộc bạch. Kết thúc câu chuyện nghề nghiệp với anh Cảnh, anh chép miệng bâng quơ: “Vài bữa nữa, sau đợt tinh giản nhân viên các ngành, các cấp sắp tới, chắc Sài Gòn (cùng cả nước) sẽ có thêm hàng ngàn người nữa thành xe ôm, tài xế taxi nữa không chừng.”

Xe ôm công nghệ
Cuộc mưu sinh khốc liệt
Bữa cơm hàng ngày của giới xe ôm, bất kế nơi chốn và giờ giấc
Phái nữ cũng tham gia lực lượng tài xế xe ôm công nghệ

Ngủ bất kể ở đâu

Grab car chen chúc nhau trên đường

Similar article: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/ket-xe-o-khap-sai-gon/

You may also like

Verified by MonsterInsights